Trong những năm qua, Bình Dương luôn xác định nông nghiệp, nông thôn giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế và ổn định xã hội tỉnh nhà. Vì thế, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, chính sách để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp. Qua thời gian thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được cũng còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Tỉnh cần lắng nghe những khó khăn, vướng mắc của người sản xuất nông nghiệp nhằm xem xét, tháo gỡ kịp thời để chính sách thật sự đi vào thực tiễn.
Nông dân nêu ý kiến tại buổi đối thoại. Ảnh: TIỂU MY
Ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết như thế tại buổi đối thoại với hơn 150 nông dân các huyện Phú Giáo, Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên tổ chức tại huyện Phú Giáo sáng qua (23-9).
Chính sách tốt nhưng khó tiếp cận
Tại buổi đối thoại, ông Trần Thanh Liêm đã đề nghị bà con nông dân tập trung vào nội dung liên quan đến chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị - nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 04/2016/ QĐ-UBND, ngày 17-2-2016 của UBND tỉnh. Ông mong muốn bà con nông dân cho biết chính sách đã phù hợp chưa, các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai; chính sách này cần bổ sung, điều chỉnh gì để thuận lợi hơn cho người nông dân trong thời gian tới. Đây là cơ sở để tỉnh xem xét, cải tiến thủ tục, sửa đổi, bổ sung những nội dung chưa hợp lý, bất cập… để thực hiện chính sách này phù hợp với tình hình thực tế.
Nêu ý kiến tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Phi Long, hội viên Hội Nông dân huyện Phú Giáo, cho biết hiện nay người nông dân vay vốn theo Quyết định 04/2016/QĐ- UBND của UBND tỉnh còn nhiều khó khăn. Khó khăn trước hết, thủ tục vay vốn nếu căn cứ vào hợp đồng, chứng từ (hóa đơn đỏ) thì rất khó cho bà con nông dân, dẫn đến việc người dân phải “chạy” hóa đơn để đối phó, làm tăng chi phí cho người nông dân. Bên cạnh đó, thời gian duyệt vay vốn và giải ngân rất lâu. Thêm vào đó, việc định giá tài sản thế chấp (theo giá đất nông nghiệp tại vùng nông thôn) khiến cho người nông dân gặp khó trong việc tiếp cận vốn.
Ông Long mong muốn các ngành chức năng sửa đổi, linh hoạt để người nông dân không bị “đói” vốn trong khi chính sách của tỉnh rất thuận lợi cho nông dân. Nếu để người dân tiếp cận vốn ngân hàng thì mức lãi suất cao quá so với thu nhập và mức sống của người dân trong quá trình đầu tư.
Ông Trịnh Minh Thạnh, nông dân huyện Bắc Tân Uyên thì đề nghị Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh nên mở rộng đối tượng cho vay, kể cả đối với các hộ đã được vay có nhu cầu mở rộng đầu tư để tiếp tục phát triển sản xuất.
Tại hội nghị, nhiều nông dân khác kiến nghị trong thời gian tới, các ngành chức năng cần có những ưu đãi đối với người nuôi heo bị ảnh hưởng bệnh dịch tả heo châu Phi được tái đàn. Bởi nếu được thẩm định xét duyệt theo quy định hiện nay thì người dân không đủ lực để tái đàn sau một thời gian khó khăn do bệnh dịch gây ra.
Nhiều nông dân khác cũng đề xuất các ngành liên quan nên xem xét việc nuôi yến vào danh mục được vay vốn ưu đãi công nghệ cao để người dân có điều kiện đầu tư vào mô hình này. Vốn vay ưu đãi nên dành cho cả chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ, thay vì sản xuất và chế biến như hiện nay.
Nâng cao sự phối hợp giữa các ngành
Trả lời các kiến nghị của nông dân, ông Trần Thanh Liêm đã đi sâu vào những khó khăn của các ngành khi thực thi chính sách theo Quyết định 04/2016/ QĐ-UBND của UBND tỉnh. Theo đó, ông cho biết khó khăn lớn hiện nay là các chủ đầu tư (chủ yếu là những người dân sản xuất với quy mô nhỏ) chưa quen với việc xây dựng phương án vay vốn; tuy đã được hướng dẫn (có phương án mẫu) nhưng khi xây dựng còn thiếu nội dung so với quy định. Để hoàn tất các thủ tục vay vốn theo đúng quy định của Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh chủ đầu tư phải có chứng từ, hóa đơn hợp lệ chứng minh mục đích sử dụng tiền vay. Đây là một khó khăn rất lớn của các chủ đầu tư do đa phần các phương án vay vốn là để đầu tư trang thiết bị, xây dựng cơ sở hạ tầng, giống (chiếm 80 - 90% tổng vốn đầu tư của phương án).
Hiện nay, đa số các chủ đầu tư là hộ nông dân đều đề nghị giải ngân với hình thức không cung cấp hóa đơn, chứng từ chứng minh việc sử dụng vốn. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật và quy chế cho vay của Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh thì các khoản giải ngân phải có hóa đơn, chứng từ theo quy định tại Nghị định số 51/2010/NĐ- CP ngày 14-5-2010 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và Thông tư hướng dẫn thi hành số 153/2010/TT-BTC ngày 28-9- 2010 của Bộ Tài chính.
Trên thực tế, nhiều trường hợp bị kéo dài trong khâu hoàn tất thủ tục trước khi giải ngân do chủ đầu tư phải hoàn thiện hồ sơ pháp lý, chứng từ, hóa đơn và quá trình công chứng gặp trở ngại do tài sản bảo đảm nợ vay hầu hết là bất động sản đứng tên hộ gia đình nhưng các thành viên trong hộ không có mặt đầy đủ khi ký kết hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất hoặc chủ đầu tư không cung cấp đầy đủ thông tin về đồng sở hữu quyền sử dụng đất.
Về định giá tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, thời gian qua đa số các chủ đầu tư đề nghị Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh định giá tài sản bảo đảm theo nguyên tắc thị trường nhưng chưa thực hiện được do các thông tin về giá đất đã chuyển nhượng trên thị trường, giá đất trúng đấu giá quyền sử dụng đất, giá đất trên sàn giao dịch bất động sản còn bất cập, không đầy đủ, thiếu căn cứ để xác định giá thị trường theo quy định của Bộ Tài chính...
Tại buổi đối thoại, ông Trần Thanh Liêm yêu cầu các sở, ngành, địa phương tăng cường hơn nữa công tác củng cố, nâng cao năng lực thực hiện công tác tư vấn cho các tổ chức, cá nhân về quy trình sản xuất nông nghiệp, chọn giống, chăm sóc, xây dựng phương án vay vốn… đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân đăng ký và lập phương án vay vốn theo chính sách ưu đãi của tỉnh. Ông cũng yêu cầu các đơn vị, địa phương phối hợp chặt chẽ với Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh để rút ngắn thời gian cũng như trình tự, thủ tục xét duyệt các phương án vay vốn.
Đặc biệt, Hội Nông dân tỉnh, các huyện cần nắm sát tình hình của người dân để đề xuất, kiến nghị chính sách nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Từ đó giúp các hộ nông dân có thể gửi kiến nghị kịp thời đến các ngành, UBND tỉnh để tỉnh, các ngành sớm điều chỉnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, đưa chính sách đến gần nhất với người thụ hưởng...
Ông Trần Thanh Liêm cũng đề nghị bà con nông dân khai thác hiệu quả tiềm năng sản xuất nông nghiệp của tỉnh; sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ, ưu đãi của tỉnh để phát triển sản xuất; chọn lựa cây trồng, vật nuôi, mô hình canh tác đáp ứng nhu cầu thị trường về sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cho thị trường trong nước. Bà con nông dân cần sản xuất nông nghiệp theo hướng giá trị gia tăng và phát triển bền vững; tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị với quy mô lớn, phù hợp với lợi thế, nhu cầu trên thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu…