Một là, kinh tế thế giới năm 2013 sẽ tiếp tục phục hồi nhưng vẫn chậm và khó khăn... Hai là, xu hướng hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn được duy trì... Ba là, các điểm nóng trên thế giới và khu vực vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó đạt đến giải pháp.
Một năm 2012 không yên ả
Tuy không ồn ào và nhiều biến cố như trong năm 2011 với những sự kiện nổi bật như “Mùa xuân Arab” hay động đất sóng thần tại Nhật Bản, nhưng tình hình chung thế giới trong năm 2012 vẫn đầy rẫy những nhân tố phức tạp. Nổi lên trong đó là một số xu thế sau:
Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là chủ đạo, song môi trường an ninh quốc tế và khu vực vẫn chứng kiến nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Đó là những bất ổn kéo dài tại Trung Ðông - Bắc Phi với nội chiến Syria, căng thẳng xung quanh vấn đề hạt nhân Iran và tiến trình hòa bình Trung Ðông vẫn bế tắc do hòa đàm Israel - Palestine chưa được nối lại dù Palestine đã được LHQ trao quy chế “Nhà nước quan sát viên”, rồi khủng hoảng chính trị chưa có lối thoát ở Ai Cập, khủng bố tại Libya, Iraq, Yemen và xung đột lan rộng sang cả các phần khác của châu Phi như Congo, Mali…
Thêm vào đó là các thách thức mới trong vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và tranh chấp biển đảo căng thẳng bùng phát ở Ðông Á (biển Đông và Hoa Đông) và Nam Đại Tây Dương (Manvinat/ Falkland), ảnh hưởng không nhỏ đến hòa bình, ổn định và hợp tác giữa các quốc gia.
Đáng chú ý là cạnh tranh và cọ sát quyền lực giữa các nước lớn ngày càng gia tăng, đặc biệt tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, xung quanh các vấn đề như an ninh, an toàn và tự do hàng hải và tranh chấp lãnh thổ trên biển và được điều hòa, hóa giải bởi các lợi ích đan xen, đặc biệt là kinh tế, thể hiện rõ nét qua quan hệ Trung - Mỹ, Nhật - Trung…
Chuyển giao quyền lực tại nhiều nước: Năm 2012 là năm diễn ra quá trình bầu cử và chuyển giao lãnh đạo tại nhiều quốc gia quan trọng trên thế giới, như 4/5 quốc gia thành viên thường trực HĐBA Liên hợp quốc (Nga, Trung Quốc, Pháp, Mỹ) và 4/5 quốc gia Đông Bắc Á (Nhật Bản, Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên, Hàn Quốc).
Bởi vậy, xu hướng các nước giữ quan hệ hoặc môi trường bên ngoài ổn định để tập trung vào đối nội là tất yếu. Song cũng do chủ trương giành cảm tình của các cử tri mà một số chính trị gia lúc này hoặc lúc khác lại chuyển căng thẳng ra bên ngoài qua chính sách đối ngoại, quốc phòng cứng rắn cũng khiến quan hệ một số nước trở nên phức tạp.
Châu Á - Thái Bình Dương ngày càng trở thành địa bàn ưu tiên trong chiến lược đối ngoại của các nước và trung tâm quyền lực lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, EU do sự chuyển dịch quyền lực rõ nét từ Tây sang Đông, từ Bắc xuống Nam cả về kinh tế, chính trị và quân sự.
Đáng chú ý là ASEAN tiếp tục khẳng định xu hướng tiến lên phía trước và thể hiện vai trò ngày càng tăng trong cấu trúc khu vực châu Á - Thái Bình Dương với các nỗ lực rất lớn trong việc xây dựng Cộng đồng, tăng cường liên kết nội khối, thu hẹp khoảng cách phát triển, đồng thời làm sâu sắc hơn nữa quan hệ với các đối tác đối thoại dù vẫn phải đối mặt với không ít thách thức, lúc này hay lúc khác, về sự đoàn kết và đồng thuận.
Quá trình phục hồi kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, trắc trở hơn so với năm trước, đứng trước nguy cơ rơi vào giai đoạn đình trệ mới với tăng trưởng giảm ở hầu hết các đầu tàu kinh tế (EU, Mỹ, Nhật, BRICS) và chỉ đạt 3,3%, so với 3,6% của năm 2011 do đối mặt với các thách thức như nguy cơ lan rộng của khủng hoảng nợ công, tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao, dòng thương mại và đầu tư toàn cầu suy giảm, biến động giá năng lượng, lương thực và bất ổn chính trị xã hội tại một số nước và khu vực. Trong bối cảnh trên, khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn nổi lên như là động lực của tăng trưởng kinh tế toàn cầu với tốc độ tăng trưởng dự kiến đạt khoảng 5,5%.
Năm 2013 vẫn sẽ nhiều bất ổn
Nhâm Thìn đã qua đi như thế, vậy Quý Tỵ thế nào? Các suy nghĩ lạc quan nhất cũng khó có thể bỏ qua các thách thức về một bức tranh kinh tế chưa được sáng sủa trong bối cảnh tình hình an ninh, chính trị vẫn tiềm ẩn những yếu tố khó lường như nó vẫn tiếp diễn năm này qua năm khác trên thế giới.
Một chút dự cảm đầu Xuân sẽ giúp ta ước định được các nét chính của tình hình chung, để không bị bất ngờ trước các biến động của thời cuộc và nếu có thể, định vị được mình từ đó xác định hướng đi hợp lý nhất. Những phân tích từ tổng hợp tình hình các năm trước đang giúp ta phác thảo ra những nét chính của 2013 như sau:
Một là, kinh tế thế giới năm 2013 sẽ tiếp tục phục hồi nhưng vẫn chậm và khó khăn, không loại trừ khả năng xảy ra một đợt suy thoái mới nếu khủng hoảng Eurozone và “vách đá tài khóa” ở Mỹ diễn biến xấu hơn. Theo dự báo của IMF, tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể đạt mức 3,6% so với 3,3% của năm 2012, các nền kinh tế phát triển sẽ tăng trưởng 1,5%, trong đó Mỹ là 2,2%, Eurozone là 0,9% (trong đó Đức là 0,9%, Pháp là 0,4%), Anh là 1,1%.
Hai là, xu hướng hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn được duy trì, trong đó các nước lớn, đặc biệt là Mỹ - Trung tiếp tục gia tăng cạnh tranh chiến lược và kiềm chế lẫn nhau, tác động đến sự lựa chọn chính sách, tình hình và hợp tác của các nước thuộc khu vực ảnh hưởng.
Ba là, các điểm nóng trên thế giới và khu vực vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó đạt đến giải pháp. Căng thẳng tại Trung Đông - Bắc Phi xuất phát từ hệ quả của “Mùa xuân Arab” vẫn tiếp diễn lúc chùng, lúc căng và tiềm ẩn nguy cơ bùng nổ, lan rộng. Tranh chấp biển đảo ở Đông Á, Nam Đại Tây Dương tuy có vẻ hạ nhiệt khi bước vào đầu năm 2013 song vẫn còn đó các lí do gây căng thẳng hơn với việc các nước “chủ xướng” vẫn chất chứa các tham vọng và tăng cường đòi hỏi lợi ích.
Vậy tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi chúng ta đang sống, tình hình sẽ như thế nào? Xin thử phác ra một số nét chính như sau:
Một là, châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục là khu vực phát triển sôi động, đang nổi lên như một trung tâm quyền lực và là tâm điểm của thế giới, thu hút sự quan tâm, ưu tiên cao trong các chính sách của các nước lớn. Hợp tác trong khu vực được đẩy mạnh, đặc biệt trên lĩnh vực kinh tế với việc đẩy nhanh quá trình xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN, tăng cường hợp tác Đông Á, đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và tăng cường đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)… Châu Á - Thái Bình Dương vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao và là đầu tàu dẫn dắt của kinh tế thế giới với Đông Á là khu vực phát triển mạnh, đạt mức tăng trưởng dự báo 2013 là 7,1%, Trung Quốc dự kiến quay lại mức 8,2%, Ấn Độ là 6% trong khi Nhật Bản là 1,2% .
Hai là, ASEAN tiếp tục giữ vai trò trung tâm trong cấu trúc và hợp tác khu vực tại châu Á - Thái Bình Dương dù phải đối mặt với không ít thách thức trong năm Chủ tịch của Brunei. Các nước trong khu vực tiếp tục chịu sức ép từ các nước lớn trên nhiều vấn đề, từ sự lôi kéo ảnh hưởng đến cả trên lĩnh vực dân chủ nhân quyền. Cạnh tranh chiến lược của các nước lớn đòi hỏi các nước trong khu vực phải thận trọng, tỉnh táo, hợp tác chặt chẽ với nhau, có các bước đi hợp lý để hướng đến và hoàn thành các mục tiêu mà cả Cộng đồng đã đề ra, tránh bị phân hóa, mất đoàn kết, cùng nhau đối phó thành công với các thách thức an ninh truyền thống cũng như phi truyền thống.
Đưa ra những ước định về một thế giới trong năm mới vào những ngày đầu Xuân Quý Tỵ, xin cầu chúc cho tất thảy mọi người một năm mới an lành và hạnh phúc, cùng chung tay xây dựng một thế giới hòa bình và thịnh vượng.
Theo CAND