Thiết chế văn hóa - thực trạng và giải pháp: Bài 1- Những kết quả bước đầu xây dựng thiết chế văn hóa phục vụ công nhân lao động

Cập nhật: 04-08-2016 | 08:42:41

LTS: Trong nhiều năm qua, hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao (VH-TT) trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm đầu tư xây dựng, tạo điều kiện để các tầng lớp nhân dân được hưởng thụ và tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao… Tuy nhiên, so với nhu cầu của người dân, các thiết chế VH-TT hiện nay vẫn chưa đáp ứng hết, đặc biệt là người dân ở các vùng xa, đối tượng CNLĐ trong các khu, cụm công nghiệp. Báo Bình Dương thực hiện chuyên đề này với mong muốn trong thời gian tới các thiết chế VH-TT phát triển cả về chất lẫn lượng đồng thời phát huy hiệu quả...

Cùng với sự phát triển trên lĩnh vực kinh tế, Bình Dương thu hút đông đảo công nhân lao động (CNLĐ) từ các tỉnh, thành trên cả nước đến sinh sống, lập nghiệp. Chăm lo đời sống tinh thần cho CNLĐ là điều luôn được tỉnh quan tâm. Việc làm này cũng được các doanh nghiệp (DN) chung tay với những kết quả bước đầu rất đáng khích lệ…


Nhà hát Mỹ Phước do Công ty Becamex đầu tư là điểm đến thú vị cho người dân và CNLĐ mỗi dịp cuối tuần

Chăm lo đời sống tinh thần

Toàn tỉnh hiện có hơn 950.000 lao động đến từ nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Để người lao động yên tâm làm việc, gắn bó lâu dài với sự phát triển của tỉnh nhà, việc chăm lo về mặt đời sống tinh thần của CNLĐ luôn được quan tâm. Cùng với việc tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao góp phần làm phong phú đời sống tinh thần, các thiết chế VH-TT cơ sở cũng được tỉnh, các ngành, các cấp và các DN quan tâm đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của nhân dân, trong đó bao gồm cả CNLĐ.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL), hiện nay, nhu cầu về đời sống văn hóa tinh thần của CNLĐ là rất lớn do số lượng CNLĐ trên địa bàn tỉnh khá đông. Do vậy, để tổ chức các hoạt động đáp ứng nhu cầu của họ đòi hỏi phải có các thiết chế VH-TT tương ứng. Cùng với đó là sự quan tâm của chính quyền địa phương các cấp, sự phối hợp chặt chẽ giữa các KCN, tổ chức công đoàn và ngành VH-TT&DL trong việc tổ chức các hoạt động. Việc các DN đầu tư xây dựng các công trình văn hóa phục vụ CNLĐ là việc làm mang nhiều ý nghĩa. Thông qua các hoạt động VH-TT từng bước góp phần xây dựng đạo đức, lối sống lành mạnh trong CNLĐ, đẩy lùi tệ nạn xã hội, góp phần xây dựng môi trường xã hội địa phương lành mạnh, văn minh và phát triển. Thời gian qua, ngành VH-TT&DL, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã nỗ lực huy động các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào các hoạt động VH-TT góp phần cùng với Nhà nước tạo môi trường sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao; nâng cao mức sống văn hóa tinh thần cho nhân dân. Nhiều cá nhân, DN, đơn vị kinh tế đã phối hợp hiệu quả với ngành chức năng và các địa phương để tài trợ tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thi đấu thể dục thể thao; đồng thời đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để xây dựng phát triển các thiết chế.

Điển hình trong việc xây dựng các thiết chế VH-TT phục vụ CNLĐ phải kể đến KCN Mỹ Phước. Năm 2005, KCN Mỹ Phước đã đầu tư khoảng 15 tỷ đồng để xây dựng nhà hát sân khấu ngoài trời. Theo đánh giá của ngành văn hóa, bước đầu thiết chế này đã được khai thác và tổ chức hoạt động có hiệu quả rất tốt. Ngoài ra, KCN Mỹ Phước còn đầu tư xây dựng cụm sân bóng đá KCN Mỹ Phước với 6 sân đạt tiêu chuẩn. Từ năm 2004, tại KCN Mỹ Phước 3, TX. Bến Cát cũng đã đưa vào hoạt động Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân và Lao động trẻ tỉnh Bình Dương. Các DN khác như Công ty Becamex, Cao su Dầu Tiếng, Cao su Phước Hòa, Cấp thoát nước và Môi trường, Vật liệu và Xây dựng Bình Dương… cũng đã bỏ nhiều kinh phí đầu tư xây dựng các thiết chế VH-TT như trung tâm văn hóa, trung tâm thể thao cộng đồng, nhà thi đấu đa năng… phục vụ nhu cầu của CNLĐ.

Cần quan tâm hơn nữa

Với đặc điểm là một địa phương tập trung đông CNLĐ, nhu cầu được quan tâm chăm lo về đời sống văn hóa tinh thần cũng như việc xây dựng các thiết chế VH-TT nhằm phục vụ nhu cầu của họ là khá lớn. Tuy nhiên, hiện nay các thiết chế VH-TT phục vụ CNLĐ trên địa bàn tỉnh vẫn còn thiếu. Các trung tâm VH-TT do Nhà nước đầu tư chủ yếu tập trung ở trung tâm các huyện, thị xã, thành phố. So với tổng số DN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, số lượng DN quan tâm chăm lo đời sống văn hóa tinh thần, xây dựng các thiết chế VH-TT phục vụ nhu cầu của người lao động vẫn còn ít. Nhiều công ty, xí nghiệp ở các KCN không có thiết chế VH-TT phục vụ CNLĐ hoặc có công trình đã đưa vào sử dụng rồi nhưng lại chuyển đổi mục đích sử dụng khác. Đa số các KCN trên địa bàn tỉnh có quá trình hình thành trước thời điểm 2011 cho nên việc quy hoạch phát triển các thiết chế VH-TT phục vụ CNLĐ có những khó khăn nhất định.

Nhằm tạo điều kiện cho CNLĐ các KCN được nâng cao mức hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần, bà Nguyễn Thị Minh Nghĩa, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết, trong thời gian tới tỉnh sẽ tập trung thực hiện bằng nhiều giải pháp. Điều đầu tiên là sẽ tổ chức quản lý, khai thc, sửdng và phát huy tốt hiệu quả các công trnh cơ sởvật chất VH-TT đã có. Tăng cường đầu tư các sân chơi, bãi tập, công trình thể thao trong quần thể Trung tâm Văn hóa, thông tin và Thể thao cấp huyện và Trung tâm VH-TT cấp xã, nhất là ở các huyện, thị có các KCN trú đóng và CNLĐ cư trú đông như: TP.Thủ Dầu Một, TX.Dĩ An, TX.Thuận An và TX.Bến Cát. Về nguồn đầu tư, bên cạnh sự đầu tư của Nhà nước thông qua chương trình mục tiêu quốc gia và địa phương sẽ thực hiện xã hội hóa, xây dựng hệ thống thiết chế VH-TT phục vụ CNLĐ ở các KCN và tại địa bàn dân cư có CNLĐ đan xen. Song song đó, thực hiện việc phê duyệt phát triển các KCN (chế xuất) phải có quy hoạch xây dựng nhà ở và các công trình văn hóa xã hội phục vụ CNLĐ làm việc tại các KCN (chế xuất). Chủ DN phải cam kết thực hiện trách nhiệm xã hội trong việc đóng góp và chăm lo xây dựng đời sống văn hóa của CNLĐ.

Cùng với việc xây dựng các thiết chế, một trong những giải pháp cần tập trung thực hiện trong thời gian tới là tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động văn hóa, thể thao. “Khuyến khích các DN chăm lo đời sống vật chất và tinh thần; hỗ trợ kinh phí tổ chức các hoạt động VH-TT cho CNLĐ; gắn các nội dung tiêu chí xây dựng đời sống văn hóa cho CNLĐ vào hoạt động quản lý DN và nội dung thỏa ước lao động tập thể; chủ động tuyên truyền, vận động, bình xét, biểu dương công nhân có nếp sống văn hóa lành mạnh, tác phong lao động công nghiệp… Đa dạng hóa hình thức tổ chức, các hoạt động phong trào, thường xuyên đổi mới nội dung, mở rộng việc thành lập các câu lạc bộ VH-TT cấp cơ sở, các loại hình tập luyện thể thao phổ thông phù hợp với điều kiện từng nơi, từng đối tượng nhằm thu hút rộng rãi sự tham gia của CNLĐ. Duy trì và phát huy việc phối hợp giữa ngành VH-TT&DL với Liên đoàn Lao động và các KCN, giữa tổ chức Đoàn thanh niên với các KCN trong việc tổ chức các hoạt động, các cuộc hội thi, hội diễn văn nghệ…”, bà Nghĩa cho biết thêm.

Bài 2: Để thiết chế văn hóa cơ sở phát huy hiệu quả

CẨM LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1156
Quay lên trên