Nổi tiếng thế giới là tấm gương vượt lên số phận, David Paterson, đã trở thành thống đốc da màu và khuyết tật đầu tiên trong lịch sử bang New York, Mỹ, sau khi người tiền nhiệm Eliot Spitzer từ chức vì bê bối gái gọi tháng 3-2008. Tuy nhiên, sau hai năm cầm quyền, ông Paterson lại đang đi vào vết xe đổ của người tiền nhiệm khi dính vào hàng loạt vụ bê bối có thể khiến ông sẽ mất ghế và đẩy bang New York vào hỗn loạn.
Tháng 3-2008, ông David Paterson, 53 tuổi, đã ghi tên mình vào lịch sử nước Mỹ khi trở thành thống đốc khiếm thị đầu tiên ở Mỹ và là thống đốc người Mỹ gốc Phi đầu tiên của New York. Khi đó có ý kiến cho rằng, ông David Paterson, sinh trưởng trong một gia đình quyền lực ở khu Harlem (New York), đã may mắn trở thành thống đốc bang sau sự ra đi của ông Eliot Spitzer do dính vào bê bối tình dục.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng nếu xét những nỗ lực của David Paterson trong quá khứ, rõ ràng ông xứng đáng với vị trí đó. Và những đồng nghiệp lâu năm cũng khẳng định rằng, Paterson tiến tới con đường quyền lực bằng chính tài năng, sự quyết đoán, tính cách dễ chịu và năng lực chính trị của chính bản thân ông.
Bệnh nhiễm trùng ở tai khi mới 3 tháng tuổi đã ảnh hưởng đến thần kinh thị giác, khiến mắt trái của David Paterson bị mù hẳn, còn mắt phải nhìn rất hạn chế. Tuy nhiên, ông từ chối học chữ Braille, không sử dụng gậy hay chó dẫn đường mà cố gắng sống, học tập và làm việc như một người bình thường. Paterson đã tốt nghiệp loại ưu Đại học Columbia và khoa Luật của Đại học Hofstra.
Lời phát biểu năm 2002 khi được bầu làm lãnh đạo phe Dân chủ thiểu số tại thượng viện của bang New York đã cho thấy nghị lực của ông Paterson lớn như thế nào: "Mọi người thích nói với những người khuyết tật rằng, họ cũng giống như mọi người. Nhưng câu nói đó chỉ nhằm động viên bạn mà thôi. Khi bạn là người khuyết tật, bạn mới hiểu bạn chẳng giống mọi người chút nào!".
Thống đốc Bang New York David Paterson.
Khi được trao chức Thống đốc bang, tờ New York Times miêu tả Paterson là người thông minh, ngay thẳng nhưng cũng cho rằng, ông hầu như vẫn chưa được "thử lửa" vì chức Phó thống đốc mà ông đảm nhiệm trong nhiều năm chỉ mang tính tượng trưng. Paterson được cho là người theo chủ nghĩa tự do và là một chính trị gia khôn khéo. Nhưng những người chỉ trích Paterson tỏ ra nghi ngờ vì ông “quá hiền lành” khi đảm nhiệm trọng trách mới.
Sự ủng hộ của người dân New York đối với vị thống đốc đặc biệt này đã kéo dài không lâu và bắt đầu đi xuống vì kinh tế New York giảm sút và tỉ lệ thất nghiệp cao nhất trong 26 năm. Và điều tồi tệ nhất đã xảy ra với vị thống đốc da màu này sau khi xuất hiện các thông tin rằng, ông Paterson và các quan chức cảnh sát bang đã can thiệp vào một vụ bạo lực dính dáng tới cố vấn hàng đầu của ông Paterson.
Chuyện bắt đầu từ khi tờ New York Times tiết lộ: Một phụ nữ đã cáo buộc David Johnson - một trong số các cố vấn cấp cao của ông Paterson - tấn công cô trong lễ Halloween, bóp cổ cô và ném đồ đạc về phía cô. Người phụ nữ này đã kiện Johnson ra tòa. Tuy nhiên, các quan chức cảnh sát bang đã can thiệp, thuyết phục người phụ nữ không đưa ra những lời buộc tội chống lại Johnson. Chỉ một ngày trước khi phiên tòa diễn ra, chính Thống đốc Paterson đã nói chuyện riêng với người phụ nữ.
Cô này đã không xuất hiện tại tòa và kết quả là vụ việc được hủy bỏ. Vụ việc gây tranh cãi đã khiến David Johnson phải từ chức hôm 25-2. Chính vụ bê bối trên cũng đã khiến ông Paterson tuyên bố một ngày sau đó rằng, ông sẽ không tái tranh cử chức thống đốc bang. Paterson sẽ hoàn thành nốt nhiệm kỳ của Spitzer tới tháng 11-2010.
Trong khi vụ bê bối thứ nhất chưa nguôi, thì hôm 5-3 vừa qua, báo chí Mỹ lại khui ra nhiều vụ bê bối mới liên quan tới Thống đốc Paterson. Trước hết, Ủy ban Đạo đức bang New York tố cáo ông Paterson đã dùng quyền lực của mình để xin trái phép 5 vé xem bóng chày của đội Yankees, mặc dù trước đó ông đã thề không hề có việc ông đi xin mà bỏ tiền ra mua hẳn hoi.
Ông Paterson cũng bị cáo buộc làm sai lệch ngày 1 tấm séc chi trả cho số tiền mua vé trên để đánh lừa các nhà điều tra. Theo luật, ông Paterson có nguy cơ bị phạt 100.000 USD và từ 3 tháng đến 7 năm tù giam vì... thề láo.
Những vụ bê bối trên đang khiến đảng Dân chủ ở bang New York căng thẳng và ngày càng có nhiều người lên tiếng yêu cầu ông Paterson bước xuống. Về phần mình, ông David Paterson cho rằng mình vô tội trong tất cả những phi vụ trên và khẳng định, ông sẽ không từ chức từ nay tới tháng 11-2010 mặc dù ông đã tuyên bố chấm dứt chiến dịch tranh cử.
Theo các nhà quan sát, nhân vật đã thêm nhiều mắm muối vào những vụ bê bối liên quan tới Thống đốc Paterson là Tổng chưởng lý rất nổi tiếng của thành phố New York, ông Andrew Cuomo, một đối thủ của ông Paterson trong cuộc bầu cử thống đốc bang sắp tới, và là người trực tiếp tiến hành các vụ điều tra liên quan tới ông Paterson.
Cho tới nay, những vụ bê bối liên quan tới Thống đốc Paterson hiện chỉ dừng lại ở những lời chỉ trích và châm chọc bởi lẽ khó khăn thực sự đối với vị thống đốc này là làm thế nào để giải quyết gần 9 tỉ USD thâm hụt ngân sách của bang trước ngày 1-4 tới. Trong lúc này, hình ảnh các chính trị gia bang New York trong con mắt người dân địa phương là rất tệ hại.
Sau sự rút lui ngoạn mục của ông Eliot Spitzer, việc ông Michael Bloomberg tái cử thị trưởng thành phố New York bằng cách bỏ ra hàng trăm triệu USD để tranh cử đã làm cho người dân thành phố này chán ngán. Một trong số hai nhân vật trên có nguy cơ bị ngồi tù 20 năm vì tội tham nhũng, người còn lại thì không còn mặt mũi nào để tái tranh cử.
Hiện tại, người dân New York lại đang phải chứng kiến sự ra đi của một chính khách rất được yêu thích, Charlie Rangel, bị buộc phải rút lui khỏi Hạ viện bang vì cáo buộc lạm dụng quyền lực. Và sau cùng là chuyện về Thống đốc David Paterson.
Mặc dù ông Paterson chưa chịu từ chức nhưng xem ra chiếc ghế thống đốc New York mà ông nắm giữ từ 2 năm nay luôn mang “dớp” của người tiền nhiệm. Mặc dù vậy các nhà quan sát cho rằng người dân New York vẫn không hoàn toàn mất hy vọng trong việc tìm được một vị thống đốc trong sạch vào kỳ bầu cử sắp tới.
(Theo CAND)