4 tháng đầu năm, Bình Dương tiếp tục gây ấn tượng mạnh trong thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI), với 917 triệu USD, tăng 51% so với cùng kỳ năm trước và đạt 65,5% kế hoạch năm. Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã thu hút 3.576 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 32,9 tỷ USD.
Giữ vững tốp đầu
Theo Tổng cục Thống kê, từ đầu năm đến ngày 20-4, cả nước thu hút 1.082 dự án FDI cấp phép mới với số vốn đăng ký 5,345 tỷ USD, tăng 22,5% về số dự án và tăng 50,4% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018. Bên cạnh đó, có 395 lượt dự án FDI đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 2,1 tỷ USD. Như vậy, tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn FDI tăng thêm trong 4 tháng đầu năm vào nước ta đạt 7,455 tỷ USD, tăng 28,6% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong 4 tháng qua, cả nước còn có 2.416 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn 7,14 tỷ USD, gấp 3,2 lần so với cùng kỳ năm 2018. Tây Ninh là địa phương có số vốn FDI đăng ký lớn nhất, tiếp đến là Bình Dương, Bắc Ninh, TP.Hồ Chí Minh…
Bình Dương tiếp tục gây ấn tượng mạnh về thu hút vốn FDI. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất tại Công ty Konlon (Việt Nam). Ảnh: PHƯƠNG LÊ
Tuy đã đạt được thành công lớn trong thu hút đầu tư thời gian qua nhưng tỉnh Bình Dương vẫn tích cực chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, không ngừng đầu tư hạ tầng hiện đại tạo nền tảng để thu hút FDI thế hệ mới đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời gian tới. Trong đó, tỉnh rất chú ý đến mối quan hệ tương hỗ giữa phát triển công nghiệp và xây dựng đô thị thông minh. Theo đó, các chiến lược đột phá của tỉnh, đổi mới thu hút đầu tư, hướng tới thành phố thông minh bước đầu đã tạo được những ảnh hưởng tích cực mang tầm quốc tế.
Cụ thể hóa hướng đi nói trên, Bình Dương đã tổ chức đoàn công tác đến thành phố Daejeon (Hàn Quốc) ký kết hợp tác với địa phương này và Hiệp hội Đô thị khoa học thế giới (WTA) hợp đồng tư vấn WTA. Theo đó, thành phố Daejeon và WTA sẽ hỗ trợ Bình Dương nghiên cứu và phát triển khu công nghiệp khoa học - công nghệ cao. Dịp này, Tổng Công ty Becamex IDC đã ký biên bản ghi nhớ với các khu công nghệ cao ở Hàn Quốc (Technopark) để trao đổi, phát triển về kinh doanh và công nghệ công nghiệp xây dựng mạng lưới toàn cầu. Bên cạnh đó, Becamex IDC đã ký với đối tác Tổng Công ty Tài nguyên nước Hàn Quốc (K-Water) thiết lập các quan hệ hợp tác trong lĩnh vực hiện đại hóa các công trình liên quan đến tài nguyên nước và thành phố thông minh.
Triển khai thực hiện các ký kết nói trên sẽ tạo bước đột phá mới cho Bình Dương trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra hiện nay.
Sớm về đích giai đoạn 2016-2020
Bình Dương đề ra mục tiêu phấn đấu giai đoạn 2016-2020 thu hút vốn FDI đạt hơn 7 tỷ USD, vốn đầu tư trong nước đăng 110.000 tỷ đồng. Trên thực tế, đến nay mục tiêu này tỉnh đã gần hoàn thành.
Đánh giá sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015- 2020 cho thấy, từ năm 2016 đến cuối tháng 6-2018, tỉnh đã thu hút 5,9 tỷ USD vốn FDI. Còn tính đến hết 4 tháng đầu năm 2019, vốn FDI vào tỉnh đã đạt 6,8 tỷ USD, thu hút đầu tư trong nước đạt 118.650 tỷ đồng.
Đến nay, toàn tỉnh có 36.379 doanh nghiệp trong nước với tổng vốn đăng ký 296.989 tỷ đồng và 3.576 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 32,9 tỷ USD. Nguồn lực này góp phần quan trọng vào sự phát triển tỉnh nhà, đưa công nghiệp - dịch vụ chiếm đến 88,21% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, giúp thu ngân sách năm 2018 đạt 50.000 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 130,8 triệu đồng/năm, toàn tỉnh không còn hộ nghèo theo tiêu chí của Trung ương.
Cụ thể hóa nghị quyết nhằm huy động nguồn lực đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016-2020, cuối năm 2016, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình đổi mới thu hút đầu tư giai đoạn 2016-2020 (Chương trình 34). Để đạt mục tiêu chương trình đề ra, bên cạnh các giải pháp tập trung đầu tư, cải thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Bình Dương tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Theo đó, tỉnh đã tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư. Nhờ đó, Bình Dương có sự bứt phá trong huy động nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững vị trí là địa phương thu hút hiệu quả vốn đầu tư trong và nước ngoài.
Có thể nói, với những kết quả tốt đẹp về thu hút FDI trong thời gian qua, mục tiêu thu hút hơn 7 tỷ USD giai đoạn 2016- 2020 nhiều khả năng Bình Dương sẽ đạt được ngay trong quý II-2019.
Ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết Bình Dương đã đạt được những kết quả ấn tượng trong thu hút FDI và phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian qua. Lãnh đạo tỉnh hy vọng trong thời gian tới sẽ tiếp tục giữ vững vị thế là địa phương phát triển năng động, có sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư; qua đó tạo nguồn lực và tiền đề cho Bình Dương thực hiện mục tiêu phát triển đô thị thông minh, bền vững. Hiện tỉnh đang đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các ngành nghề, dịch vụ chất lượng cao, dịch vụ hỗ trợ phát triển công nghiệp, các ngành công nghiệp tạo ra giá trị sản phẩm lớn, thân thiện với môi trường, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, đất đai, giảm dần các ngành nghề thâm dụng lao động. |
MINH KHÁNH