Thu nhập cao từ vườn cây ăn trái đặc sản

Cập nhật: 17-11-2020 | 08:11:29

Môi trường thay đổi, ô nhiễm công nghiệp ngày càng cao, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của cây ăn trái. Bên cạnh đó, nguy cơ vườn cây ăn trái đặc sản bị mai một, việc cho ra sản lượng tốt và thu nhập hàng năm trên 100 triệu đồng đã cho thấy nỗ lực ông Huỳnh Thanh Sơn, khu phố Bình Hòa, phường Bình Nhâm, TP.Thuận An trong việc chăm sóc, giữ gìn nghề trồng trọt truyền thống.

 Ông Nguyễn Phú Đông (bên trái), Chủ tịch Hội Nông dân phường Bình Nhâm tham quan vườn cây đặc sản của gia đình ông Sơn

 Chúng tôi đến tham quan vườn cây của gia đình ông Huỳnh Thanh Sơn vào một buổi sáng đẹp trời. Bước vào không gian vườn rộng hơn 13.000m2, không khí mát lành xen một chút ánh nắng sớm mai tạo nên một cảm giác thanh bình, dễ chịu khó tả. Ông Sơn chia sẻ, đất vườn gia đình mua từ trước giải phóng để trồng trọt, cây chủ lực là măng cụt. Hiện nay cây tuổi đời 100 năm đã già cỗi và chết, được thay thế bằng những cây có tuổi đời trẻ hơn, trong vườn hiện chỉ còn một số cây tuổi đời 40-50 năm. Ngoài mảnh vườn tại khu phố Bình Nhâm, ông còn mảnh vườn 7.000m2 tại ấp An Mỹ, xã An Sơn trồng măng cụt và mít tố nữ. Bên cạnh thu hoạch măng cụt theo mùa vụ, thu hoạch từ mít tố nữ (60 tấn/đợt) và chuối (100kg/tuần) đã tăng thêm thu nhập đáng kể cho gia đình. Với 2ha vườn cây ăn trái, bình quân mỗi năm mang lại hơn 100 triệu đồng, nâng cao đời sống gia đình và đóng góp cho sự phát triển kinh tế nông nghiệp địa phương.

Ông Huỳnh Thanh Sơn tâm sự, chăm sóc cây măng cụt không cần cầu kỳ, phức tạp như các cây khác, chỉ cần phù hợp thổ nhưỡng, luôn giữ mương thông thoáng, nước không bị ô nhiễm cây sẽ phát triển tốt cho ra sản lượng, chất lượng cao. Khó khăn gặp phải đó là khi đê bao chưa được làm, nước ngập khiến cây chết và bị suy kiệt rất nhiều. 2 năm nay, được nhà nước hỗ trợ xây bờ bao, nạo vét mương, hỗ trợ phân vi sinh..., vườn cây đặc sản đã được phục hồi trở nên xanh tốt hơn rất nhiều. Điều làm ông lo lắng là con cái giờ không ai muốn làm nông nghiệp, vợ chồng tuổi đã về già, chỉ mong có nhiều sức khỏe để tiếp tục chăm sóc, giữ gìn, phát triển vườn trái cây đặc sản của tổ tiên để lại.

Ông Nguyễn Phú Đông, Chủ tịch Hội Nông dân phường Bình Nhâm, cho biết: “Hộ ông Nguyễn Thanh Sơn là một trong những hộ nằm trong chính sách được hỗ trợ giữ vững và phát triển vườn cây ăn trái đặc sản của địa phương. Gia đình ông Sơn cũng đã 3 năm liền đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp thành phố”.

 Bà Võ Huỳnh Ngọc Thủy, Chủ tịch UBND phường Bình Nhâm, cho biết: “Chính sách hỗ trợ giữ vững và phát triển vườn cây ăn trái đặc sản cùng với các mô hình nông nghiệp đô thị - nông nghiệp công nghệ cao tạo điều kiện cho nhân dân khu vực vườn cây, kinh tế nông nghiệp có điều kiện phát triển, tăng thu nhập và cải thiện đời sống. Bên cạnh đó hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển, kênh rạch được khai thông, từng bước phục hồi vườn cây ăn trái đặc sản, góp phần để phát triển du lịch sinh thái theo đúng định hướng.

 TIẾN HẠNH  

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=629
Quay lên trên