Thu tiền khám, chữa bệnh cho trẻ dưới 6 tuổi sẽ bị phạt
Cập nhật: 29-10-2011 | 00:00:00
Chính phủ đã ban hành Nghị định 91/2011/NĐ-CP quy định xử phạt
vi phạm hành chính về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Nghị định có hiệu lực
kể từ ngày 2-12-2011. Đáng chú ý, với hành vi cản trở, không khám bệnh, chữa bệnh
(KB, CB) cho trẻ em, vừa chịu phạt tiền, vừa bị chế tài khắc phục hậu quả. Theo đó, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 - 1 triệu đồng
đối với người đang chăm sóc, nuôi dưỡng, trông nom, dạy học cho trẻ em phát hiện
ra trẻ em bị bệnh hoặc có dấu hiệu bị bệnh mà không thông báo kịp thời cho gia đình
hoặc không đưa ngay trẻ em đến KB, CB tại các cơ sở y tế gần nhất dẫn đến hậu
quả nghiêm trọng đối với trẻ em; phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với một
trong các hành vi: Từ chối KB, CB cho trẻ em theo quy định hoặc trong trường hợp
cấp cứu; thu tiền KB, CB cho trẻ em dưới 6 tuổi trái với quy định của pháp luật;
không sử dụng trang thiết bị, phương tiện KB, CB cho trẻ em trong khi có điều
kiện và được phép sử dụng dẫn đến hậu quả nghiêm trọng đối với trẻ em. Bên cạnh phạt tiền, hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền
sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề từ 3 - 6 tháng đối với cá nhân, tổ chức
thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 và khoản 2 điều này; đồng thời buộc cá
nhân, tổ chức chịu mọi chi phí KB, CB cho trẻ em do thực hiện hành vi quy định
tại khoản 1 và khoản 2 Điều này; buộc cá nhân, tổ chức trả lại số tiền do thực
hiện hành vi quy định tại điểm b khoản 2 Điều này.Chửi bới trẻ em vì hành vi phạm pháp luật cũng có thể bị phạt
tiền. Điều 17 “Hành vi có tính chất xúc phạm, hạ thấp danh dự, nhân phẩm đối với
trẻ em vi phạm pháp luật”, quy định phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng đối với một
trong các hành vi dùng lời nói, hành động hoặc hành vi khác có tính chất xúc phạm,
hạ thấp danh dự, nhân phẩm đối với trẻ em vi phạm pháp luật. Biện pháp khắc phục
hậu quả là buộc cá nhân, tổ chức chịu mọi chi phí để KB, CB cho trẻ em do thực
hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này.Bên cạnh đó nghị định còn quy định mức phạt có thể lên đến
20 triệu đồng đối với hành vi tập hợp, chứa chấp trẻ em lang thang để bán vé số;
đưa hình ảnh trẻ em vào sản phẩm văn hóa có nội dung khiêu dâm, bạo lực, kinh dị;
sử dụng trẻ em làm việc ở cơ sở xoa bóp, sòng bạc quán rượu, trò chơi kích động
bạo lực, đồi trụy... có hại cho sự phát triển lành mạnh của trẻ em. Mức phạt đến
10 triệu đồng đối với hành vi sau khi sinh con bỏ con không chăm sóc, nuôi dưỡng,
cố ý bỏ rơi con nơi công cộng, dụ dỗ trẻ em bỏ gia đình đi lang thang... Xử phạt
tới 5 triệu đồng đối với cha, mẹ, người giám hộ bắt trẻ em đi lang thang kiếm sống;
đánh đập, xâm phạm thân thể trẻ em, đối xử tồi tệ với trẻ em... N.CAO