Thủ tướng: Chống tiêu cực, lợi ích nhóm khi thực hiện dự án trọng điểm

Cập nhật: 10-08-2022 | 16:46:33

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.

Sáng 10/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải chủ trì Hội nghị trực tuyến Ban Chỉ đạo. Đây cũng là cuộc họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo.

Hội nghị kết hợp trực tiếp với trực tuyến giữa đầu cầu Trụ sở Chính phủ với đầu cầu Ủy ban nhân dân 33 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có các dự án, công trình trọng điểm.

Dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo; Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, Phó Trưởng ban Chỉ đạo; các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ là thành viên Ban Chỉ đạo và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đại diện một số nhà thầu tư vấn, thi công.

Trước đó, ngày 23/7/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký quyết định số 884/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo để giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo triển khai thực hiện các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải.

Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phương hướng, biện pháp giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành để đẩy nhanh tiến độ các dự án.

Bên cạnh đó, giúp Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo, kiểm tra, điều hòa phối hợp và đôn đốc các bộ, ngành, địa phương liên quan thực hiện các nhiệm vụ về đầu tư xây dựng các dự án nêu trên theo đúng các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ đối với các dự án; giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo việc triển khai thực hiện các dự án theo quy định.

Theo Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo, các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải gồm 9 dự án và 31 dự án thành phần. Trong số đó, Bộ Giao thông Vận tải làm cơ quan chủ quản 3 dự án và 4 dự án thành phần; các địa phương làm cơ quan chủ quản 5 dự án và 24 dự án thành phần; các bộ, ngành, doanh nghiệp làm cơ quan chủ quản 1 dự án và 3 dự án thành phần.

Còn những khó khăn, vướng mắc

Tại Hội nghị, các thành viên Ban Chỉ đạo là lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương phát biểu, thông tin về tình hình triển khai các công trình, dự án; đặc biệt phản ánh những số khó khăn, vướng mắc, làm ảnh hưởng đến tiến độ, cần giải quyết như khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng; vướng mắc, khó khăn về nguồn vật liệu đắp nền đường.

Cũng theo các đại biểu, trong thời gian qua giá nhiên, nguyên, vật liệu có biến động lớn, dẫn đến thiếu hụt tài chính và thua lỗ cho nhà thầu, gây ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Chính phủ.

Đặc biệt, năng lực của một số chủ đầu tư, ban quản lý dự án, của lực lượng tư vấn (thiết kế, giám sát), nhà thầu thi công xây dựng còn hạn chế, chưa đồng đều, chưa đáp ứng được yêu cầu triển khai đồng thời các dự án với phạm vi, quy mô đầu tư lớn, yêu cầu kỹ thuật cao, thời gian triển khai ngắn như hiện nay.

Một số dự án triển khai với các nguồn vốn khác nhau nên cần sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành, địa phương trong việc bố trí vốn, triển khai các dự án, dự án thành phần. Các dự án sử dụng vốn vay các tổ chức quốc tế, thủ tục triển khai phức tạp đan xen giữa các thông lệ quốc tế, các quy định của pháp luật Việt Nam, nên việc điều chỉnh dự án, bổ sung vốn, quản lý hợp đồng khá phức tạp và kéo dài.

Nhiệm vụ rất nặng nề

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cho biết hiện nay, cả nước đang triển khai nhiều công trình giao thông trọng điểm, trong đó có các tuyến cao tốc đường bộ, các sân bay, đường sắt đô thị, đường vành đai... Việc thực hiện các công trình giao thông này không chỉ là nhiệm vụ chính trị, mà là cơ hội cho các địa phương để mở ra không gian mới cho phát triển.

Theo Phó Thủ tướng, khối lượng công việc rất nhiều, nếu cứ triển khai như lâu nay thì khó hoàn thành nhiệm vụ, phải đổi mới phương thức thực hiện.

Bộ Giao thông Vận tải phải thể hiện vai trò Thường trực Ban Chỉ đạo, kết nối các bộ, ngành, địa phương; hướng dẫn, đôn đốc thực hiện; Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí, hướng dẫn sử dụng vốn; Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm về mỏ vật liệu; Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải hướng dẫn, thẩm định tiêu chuẩn, quy trình xây dựng các công trình; các địa phương phải chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng, chọn tư vấn, nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm và thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc triển khai.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam đang triển khai 3 đột phá chiến lược, trong đó có đột phá chiến lược về hạ tầng. Trong đột phá chiến lược về hạ tầng, có hạ tầng về giao thông, tập trung vào các công trình giao thông liên vùng, liên tỉnh.

Mục tiêu Đại hội Đảng đề ra là đến năm 2030 cả nước hoàn thành ít nhất 5.000km đường cao tốc. Trong 20 năm vừa qua, chúng ta mới thực hiện được 1.100km đường bộ cao tốc. Như vậy, nhiệm vụ từ nay đến năm 2030 là rất nặng nề. Do đó, cần có nhiều biện pháp tổng hợp nhằm phát huy thành tựu, kinh nghiệm; khắc phục khó khăn, vướng mắc, hạn chế; xử lý kịp thời phát sinh mới để thúc đẩy đầu tư, xây dựng các công trình.

Thủ tướng Chính phủ cho biết ngoài thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, việc thành lập Ban Chỉ đạo có tính chất khâu nối, đôn đốc, thúc đẩy công việc chung; đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo ngoài thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo chức danh quy định, nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức vì nhân dân phục vụ, dành thời gian, công sức, trí tuệ thực hiện nhiệm vụ thành viên Ban Chỉ đạo. Đặc biệt, khắc phục bằng được khâu yếu nhất là tổ chức thực hiện; theo dõi, đôn đốc, xử lý hiệu quả những vướng mắc phát sinh.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương liên quan thành lập ngay các Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải của cấp mình; xây dựng chương trình, quy chế làm việc; triển khai các công việc, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, đánh giá, nghiệm thu công trình.

“Các Ban Chỉ đạo từ Trung ương đến bộ, ngành, địa phương tổ chức họp hằng tháng để kiểm điểm tình hình thực hiện; đồng thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh; đôn đốc, thúc đẩy thực hiện các dự án," Thủ tướng yêu cầu.

Người đứng đầu Chính phủ cho biết số vốn dành cho các dự án giao thông trọng điểm quốc gia là rất lớn với 734.000 tỷ đồng, riêng cho đường bộ cao tốc là trên 500.000 tỷ đồng, chưa kể các nguồn vốn khác.

Do đó, các bộ, ngành, địa phương phải tập trung cao độ thực hiện để đạt được mục tiêu mà Đại hội Đảng đã đề ra; góp phần hình thành không gian phát triển mới, tạo động lực phát triển cho các vùng miền, nhất là các khu công nghiệp, khu đô thị mới và phát triển du lịch; góp phần giải quyết nút thắt về giao thông; thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm; thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; tranh thủ nguồn lực đã có một cách hiệu quả nhất.

Kiên quyết thu hồi các mỏ vật liệu xây dựng làm sai

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các địa phương chịu trách nhiệm trong việc cấp phép mỏ nguyên vật liệu xây dựng theo các Nghị quyết của Chính phủ; nếu địa phương, doanh nghiệp nào không thực hiện đúng, kiên quyết thu hồi; báo cáo Chính phủ trong tháng Tám này.

Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn, đẩy nhanh các thủ tục giải ngân, vay vốn ODA cho các chủ đầu tư thực hiện, đảm bảo kế hoạch đề ra.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư; tổ chức chọn tư vấn thiết kế, giám sát, nhà thầu thi công trên cơ sở vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của nhân dân, vô tư, trong sáng, chống tiêu cực.

Các địa phương được phân công phải thúc đẩy lập dự án tái định cư, giải phóng mặt bằng; lập kế hoạch, tiến độ các công việc; lập, thẩm định dự án thành phần. Riêng thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đẩy nhanh hoàn thành các thủ tục, triển khai theo chỉ đạo và kế hoạch các tuyến đường sắt đô thị.

Các cơ quan chủ quản đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành tập trung thúc đẩy tiến độ triển khai dự án; tổ chức triển khai đồng bộ các dự án thành phần như các đường kết nối, nhà ga, đường băng...; đặc biệt tổ chức tái định cư cho người dân, giải quyết thật nhanh, ổn định đời sống nhân dân vùng bị ảnh hưởng trong tháng 8/2022 với điều kiện nơi ở mới phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.

Các địa phương phối hợp với các bộ, ngành tổ chức di dời các dự án, công trình kỹ thuật, mỏ trong phạm vi các dự án, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị thi công triển khai dự án.

Về giá vật liệu xây dựng, Thủ tướng cho rằng giá xăng dầu hiện đã giảm xuống dưới mức trước khi xảy ra xung đột Ukraine, góp phần giảm giá cả các mặt hàng, dịch vụ khác. Do đó, các nhà cung cấp giảm giá vật liệu xây dựng, trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị tại điểm cầu Chính phủ.

“Trong lúc khó khăn, các doanh nghiệp phải chia sẻ với Nhà nước, nhân dân," Thủ tướng nhấn mạnh.

Người đứng đầu Chính phủ đề nghị các nhà thầu tư vấn, nhà thầu thi công tôn trọng hợp đồng, đảm bảo chất lượng, tiến độ; kiên quyết phòng, chống tiêu cực, lợi ích nhóm; nêu cao tinh thần vì đất nước, vì nhân dân.

“Về công tác chỉ định thầu, đấu thầu phải thực hiện nghiêm túc theo Luật Đấu thầu và Nghị quyết của Chính phủ; Kiểm toán Nhà nước tham gia ngay từ đầu để đảm bảo việc thực hiện đúng quy định," Thủ tướng yêu cầu.

Thủ tướng yêu cầu các cơ quan truyền thông, báo chí vào cuộc, chủ động lên kế hoạch tuyên truyền, định hướng dư luận về ý nghĩa của các dự án; phản ánh trung thực tình hình triển khai các dự án; biểu dương, nêu những cách làm hay, các cá nhân, đơn vị điển hình để phát huy, nhân rộng.

Đối với các đề xuất, kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng yêu cầu những vấn đề thuộc thẩm quyền của bộ, ngành nào thì bộ, ngành đó xử lý; nếu thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thì tổng hợp trình để Chính phủ, Thủ tướng xử lý; nếu vượt thẩm quyền thì sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét.

“Các bộ, ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu chủ động, tích cực, phát huy tối đa tinh thần, trách nhiệm; không trông chờ, đùn đẩy; phối hợp chặt chẽ với nhau; với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó; vì dân, vì nước, vì mục tiêu mà Đảng đã đề ra," Thủ tướng mong muốn./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=332
Quay lên trên