Cam kết của Việt Nam đưa mức thải trung hòa carbon về “0” vào năm 2050 hiện đang là mục tiêu để Chính phủ, các bộ ngành và địa phương lấy làm thước đo trong việc kêu gọi, thu hút đầu tư. Tại Bình Dương, tỉnh tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp tích cực chuyển đổi, ứng dụng công nghệ mới để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, giúp tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng hiệu quả nhằm chống lại sự biến đổi khí hậu.
Ngân hàng ADB và JICA tài trợ vốn cho Biwase 20 triệu USD để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo. Trong ảnh: Tuabin phát điện công suất 5MW sử dụng nguồn nhiệt từ lò đốt rác tại Chi nhánh Xử lý chất thải Biwase
Khuyến khích sử dụng
Tại hội thảo về tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo vừa tổ chức tại Bình Dương, ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, nhấn mạnh hội thảo là kết quả từ dự án chuyển giao kỹ thuật môi trường và đào tạo nguồn nhân lực tại Việt Nam đã được Cục Kinh tế Thương mại và Công nghiệp vùng Kansai (Meti Kansai, Nhật Bản) và UBND tỉnh Bình Dương ký kết. Dự án với sự tham gia của các chuyên gia, cán bộ chuyên ngành… qua đó tạo cơ hội hợp tác tốt giữa hai địa phương trong việc chuyển giao công nghệ, chia sẻ kinh nghiệm và đào tạo nguồn nhân lực ngành môi trường từ cơ quan quản lý cho đến doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Từ đó sẽ góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về môi trường trên địa bàn.
Ông Mai Hùng Dũng cho biết thêm, tháng 12-2021, tại COP26 (Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 26), Việt Nam đã cùng gần 154 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050. Chính vì vậy, mục tiêu của dự án là đào tạo nhân lực ngành môi trường, tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái sinh, ứng dụng công nghệ trong quản lý và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh sẽ góp phần thiết thực để thực hiện cam kết trên. Bình Dương là thành viên Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF), do vậy, để thực hiện đồng bộ các mục tiêu xây dựng thành phố thông minh cho giai đoạn 2022-2026, dự án hợp tác với Vùng Meti Kansai (Nhật Bản) cũng là cơ hội để cơ quan quản lý nhà nước về môi trường, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp cận kinh nghiệm quản lý và ứng dụng trong công nghệ số, điều khiển tự động nhằm tối ưu hiệu lực hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường, nhất là tiếp cận các thiết bị môi trường và thiết bị quan trắc chất lượng nước thải, khí thải tự động, tiết kiệm năng lượng…
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Murase Noriaki, khoa Kinh tế Đại học Setsunan, cho biết thế giới đang đẩy mạnh hướng tới không phát thải carbon, điều quan trọng là phải giám sát phát thải carbon từ việc sử dụng năng lượng. Để giảm phát thải carbon cần tập trung thực hiện 4 giải pháp, trước hết là giảm lượng năng lượng tiêu thụ, tiết kiệm năng lượng, kế đến không phát thải carbon các nguồn điện và giảm đơn vị nguồn phát thải carbon phi điện lực. Tiếp theo là điện hóa các ngành phi điện lực và cuối cùng là áp dụng công nghệ phát thải âm để thu hồi và lưu trữ carbon.
“Tháng 11-2021, Chính phủ Việt Nam công bố mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Các công nghệ tiết kiệm năng lượng mà Nhật Bản đã phát triển, nỗ lực giải quyết các vấn đề liên quan đến việc thúc đẩy áp dụng năng lượng tái tạo và chia sẻ công nghệ đã được nghiên cứu sẽ thúc đẩy những nỗ lực hướng tới trung hòa carbon ở cả hai quốc gia”, ông Murase Noriaki nói.
Tại Bình Dương, trong những năm qua tỉnh tập trung triển khai chương trình sử dụng năng lượng hiệu quả, năng lượng tái tạo góp phần phát triển bền vững. Năm 2022 tỉnh đã tiết kiệm được 380 triệu kWh, đạt 2,39% so với điện thương phẩm. Tỉnh khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo thông qua tập huấn, đào tạo người quản lý năng lượng cho các doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm, thực hiện các giải pháp tiết kiệm, chuyển đổi thiết bị sử dụng hiệu suất cao, áp dụng năng lượng tái tạo trong các hộ gia đình.
Công nghệ, kinh nghiệm từ Nhật Bản
Các công nghệ tái tạo năng lượng trong xử lý chất thải của doanh nghiệp thuộc Team E-Kansai hiện cũng đang thu gom rác thải hộ gia đình và doanh nghiệp để tái tạo năng lượng bằng nhà máy đốt rác phát điện. Các chất thải chế biến thực phẩm, chất thải gia súc được tận dụng phát điện sinh khối, năng lượng tái tạo từ thực vật.
Theo kế hoạch hoạt động của dự án trong năm 2023, vào tháng 9 tới, các doanh nghiệp và chuyên gia vùng Meti Kansai sẽ tham dự Hội nghị triển lãm EXPO do Sở Công thương chủ trì tổ chức tại Trung tâm triển lãm quốc tế, thành phố mới Bình Dương. Tháng 11-2023 sẽ có đoàn công tác đại diện các sở, ban ngành, doanh nghiệp Bình Dương tham quan học tập tại thành phố Osaka, Nhật Bản.
Tỉnh Bình Dương hiện có 4.096 dự án, hệ thống điện năng lượng mặt trời mái nhà với tổng công suất lắp đặt là 775.961 kWp, trong đó có 12 hệ thống tự sản xuất do EVN đầu tư với tổng công suất 383 kWp và 4.057 hệ thống của các chủ đầu tư khác với công suất 755.533 kWp. Qua hội thảo, tỉnh Bình Dương cũng đề nghị phía Nhật Bản có thể hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực để thúc đẩy, phát triển nguồn năng lượng tái tạo, hỗ trợ nghiên cứu khoa học, công nghệ đối với phát triển các phân ngành năng lượng tái tạo, đặc biệt quan tâm công nghệ thu gom, xử lý tái chế các tấm pin mặt trời, tua bin gió, cơ chế tài chính xanh cho phát triển năng lượng tái tạo. Hỗ trợ sản xuất sản phẩm hệ thống lưới điện vi mô kết hợp pin lưu trữ đang được sử dụng hiệu quả, lưới điện vi mô kết hợp năng lượng mặt trời, năng lượng gió được tích hợp từ pin nhiên liệu.
MINH DUY