Là một trong những địa phương có tốc độ phát triển công nghiệp nhanh, song TP.Thuận An cũng là địa phương còn giữ lại diện tích vườn cây ăn trái rất giá trị. Hương vị thơm ngon của những loại trái cây đặc sản trên vùng đất này cùng với những lợi thế sẵn có là những điều kiện để Thuận An khai thác phát triển du lịch.
Đông đảo du khách đến Thuận An dịp Lễ hội Lái Thiêu mùa trái chín năm 2023
Tiềm năng du lịch sinh thái
Vùng đất Lái Thiêu xưa (Thuận An ngày nay) được xem là vùng sinh thái nông nghiệp rất đặc sắc của Bình Dương và cả vùng Đông Nam bộ, đã từng được xem là “thánh địa” của trái cây với nhiều loại trái cây ngon nổi tiếng như: Măng cụt, sầu riêng, mít tố nữ, bòn bon... Trong đó, trái măng cụt được trồng trên vùng đất này mang hương vị rất đặc trưng mà măng cụt ở những vùng khác khó bì. Những vườn cây xanh mát, trái ngọt lành nơi đây cũng chính là điều kiện, lợi thế sẵn có để địa phương khai thác phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái vườn.
Đến với các vườn cây ăn trái trên địa bàn các phường Hưng Định, Bình Nhâm và xã An Sơn… của TP.Thuận An vào mùa trái chín, chắc hẳn ai trong mỗi chúng ta cũng có cảm giác hết sức dễ chịu, thoải mái khi được hòa mình với thiên nhiên. Không chỉ có trái cây, một số vườn cây còn được gia chủ đầu tư thêm để phục vụ du lịch, với những dịch vụ trải nghiệm hái trái cây, thưởng thức đặc sản, ăn uống… ngay tại vườn.
Ông Nguyễn Minh Huy, Phó Chủ tịch UBND phường Hưng Định cho biết, thời gian qua, cơ sở hạ tầng trên địa bàn phường được đầu tư nâng cấp, các tuyến đường trong khu vực Cầu Ngang cũng được cải tạo nhằm tạo điều kiện thuận lợi để phát triển ngành dịch vụ. Bên cạnh đó, phường cũng tăng cường công tác tuyên truyền trong nhân dân về lợi thế, vị trí của địa phương trong phát triển du lịch và những điều còn hạn chế, tồn tại nhằm từng bước thay đổi cách nghĩ, cách làm của từng cá nhân, hộ gia đình. Đồng thời, việc làm này cũng nhằm khuyến khích các đơn vị, cá nhân đầu tư làm mẫu các loại hình dịch vụ du lịch, tạo các điểm tham quan, ăn uống, nghỉ dưỡng tin cậy có chất lượng, tham gia cùng với địa phương xây dựng lại thương hiệu du lịch Cầu Ngang.
Thời gian qua, một số hộ có diện tích vườn lớn trên địa bàn phường Hưng Định như: Vườn cây 99, Bé Hai, Hồng Vân… đã quan tâm cải tạo, đầu tư thêm các dịch vụ để phục vụ khách đến trải nghiệm, vui chơi, ăn uống nhằm tăng thu nhập cho gia đình. Đặc biệt, vào mùa trái chín (khoảng tháng 4-5 âm lịch hàng năm), lượng khách trong và ngoài địa phương, đặc biệt là từ TP.Hồ Chí Minh đến tham quan trải nghiệm, nghỉ ngơi tại các vườn cây trên địa bàn tăng lên rất nhiều.
Tuy nhiên, theo ông Huy, so với số lượng vườn cây trên địa bàn thì những vườn cây khai thác dịch vụ để thu hút khách đến trải nghiệm còn khá khiêm tốn, riêng lẻ mà chưa có sự tập trung với khoảng hơn 10 hộ tham gia. Vì thế, để giữ gìn các vườn cây đặc sản, từ đó phục vụ phát triển du lịch, tăng thu nhập cho người dân, các nhà vườn cần có sự liên kết chặt chẽ với nhau để cùng nhau tạo ra sản phẩm dịch vụ chất lượng nhằm thu hút du khách đến với địa phương ngày càng nhiều hơn.
Nỗ lực phát triển du lịch
Trong những năm qua, bên cạnh việc tập trung phát triển công nghiệp, TP.Thuận An còn quan tâm đến việc giữ gìn, phát triển vườn cây ăn trái gắn với phát triển dịch vụ du lịch trên cơ sở tập trung khai thác các tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Trong đó, thành phố đã chú trọng phát triển nông nghiệp kỹ thuật cao và duy trì các vùng chuyên canh cây ăn trái đặc sản truyền thống của địa phương. Một trong những hoạt động được quan tâm thực hiện từ nhiều năm qua, tác động tích cực đến việc giữ gìn, khôi phục các vườn cây ăn trái trên địa bàn TP.Thuận An, thu hút khách du lịch đến với địa phương là Lễ hội Lái Thiêu mùa trái chín. Lễ hội được duy trì tổ chức nhằm tăng cường quảng bá hình ảnh vườn cây ăn trái Lái Thiêu đến với du khách. Qua đó, lễ hội tạo điều kiện để các địa phương có cơ hội giao lưu, tìm hiểu, xúc tiến thương mại, đầu tư vào du lịch, góp phần thúc đẩy kinh tế, du lịch trên địa bàn phát triển.
Những vườn cây của vùng đất này không chỉ cung cấp những loại trái cây đặc sản mang hương vị riêng biệt, mà còn được coi là lá phổi xanh của thành phố. Trên địa bàn TP.Thuận An còn có hệ thống các di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh và cấp quốc gia; các khu du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch… được tư nhân đầu tư xây dựng. Cùng với đó là những hoạt động thúc đẩy phát triển du lịch luôn được lãnh đạo thành phố quan tâm, chỉ đạo các ngành, địa phương cùng triển khai thực hiện. Đây là những điều kiện thuận lợi để Thuận An từng bước phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái vườn, phục vụ nhu cầu của đông đảo du khách, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế của địa phương.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Tứ Hải, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin TP.Thuận An cho hay, phát triển du lịch là một trong những vấn đề luôn được lãnh đạo thành phố quan tâm. Trong những năm qua, TP.Thuận An đã có những định hướng để khôi phục, phát triển du lịch bằng nhiều hình thức, như: Giữ lại diện tích vườn cây ăn trái, khôi phục lại thương hiệu măng cụt Lái Thiêu, đồng thời định kỳ tổ chức Lễ hội Lái Thiêu mùa trái chín để quảng bá, giới thiệu văn hóa, đặc sản của vùng đất và con người Lái Thiêu xưa và Thuận An ngày nay đến với đông đảo du khách trong và ngoài thành phố, khuyến khích người dân đầu tư vào du lịch. Bên cạnh đó, Thuận An còn quan tâm phát triển du lịch công nghiệp, đưa khách đến tham quan một số khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn.
“Trong thời gian tới, phòng sẽ tiếp tục tham mưu UBND thành phố kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển du lịch Việt Nam trên địa bàn. Trên cơ sở những lợi thế du lịch của địa phương, chúng tôi sẽ cố gắng phát huy, thúc đẩy mảng du lịch phát triển. Đồng thời, để phát triển du lịch sinh thái, địa phương cũng quan tâm quy hoạch những bến, bãi dọc sông Sài Gòn, thực hiện quy hoạch đô thị Thuận An dựa trên cơ sở phát triển đô thị dọc theo sông Sài Gòn. Trong đó, thành phố sẽ dành không gian phát triển về văn hóa, thể thao để thu hút khách du lịch đến với địa phương”, ông Nguyễn Tứ Hải cho biết.
HỒNG THUẬN - DƯƠNG HUYỀN