Thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em

Cập nhật: 09-08-2017 | 09:22:27

Quyền tham gia của trẻ em (TE) là 1 trong 4 nhóm quyền quan trọng của TE được quy định trong Công ước của Liên hợp quốc về quyền TE (sống còn, phát triển, bảo vệ, tham gia).

Trong gia đình, một số bậc phụ huynh chưa thật sự coi trọng ý kiến của con cái, đặc biệt là TE. Bên cạnh đó, một số phụ huynh bận làm ăn kiếm sống, có rất ít thời gian để nói chuyện, hỏi ý kiến của con. Số lượng cha mẹ dành ra mỗi ngày 30 phút để nói chuyện với con cũng rất hạn chế, phó mặc hoàn toàn con cái cho nhà trường, ông bà, người giúp việc... Nhiều trường hợp ba mẹ ly hôn, TE thường sống thiếu bố, thiếu mẹ hoặc thiếu cả bố lẫn mẹ. Các em được giao quyền tự chủ hoàn toàn nhưng thiếu sự hướng dẫn thường xuyên nên phải tự đưa ra những quyết định vượt quá mức độ trưởng thành của mình, dẫn đến nguy cơ cao gặp phải các rủi ro. Trong nhà trường, TE được tiếp cận thông tin chủ yếu thông qua hoạt động giảng dạy, các buổi sinh hoạt lớp, các buổi nói chuyện chuyên đề… nhưng các em ít có cơ hội được nói lên tiếng nói của mình, chủ yếu là thực hiện theo quyết định của ban giám hiệu, giáo viên.


Tập huấn kỹ năng thực hiện quyền tham gia của TE cho nhóm TE nòng cốt khu vực Đông Nam bộ

Tại buổi tập huấn kỹ năng thực hiện quyền tham gia của TE do Cục Bảo vệ chăm sóc TE (thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh tổ chức cho nhóm TE nòng cốt khu vực Đông Nam bộ vừa qua, đa số các em đã được trang bị những kiến thức về quyền TE: Các kỹ năng thực hiện quyền tham gia của TE, kỹ năng tự bảo vệ TE; kỹ năng sinh hoạt tập thể; hướng dẫn thực hành về quyền tham gia của TE; chia sẻ và thực hành về kỹ năng truyền thông thực hiện quyền TE giúp các em nhận thức đầy đủ hơn về quyền được tham gia của mình.

Ông Nguyễn Thanh Hậu, Phòng Chăm sóc bảo vệ TE và Bình đẳng giới thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết: “Được làm quen với ý nghĩa của sự bình đẳng và tôn trọng, trẻ sẽ phát triển khả năng giao tiếp, học cách giải quyết vấn đề và ra quyết định một cách có trách nhiệm. Người lớn cần có trách nhiệm tạo điều kiện cho trẻ được phát triển, tăng mức độ tự tin, lòng tự trọng, có động cơ và hứng thú thực hiện công việc của mình để các em phát triển toàn diện, đủ năng lực trở thành thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước”.

H.THỦY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên