Thực hiện chính sách ưu đãi người có công là bổn phận, nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội (*)

Cập nhật: 28-07-2017 | 08:56:22

(Toàn văn bài phát biểu của đồng chí Trần Thanh Liêm - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tại buổi Họp mặt Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2017))

Hàng năm, cứ đến ngày 27-7, nhân dân cả nước lại tập trung tổ chức Kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ; đây là một sự kiện chính trị quan trọng, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc đối với toàn thể dân tộc Việt Nam.

Hôm nay, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh long trọng tổ chức Họp mặt Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2017); thay mặt lãnh đạo tỉnh, tôi xin gửi lời thăm hỏi ân cần và lời chúc sức khỏe đến các đồng chí lão thành cách mạng, các mẹ Việt Nam anh hùng, các Anh hùng lực lượng vũ trang; các thương binh, bệnh binh, các gia đình liệt sĩ và các gia đình có công với cách mạng; các đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ cùng toàn thể quý vị đại biểu về dự họp mặt; đặc biệt xin gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến 180 người có công tiêu biểu có mặt nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ hôm nay.

 Đồng chí Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tặng hoa, bằng khen cho doanh nghiệp đóng góp tích cực vào Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”

Trong giờ phút trang nghiêm và xúc động này, chúng ta bày tỏ lòng biết ơn vô hạn và thành kính tưởng nhớ đến công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh; chúng ta kính cẩn nghiêng mình tri ân và chân thành tưởng nhớ đến các bậc tiền nhân; các anh hùng liệt sĩ, các đồng chí, đồng bào đã quên thân vì quốc gia, dân tộc qua công cuộc đấu tranh bảo vệ quê hương; để nhân dân ta được sống trong độc lập, tự do, hòa bình và hạnh phúc như hôm nay.

Kính thưa quý vị đại biểu, thưa các đồng chí!

Trải qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc và đi qua cuộc chiến tranh biên giới đầy khốc liệt; đáp lời kêu gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tiếp nối “khí phách cha ông và hồn thiêng sông núi”; các thế hệ cha anh của chúng ta đã dũng cảm hy sinh, cống hiến cả đời mình để bảo vệ non sông; biết bao bà mẹ Việt Nam đã gạt lệ âm thầm để tiễn đến đứa con cuối cùng của mình lên đường chiến đấu và không bao giờ có dịp gặp lại…; sự mất mát, đau thương đó là kết tinh của lòng yêu nước và là minh chứng hùng hồn rằng: Nền hòa bình, độc lập của đất nước chúng ta ngày nay đã được xây đắp bằng những niềm đau, nỗi nhớ; bằng mồ hôi, nước mắt và bằng biết bao xương trắng, máu đào của hàng vạn đồng bào, đồng chí thân yêu, ruột thịt của chúng ta.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới khai sinh lại phải đứng trước tình thế ngàn cân treo sợi tóc. Với tinh thần “... thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân ta đã chiến đấu kiên cường chống lại thực dân Pháp quay lại tái chiếm nước ta. Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến; biết bao đồng bào, chiến sĩ đã ngã xuống, hy sinh xương máu trên các chiến trường để bảo vệ nền độc lập còn non trẻ.

Tiếp nối truyền thống đạo lý“Uống nước nhớnguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”; nhằm bày tỏ sự tri ân đối với các chiến sĩ và đồng bào đã thương vong vì độc lập, tự do của Tổ quốc; góp phần ổn định đời sống vật chất và tinh thần cho các thương binh và gia đình liệt sĩ; ngày 16-2-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức ký Sắc lệnh số 20/SL, quy định chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tuất tử sĩ; khẳng định vị trí quan trọng của công tác thương binh, liệt sĩ đối với cuộc kháng chiến; đặt nền móng bước đầu cho chính sách người có công và thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đến thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ.

Vào tháng 6-1947, đại biểu của Tổng bộ Việt Minh, các Hội đoàn và một số địa phương đã họp tại Đại Từ, Thái Nguyên để bàn về công tác thương binh, liệt sĩ và chọn ngày Thương binh - Liệt sĩ theo Chỉ thị của Hồ Chủ tịch. Các đại biểu đã nhất trí chọn ngày 27-7 là Ngày “Thương binh toàn quốc”.

Từ tháng 7-1955, “Ngày Thương binh toàn quốc” được đổi tên thành “Ngày Thương binh - Liệt sĩ”; sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có Chỉ thị chính thức công nhận ngày 27-7 hàng năm trở thành “Ngày Thương binh - Liệt sĩ” của cả nước; góp phần ghi nhận và tri ân những hy sinh to lớn của đồng bào, chiến sĩ cho chiến thắng vẻ vang của toàn dân tộc.

 Giao lưu những tấm gương điển hình về thực hiện công tác thương binh liệt sĩ, NCC tại buổi họp mặt. Ảnh: THIÊN LÝ

Trải qua 70 năm, với các tên gọi và được tổ chức trong nhiều hoàn cảnh khác nhau; nhưng đúng như mục tiêu đề ra ban đầu; nhân “Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7” toàn Đảng, toàn dân vàtoàn quân ta tổchức nhiều hoạt động thiết thực; thể hiện sự tiếp nối truyền thống “hiếu nghĩa, bác ái”; lòng quý trọng và biết ơn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với những người đã cống hiến, hy sinh vì độc lập, tự do và sự toàn vẹn của Tổ quốc.

Kính thưa quý vị đại biểu và các đồng chí!

Trong suốt những năm qua, kế thừa và phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của dân tộc và thực hiện tốt lời căn dặn của Bác: “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân, gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận của chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ”; các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trongtỉnh đã luôn thực hiện tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, chung tay huy động nguồn lực để chăm lo cho đối tượng chính sách để bù đắp và làm vơi đi nỗi đau thương, mất mát của hàng vạn đồng bào, chiến sĩ kiên cường bất khuất, sẵn sàng hy sinh, xả thân gìn giữ và xây đắp non sông gấm vóc Việt Nam.

Hiện nay, toàn tỉnh có trên 60.000 đối tượng người có công, trong đó có 2.083 mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu Vinh dự Nhà nước Mẹ Việt Nam Anh hùng (hiện còn sống 81 mẹ), 16.309 liệt sĩ, 5.847 thương bệnh binh các hạng, 833 cán bộ hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày. Hàng tháng, tỉnh tổ chức trợ cấp cho 8.607 đối tượng với kinh phí bình quân trên 12,5 tỷ đồng. Bên cạnh việc thực hiện chính sách được quy định trong Pháp lệnh Ưu đãi đối với người có công với cách mạng; Bình Dương đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực trong việc chăm sóc thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng; góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần; bảo đảm cho các gia đình chính sách và các thương binh, bệnh binh có cuộc sống ổn định.

Đặc biệt, nhân dịp Tết cổ truyền của dân tộc và kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7 hàng năm; các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp cũng thường xuyên tổ chức thăm hỏi và tặng quà cho đối tượng chính sách với kinh phí hàng trăm tỷ đồng; vận động các tổ chức, cá nhân nhận phụng dưỡng suốt đời 100% mẹ Việt Nam anh hùng còn sống; tổ chức chăm sóc, điều trị miễn phí cho mẹ Việt Nam anh hùng và các thương, bệnh binh nặng theo chế độ trung cao; hỗ trợ các thiết bị thiết yếu cho các hộ gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn; thường xuyên quan tâm xây dựng, tu bổ nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách; bảo đảm 100% các đối tượng chính sách có nhà ở kiên cố.

Bên cạnh việc quan tâm, chăm lo cho các hộ gia đình chính sách và nhằm an ủi cho vong linh những người con của dân tộc vẫn còn nằm đâu đó trong lòng đất mẹ; hơn 40 năm qua, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Sông Bé (nay làBình Dương) đã nỗ lực tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Xác định đây làmột nhiệm vụquan trọng, thường xuyên, nên tỉnh đãtập trung chỉđạo, đầu tư kinh phí và công sức để tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ để tổ chức an táng; đồng thời quan tâm chỉnh trang, nâng cấp, tu bổ các nghĩa trang liệt sĩ; các tượng đài, đền, bia ghi danh liệt sĩ trên địa bàn tỉnh được khang trang, sạch đẹp; trở thành những thiết chế văn hóa, giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau.

Cũng trong không khí trang nghiêm và xúc động của buổi họp mặt hôm nay; thay mặt lãnh đạo tỉnh, cho phép tôi được bày tỏ tình cảm và sự khâm phục vì những nỗ lực vượt qua khó khăn; dũng cảm vượt lên những đau thương, mất mát và những cơn đau luôn hành hạ thể xác của các thương binh, bệnh binh. Các cô, các chú, các anh chị thương bệnh binh đã luôn giữ gìn và phát huy truyền thống quý báu của dân tộc; không mặc cảm, cam chịu với số phận; quyết tâm vươn lên xây dựng cuộc sống mới cho bản thân. Nhiều thương binh, bệnh binh đã trở thành những nhà sản xuất, kinh doanh giỏi; tiếp tục cống hiến tâm trí và sức lực để làm giàu cho quê hương, chung tay cùng với Đảng bộ và chính quyền các cấp tham gia công tác đền ơn đáp nghĩa, giảm nghèo, giải quyết việc làm cho lao động địa phương, xứng đáng là những gia đình cách mạng gương mẫu, là người công dân kiểu mẫu, trở thành tấm gương tiêu biểu cho cộng đồng học tập, noi theo.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh, tôi xin nhiệt liệt biểu dương những nỗ lực, phấn đấu của các thương, bệnh binh và thân nhân liệt sĩ. Tôi cũng xin ghi nhận và biểu dương những đóng góp thiết thực của các cấp, các ngành, các hội, đoàn thể; các doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân đã luôn tận tâm vì công tác chăm lo cho thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và những người có công với nước; góp phần không nhỏ vào thành quả chung trong công tác đền ơn đáp nghĩa của tỉnh nhà trong thời gian qua.

Kính thưa quý vị đại biểu, thưa các đồng chí!

Phát huy những thành quả tốt đẹp trong thời gian qua và nhằm thực hiện tốt hơn nữa công tác chăm sóc người có công; xác định việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công là bổn phận, nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội; nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo tỉnh, tôi đề nghị các cấp ủy Đảng và chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh cần tập trung thực hiện tốt những nội dung sau:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền và thực hiện hiệu quả chủ trương của Đảng và Nhà nước về chính sách đối với gia đình liệt sĩ, thương binh, người có công với cách mạng gắn với phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”; tổ chức chăm lo kịp thời cho các mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách, người có công với đất nước cả về vật chất lẫn tinh thần.

Hai là, từng địa phương, cơ quan, đơn vị và mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang nhân dân, học sinh, sinh viên cần thể hiện bằng những hành động cụ thể, thiết thực; để qua đó bày tỏ lòng tri ân sâu sắc của mình đối với công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ, các thương, bệnh binh và người có công với cách mạng.

Ba là, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa cuộc vận động “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”; vận động và ủng hộ cho Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” để kịp thời các gia đình chính sách vượt qua mọi trở ngại; khắc phục khó khăn, cải thiện và nâng cao cuộc sống.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng; trong đó, cần đặc biệt quan tâm đến các gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn, người có công với cách mạng hiện đang sống neo đơn, các gia đình chính sách ở vùng xa.

Thứ tư, phấn đấu hoàn thành cơ bản việc giải quyết hồ sơ thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, liệt sĩ còn tồn đọng. Tập trung nghiên cứu và kiến nghị hoàn thiện các chính sách ưu đãi cho người có công; bảo đảm thực hiện đúng, đầy đủ, chu đáo và không để xảy ra tiêu cực trong việc thực hiện các chính sách. Tiếp tục thực hiện tốt hơn công tác tu bổ, tôn tạo các đền, bia ghi danh liệt sĩ nghĩa trang liệt sĩ; đồng thời quan tâm thực hiện tốt công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt, xác định danh tính liệt sĩ; thông báo và tạo điều kiện thuận lợi cho các gia đình, thân nhân đến thăm viếng.

Kính thưa quý vị đại biểu, thưa các đồng chí!

Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Máu đào của các liệt sĩ đã nhuộm lá cờ cách mạng càng thêm đỏ chói. Sự hy sinh của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do”. Với những hy sinh to lớn của các thế hệ đi trướckhông gì có thể bù đắp được, chúng ta càng thấm thía giá trị của độc lập, tự do; của hòa bình và thống nhất. Chúng ta xin hứa sẽ bảo vệ những thành quả đã đạt được và nguyện sống cho xứng đáng với những cống hiến, hy sinh to lớn của đồng chí, đồng bào; luôn đoàn kết một lòng xây dựng quê hương Bình Dương thân yêu ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn.

Tiếp tục phát huy truyền thống quý báu, tốt đẹp của dân tộc, bằng sự quyết tâm của các cấp, các ngành và sự chung tay góp sức của cả cộng đồng; đặc biệt, với nghị lực, ý chí tự thân vươn lên để vượt qua những đau thương mất mát của các gia đình liệt sĩ, gia đình chính sách và của các thương binh, bệnh binh, chúng ta tin tưởng rằng, công tác thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa của tỉnh nhà sẽ đạt được những thành quả mới; xứng đáng với sự hy sinh cao cả của các thế hệ cha anh trong công cuộc đấu tranh bảo vệ đất nước.

Một lần nữa, trong không khí trang trọng của buổi Họp mặt Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ hôm nay, thay mặt lãnh đạo tỉnh, tôi xin kính chúc các đồng chí lão thành cách mạng, quý mẹ Việt Nam anh hùng, các Anh hùng lực lượng vũ trang; các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng cùng toàn thể quý vị đại biểu và các đồng chí luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công.

Xin trân trọng cảm ơn!

(*) Tựa do Tòa soạn đặt

 

 

 

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=639
Quay lên trên