Thực hiện hiệu quả chương trình phát triển dịch vụ chất lượng cao

Cập nhật: 05-03-2015 | 08:22:10

Đô thị của Bình Dương sẽ phát triển theo hướng hiện đại, kết nối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; tiếp tục nâng cấp, đầu tư mới các khu thương mại, siêu thị theo quy hoạch gắn với quá trình phát triển các khu công nghiệp… Đó là những nội dung chính được đưa ra tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện chương trình phát triển dịch vụ chất lượng cao (DVCLC) giai đoạn 2011- 2015, tầm nhìn đến năm 2020 do UBND tỉnh tổ chức sáng qua (4-3). Ông Trần Văn Nam, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Đạt kết quả tốt

Qua 3 năm thực hiện Chương trình hành động số 21 của Tỉnh ủy Bình Dương về phát triển DVCLC giai đoạn 2011-2015, tầm nhìn đến năm 2020 và Kế hoạch số 281 của UBND tỉnh, khu vực dịch vụ trên địa bàn tỉnh đã đạt kết quả khả quan về nhiều mặt. Trong đó, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, thu hút đầu tư phát triển du lịch; hoạt động đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng; các dịch vụ mới, cao cấp… tiếp tục phát triển. Đặc biệt, các lĩnh vực tài chính ngân hàng, hệ thống siêu thị, bưu chính viễn thông, hải quan, thuế, y tế, giáo dục, phát triển đô thị… đã có sự phát triển khá đồng bộ và đáp ứng tốt yêu cầu công nghiệp hóa và đô thị hóa của địa phương.

Lĩnh vực thương mại phát triển mạnh, bảo đảm cung cấp hàng hóa cho khách hàng. Trong ảnh: Khách hàng mua sắm tại Trung tâm thương mại Aeon Bình Dương (TX.Thuận An). Ảnh: T.HUỲNH

Ông Nguyễn Phước Việt Dũng, Phó cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương cho biết, dịch vụ hải quan tiếp tục phát triển với 17 kho ngoại quan và 17 doanh nghiệp làm đại lý thủ tục hải quan. Ngành đã sử dụng máy soi container hiện đại nhập khẩu vào công tác kiểm tra thực tế hàng hóa tại điểm kiểm tra tập trung hải quan, thực hiện thủ tục hải quan điện tử cho 100% doanh nghiệp… Từ tháng 4-2014, ngành đã áp dụng hệ thống thông quan điện tử tự động và cơ chế một cửa quốc gia (VNACCS/VCIS) bảo đảm việc khai báo hải quan tiến gần đến chuẩn mực khu vực, giúp thời gian thông quan nhanh hơn, nâng cao tính minh bạch, công khai, chính xác.

Nhân tố tích cực của đơn vị đã được Tổng cục Hải quan đánh giá là 1 trong 5 đơn vị toàn ngành triển khai có hiệu quả nhất hệ thống VNACCS/VCIS, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp. Ngành thuế cũng đã áp dụng khai thuế qua mạng đạt tỷ lệ 98,2%; từ tháng 9-2014 đã áp dụng nộp thuế điện tử. Cùng với đó, tốc độ phát triển của dịch vụ giai đoạn 2011-2014 ước đạt 21,5%, tỷ trọng chiếm 36,2% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Các dịch vụ tài chính ngân hàng phát triển mạnh theo hướng vừa nâng cao chất lượng phục vụ, dịch vụ vừa mở rộng cho vay. Đến nay, toàn tỉnh đã có 65 tổ chức tín dụng hoạt động; tổng dư nợ cho vay hàng năm tăng bình quân 15,7%, đáp ứng cơ bản nhu cầu vốn trên địa bàn.

Nâng tầm chất lượng dịch vụ

Theo đánh giá của các sở, ngành và địa phương, trong thời gian qua, khu vực dịch vụ trên địa bàn tỉnh đã phát triển đúng định hướng, đạt được các mục tiêu cơ bản đề ra, góp phần quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của địa phương. Tuy vậy, trong quá trình phát triển, một số lĩnh vực vẫn chưa đồng đều như lĩnh vực logictics trọn gói, đào tạo công nhân kỹ thuật cao, chuyển giao công nghệ còn chậm, các dịch vụ phục vụ nhu cầu giải trí chưa phát triển tương ứng…

Theo ông Lê Hữu Phước, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, để có thể phát triển sản phẩm, dịch vụ đặc thù, Bình Dương cần tiếp tục đầu tư mạnh về cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông để phát triển dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, chữa bệnh. Cần đầu tư hạ tầng giao thông đồng bộ, tạo điểm kết nối liên hoàn, thuận lợi cho du khách; đồng thời tăng cường kêu gọi đầu tư theo hình thức xã hội hóa các hoạt động đầu tư dịch vụ du lịch, các công trình văn hóa, thể thao, giải trí mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế, là điểm đến du lịch của người dân các tỉnh thành lân cận và du khách quốc tế…

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Trần Văn Nam, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, chương trình phát triển DVCLC của Tỉnh ủy và UBND tỉnh rất quan trọng, là nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh vươn lên tầm cao mới. Chính vì thế, các sở, ngành, địa phương cần xác định nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể của ngành để tổ chức thực hiện đúng định hướng. Riêng đối với khả năng hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu năm 2015, các sở, ngành, từng cấp, đơn vị cần rà soát, đánh giá hạn chế, qua đó phát huy ưu điểm, khắc phục các tồn tại thiếu sót; đồng thời dự báo tầm nhìn đến 2020 nhằm cải thiện, thực hiện tốt hơn nữa chương trình phát triển DVCLC của Tỉnh ủy, UBND tỉnh.

Ông Trần Văn Nam, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, để tạo đà phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phục vụ chương trình phát triển DVCLC, tỉnh luôn chú ý xây dựng, đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật, vì hạ tầng giao thông sẽ bảo đảm yếu tố kết nối vùng, tạo bộ khung giao thông hoàn chỉnh. Đây cũng là yếu tố không thể thiếu được trong quá trình phát triển của Bình Dương trong thời gian tới.

 

THANH HỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=934
Quay lên trên