Thực hiện tốt việc quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử

Cập nhật: 19-12-2017 | 08:49:05

Trong xu hướng phát triển thương mại điện tử (TMĐT), kinh doanh qua các mạng xã hội như facebook, zalo đang trở nên rất phổ biến. Như vậy, việc triển khai thu thuế đối với những cá nhân bán hàng qua mạng là cần thiết, đúng quy định. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Bình Dương đã phỏng vấn ông Võ Long Hải, Trưởng phòng Tuyên truyền và Hỗ trợ người nộp thuế Cục Thuế tỉnh. 

- Xin ông cho biết cụ thể những quy định về người bán hàng qua mạng phải đóng thuế?

- Quy định về thiết lập và quản lý website TMĐT bán hàng được quy định tại Nghị định số 52/2013/ NĐ-CP của Chính phủ về TMĐT và Thông tư số 47/2014/TT-BCT của Bộ Công thương quy định về quản lý website TMĐT. Cụ thể như quy định về điều kiện để thiết lập website TMĐT bán hàng khi thiết lập website TMĐT bán hàng, người bán hàng, tổ chức, cá nhân phải thông báo hoặc đăng ký với Bộ Công thương; website bán hàng online phải cung cấp đầy đủ thông tin những thông tin bắt buộc. Về nghĩa vụ thuế, Nghị định 52/2013/NĐ-CP quy định: Người bán hàng trên sàn giao dịch TMĐT phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật. Như vậy, theo các quy định thì doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam có hoạt động kinh doanh TMĐT tại Việt Nam phải kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về thuế GTGT, thuế TNDN và quản lý thuế.

Khách hàng đăng ký kê khai thuế lần đầu tại Cục Thuế Bình Dương. Ảnh: THANH HỒNG 

Đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động kinh doanh TMĐT tại Việt Nam hoặc có thu nhập từ kinh doanh TMĐT tại Việt Nam: Nếu là tổ chức phải nộp thuế GTGT, thuế TNDN; nếu là cá nhân phải nộp thuế GTGT, thuế TNCN tại Việt Nam. Đối với cá nhân cư trú tại Việt Nam có hoạt động kinh doanh TMĐT có tổng doanh thu từ tất cả các loại hình kinh doanh trong năm (kể cả các loại hình kinh doanh khác ngoài kinh doanh TMTĐ qua mạng) trên 100 triệu đồng/năm phải kê khai nộp thuế GTGT, thuế TNCN đối với cá nhân kinh doanh.

- Việc thực hiện Nghị định 52/2013/NĐ-CP có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?

- Quy định về người kinh doanh TMĐT có nghĩa vụ phải đăng ký website TMĐT và có trách nhiệm kê khai, nộp thuế. Do vậy khi thực hiện kinh doanh bằng phương thức TMĐT, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải thực hiện kê khai thuế, nộp thuế theo quy định của pháp luật thuế. Đây là trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của bất cứ tổ chức, cá nhân kinh doanh trong thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước; tạo ra môi trường kinh doanh công bằng, bình đẳng giữa các tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh; đồng thời bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng khi mua hàng qua TMĐT khi tổ chức, cá nhân kinh doanh bằng phương thức TMĐT.

- Về phía ngành chức năng gặp khó khăn gì khi triển khai thực hiện quy định này, thưa ông?

- Quy định tại nghị định của Chính phủ về TMĐT quy định người sở hữu website phải bảo đảm rõ ràng, chính xác, dễ tìm và dễ hiểu; được sắp xếp tại các mục tương ứng trên website và có thể truy cập bằng phương pháp trực tuyến; có khả năng lưu trữ, in và hiển thị được về sau; được hiển thị rõ đối với khách hàng trước thời điểm khách hàng gửi đề nghị mua hàng, giao kết hợp đồng thông tin về người sở hữu website. Tuy vậy, hiện nay có những tổ chức, cá nhân không thực hiện thông báo hoặc đăng ký website TMĐT bán hàng hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ, không chính xác hoặc không bảo đảm các thông tin tối thiểu theo quy định nên ngành chức năng không thể thông báo cho cá nhân kinh doanh TMĐT đến làm việc.

Theo quy định của Luật Thuế GTGT, Luật Thuế TNCN thì cá nhân kinh doanh có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm sẽ phải khai thuế, nộp thuế. Nếu cá nhân không ý thức tốt việc kê khai, nộp thuế thì sẽ kê khai doanh số không đúng với thực tế kinh doanh và không quá 100 triệu mỗi năm để không phải nộp thuế. Mặt khác, website không bảo đảm điều kiện về có khả năng lưu trữ, in và hiển thị được về sau đối với các giao dịch bán hàng bằng TMĐT thì không xác định doanh thu bán hàng làm căn cứ xác định nghĩa vụ thuế. Bên cạnh đó, về thanh toán tiền mua hàng qua mạng chủ yếu được thực hiện bằng tiền mặt, do vậy ngành thuế sẽ không phối hợp được với các ngân hàng thương mại để xác định luồng tiền mua hàng, bán hàng

- Xin ông cho biết giải pháp nào để việc thu thuế đối với hoạt động TMĐT đạt hiệu quả?

- Theo chỉ đạo của Tổng cục Thuế, Cục Thuế tỉnh sẽ triển khai các biện pháp chủ yếu nhằm quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT, như tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành có liên quan (Sở Công thương, Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Thông tin - Truyền thông...)… phối hợp với cơ quan thuế tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT qua mạng trên địa bàn. Nội dung chủ yếu là tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến chính sách thuế, đăng ký thuế, kê khai nộp thuế đối với những trường hợp bán hàng qua mạng phải nộp thuế. Phối hợp với các tổ chức tín dụng để trao đổi thông tin dữ liệu với cơ quan thuế theo quy định; phối hợp với các công ty chuyển phát, công ty bưu chính, viễn thông... có cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa cho các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT cung cấp số lượng hàng hóa vận chuyển của tổ chức, cá nhân có hoạt động TMĐT.

Trường hợp phát hiện tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng nộp thuế mà không chấp hành việc kê khai, nộp thuế sẽ bị xử phạt vi phạm pháp luật về thuế theo quy định tại Luật Quản lý thuế và các văn bản pháp luật có liên quan. Cơ quan thuế sẽ phối hợp với các tổ chức có liên quan (các nhà mạng, cơ quan quản lý khác của Nhà nước...) ngăn chặn các giao dịch của tổ chức, cá nhân kinh doanh qua mạng có hành vi cố tình trốn thuế, chây ỳ nộp thuế. Ngoài ra, cơ quan thuế phối hợp với các cơ quan báo, đài về việc thông tin đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh TMĐT qua mạng có hành vi trốn thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng, bảo đảm nâng cao tính hiệu quả, hiệu lực của cơ quan quản lý nhà nước.

- Ngành thuế có khuyến cáo gì với người mua hàng qua TMĐT, thưa ông?

- Về quản lý thuế, hình thức kinh doanh TMĐT có những khó khăn như đã nêu trên. Tuy nhiên, để bảo đảm môi trường kinh doanh bình đẳng, công bằng trong thực hiện nghĩa vụ thuế đối với tất cả tổ chức, cá nhân kinh doanh thì các tổ chức, cá nhân tham gia mua, bán hàng bằng TMĐT đều phải thực hiện quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật. Còn người mua hàng TMĐT, để bảo đảm quyền lợi của mình phải kiểm tra tính hợp pháp website thương mại và phản ánh những vi phạm quy định về thương mại điện tử qua cổng thông tin quản lý hoạt động TMĐT và yêu cầu được cấp hóa đơn…

Tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh bằng TMĐT phải thực hiện khai, nộp thuế theo quy định pháp luật về thuế. Do vậy, để tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, bảo đảm công bằng trong chấp hành nghĩa vụ thuế thì phải quản lý hoạt động kinh doanh bằng TMĐT. Dù có khó khăn nhưng với sự quyết tâm và đồng lòng của các chủ thể tham gia mua, bán bằng TMĐT, tôi tin rằng ngành thuế sẽ thực hiện tốt việc quản lý thuế đối với các tổ chức, cá nhân bán hàng bằng TMĐT.

Người tiêu dùng có thể truy cập Cổng thông tin Quản lý hoạt động TMĐT tại địa chỉ www.online.gov.vn để kiểm tra một website bán hàng đã được thông báo hay đăng ký tính hợp lệ hay chưa; kiểm tra website bán hàng đó đã công bố thông tin đúng luật hay chưa, tránh các trường hợp bị lừa đảo. Ngoài ra, qua cổng thông tin này, người tiêu dùng còn có thể phản ánh những vi phạm của các website TMĐT để làm cơ sở cho cơ quan chức năng xử lý theo thẩm quyền.

THANH HỒNG (thực hiện)

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên