37 năm qua, dù đôi chân khập khiễng nhưng thương binh (TB) 2/4 Nguyễn Văn Lơ vẫn lặn lội khắp Bình Dương để tìm hài cốt liệt sĩ (LS). Ông đã đưa hơn 200 đồng đội, đồng chí nằm xuống cho hòa bình độc lập về với “mái nhà chung” Nghĩa trang liệt sĩ (NTLS) tỉnh. Tấm lòng TB Nguyễn Văn Lơ đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ghi nhận qua 2 lần tặng bằng khen (năm 1997 và năm 2009).
Tìm đồng đội mọi lúc, mọi nơi
Trong những ngày cuối tháng 7, chúng tôi ghé NTLS tỉnh để thắp nén hương tri ân LS. Hơn 5.300 ngôi mộ hữu danh và vô danh trải dài, lặng yên. Cái lặng yên chất chứa trong lòng một thời đạn nổ, súng rền. Cái lặng yên đánh thức quá khứ và cũng không cho phép bất kỳ ai lãng quên quá khứ. Trong số những người đến với nghĩa trang, chúng tôi đặc biệt chú ý đến hình ảnh người TB khập khiễng thắp những nén hương cho các phần mộ. Đó là TB Nguyễn Văn Lơ, ông đến thăm chính những người đồng đội, đồng chí đích thân mình tìm thấy hài cốt, đưa về NTLS. Đoạn đường từ nhà riêng ở Chánh Mỹ (TP.TDM) đến NTLS tỉnh không xa nên ông Lơ thường xuyên ghé thăm, trò chuyện, tâm sự để những người nằm xuống thấy “ấm lòng”.
Chân phải không thể co duỗi được bình thường nhưng ông Lơ vẫn thường xuyên đến NTLS tỉnh chăm sóc mộ phần đồng đội. Ảnh: T.LÝ
Nhìn xa xăm, nhớ về những ngày lang thang tìm hài cốt LS, ông trầm buồn: “Ngày xưa cùng kháng chiến, chúng tôi thường đùa với nhau ai còn sống trở về sẽ tìm nhau, người hy sinh sẽ được đồng đội đi tìm hài cốt đưa về quê hương”. Có lẽ những lời hứa đó đã khắc sâu trong tâm trí TB Nguyễn Văn Lơ. Từ năm 1977, khi đang công tác tại Đoàn 13, Quân khu 7, ông đã vác ba lô đi tìm lại đồng đội may mắn sống sót và hài cốt đồng đội đã yên nghỉ. Đến nay, ông đã quy tập được trên 200 hài cốt LS về NTLS tỉnh, trong số đó có cả những người đồng đội sát cánh cùng ông tại đơn vị đặc công biệt động C65.
Ông khởi đầu lời hứa bằng những phần mộ LS do chính mình chôn cất tại các địa điểm đã được đánh dấu. Ban đầu, việc tìm kiếm khá dễ dàng vì dấu ấn thời gian vẫn còn được lưu giữ. Trong lúc hốt cốt, ông nhẹ nhàng dùng tay bới từng khoảnh đất nhỏ để không đụng chạm mạnh vào xương cốt đồng đội. Lần lượt phần hài cốt được đưa lên mặt đất, cùng với những kỷ niệm ngày chiến đấu ùa vào làm trái tim ông se lại. Ông Lơ bộc bạch, trong những hài cốt bốc được, nhiều người nằm xuống, chân vẫn còn mang dép cao su, bên túi áo còn tìm thấy chai dầu. Những di vật ấy đã vượt qua bao lớp thời gian, kể với người còn sống câu chuyện đời thường về người đã khuất.
Không chỉ tìm đồng đội của mình, ông Lơ mở rộng phạm vi quy tập hài cốt do người dân trong tỉnh chôn cất, hay phát hiện. Những người bạn của ông Lơ tại Câu lạc bộ Hưu trí tỉnh, từng nói “Ông Lơ có duyên với việc tìm hài cốt LS. Ông xác định tìm ai là sẽ tìm được”. Đối với bà Trần Thị Gái (SN 1967, Phú Thọ, TP.TDM) con LS Trần Văn Đạt (hy sinh năm 1966), ông Lơ là ân nhân của gia đình bà. Cha hy sinh khi bà chưa đầy 1 tuổi. Chưa một lần được thấy mặt cha, khi nghe tin tìm được hài cốt của cha, bà quá đỗi vui mừng. “Tôi thầm cảm ơn ông Lơ. Ông đã cho tôi được biết cha mình như thế nào, được sống bên cạnh ông dù không còn bằng xương bằng thịt”, bà Gái nói trong nước mắt.
Ông Lơ nhớ lại, trong suốt thời gian tìm hài cốt LS, phần mộ LS Mai Văn Quế - nguyên cán bộ an ninh tỉnh Thủ Dầu Một (cũ), là phần mộ khó tìm nhất. LS Quế sinh ra ở Phú Cường, hy sinh ở Phú Thọ nhưng lại được một người dân đưa về An Sơn chôn cất. Năm 1998, ông đi từng nhà, gặp từng người hỏi thăm nhưng không ai biết. Một chiều mưa, trong nỗi thất vọng, ông vô tình gặp người phụ nữ đã chôn LS Quế. Mẹ LS Quế vì quá thương con đã xin để hài cốt ở nhà 1 tuần, sau đó mới đưa lên NTLS tỉnh chôn cất. Nhìn cảnh tượng mẹ LS ôm lấy hòm cốt của con khiến ông rất đau lòng. Từ đó, càng cho ông thêm nghị lực để tiếp tục đi tìm mộ LS, bởi còn rất nhiều, nhiều lắm người thân đang từng ngày trông chờ tìm thấy hài cốt chồng, con, cha, anh, em... của mình.
Làm tròn lời hứa với đồng đội, ông còn lập hồ sơ để các anh được công nhận LS; tìm con cháu của LS đưa đi học tại trường Nguyễn Văn Lên (trường dành cho con em LS), trường Mội Nước (dành cho con em gia đình cách mạng).
Quên mình vì Tổ quốc
Sau câu chuyện tìm hài cốt LS, chúng tôi tìm hiểu về quá trình cống hiến cho cách mạng của ông Lơ. Ông đã vinh dự được tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng 3, danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ. Đạt được những phần thưởng cao quý ấy, TB Nguyễn Văn Lơ đã biết bao lần vào sinh ra tử nơi trận mạc. Sinh ra trên mảnh đất Sông Bé oai hùng, chưa đầy 17 tuổi, ông xin gia đình thoát ly hoạt động cách mạng và phục vụ ở đơn vị đặc công biệt động C65 của Bình Dương. Trong ký ức của ông không bao giờ quên được trận Mậu Thân năm 1968 vào ngày mùng 8 tết. Trong trận đánh tại Chánh Nghĩa, đội đặc công biệt động C65 phối hợp với Tiểu đoàn 2 (Trung đoàn Đồng Nai) cùng chống càn. Với vai trò là Tiểu đội trưởng Đội đặc công biệt động C65, ông đã cùng anh em chiến đấu hết mình. Trong lúc lực lượng chênh lệch, quân ta rút sâu vào ẩn để tìm cách tấn công thì bị giặc càn dữ dội. Trận đánh ấy, nhiều người bị thương và 6 đồng chí hy sinh. Ông đã đưa đồng đội vào nhà dân, đích thân tắm rửa và nhờ cán bộ cơ sở chôn cất. “Chứng kiến đồng đội, những người cùng ăn, cùng ở, cùng chiến đấu với mình hy sinh, tôi đắng lòng. Nhưng không để anh em mất tinh thần chiến đấu, tôi động viên mọi người cố gắng vượt qua đau thương để đánh đuổi giặc. Riêng bản thân càng căm thù giặc và quyết trả thù cho đồng đội”, ông Lơ nói.
Cuối năm 1968, trong một lần làm nhiệm vụ ông bị thương và được chuyển sang đơn vị hậu cần D2-70 E92 đóng ở đất bạn Campuchia. Năm 1970, đơn vị hậu cần bị phục kích, ông bị chấn thương đầu và được đưa về Bệnh viện Quân y 109 (Vĩnh Phúc) điều trị. Với tinh thần “thương binh tàn nhưng không phế”, năm 1975, ông làm Giám đốc trại cải tạo lao động tỉnh. Năm 1990, ông về giữ chức vụ Giám đốc Xí nghiệp Chế biến lâm sản xuất khẩu Bình Dương. Tại đây, ông có nhiều đóng góp để công ty ngày càng phát triển.
Chia tay với ông Lơ, chúng tôi thầm nghĩ, ở đời, có những công việc mà thiên hạ phải đua chen, giành giật với nhau, nhưng cũng có những công việc chẳng ai muốn gánh vác. Riêng ông, TB 2/4 với đôi chân khập khiễng bước thấp bước cao, ông đã đặt lên vai mình gánh nặng đi tìm hài cốt đồng chí đồng đội. “Còn nhiều hài cốt chưa được tìm thấy nên tôi sẽ không bao giờ nghỉ hưu”, ông Lơ nói.
Hiện nay, ở cái tuổi 64 nhưng ông Lơ vẫn rất khỏe mạnh. Những vết thương chiến tranh như chưa hề đụng chạm đến cơ thể ông. Làm được điều đó ngoài tinh thần “thép”, ông còn tích cực tập luyện thể dục. Ông hiện là VĐV bóng bàn đại diện tỉnh tham dự các giải thể thao dành cho người khuyết tật toàn quốc. Với những bộ huy chương từ giải thể thao người khuyến tật toàn quốc, ông xứng đáng là tấm gương của cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”.
T.LÝ – H.NHUNG