Trong giai đoạn 2018-2022, Chương trình OCOP đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự điều hành chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh và sự phối hợp của các sở, ngành chuyên môn, lan tỏa trên khắp địa bàn tỉnh. Chương trình đã nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành và được sự ủng hộ cộng đồng địa phương.
Kết quả bước đầu hình thành được các sản phẩm đặc trưng với lợi thế của Bình Dương, như: Dưa lưới U&I, dưa lưới Kim Long, bưởi da xanh Tân Mỹ, cam sành Thịnh Thương, cam sành Năm Hạng, các sản phẩm chế biến như tương ớt Vị Hảo, rượu đông trùng hạ thảo, tổ yến Hiếu Hằng… Các sản phẩm OCOP được UBND tỉnh công nhận đạt 3 sao, 4 sao đã có bước cải tiến về chất lượng, mẫu mã, bao bì bảo đảm điều kiện quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và cơ sở sản xuất, kinh doanh bước đầu đã thấy được lợi ích của chương trình nên việc quan tâm hưởng ứng, thực hiện được lan tỏa tốt hơn. Hệ thống các đối tác của chương trình, các chuyên gia, các doanh nghiệp dần được kết nối, hình thành kênh hỗ trợ cho các chủ thể tham gia.
Có thể thấy, qua 3 năm triển khai thực hiện Chương trình OCOP, một số sản phẩm ở tỉnh đã được công nhận, song vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Nguyên nhân, đây là chương trình mới, có liên quan đến nhiều sở, ngành, UBND các cấp, nên trong giai đoạn đầu triển khai chương trình một số đơn vị chưa quan tâm, đặc biệt là còn hạn chế trong phát triển đối với nhóm các sản phẩm truyền thống, làng nghề như gốm sứ, sơn mài. Các sản phẩm đánh giá phân hạng của tỉnh chủ yếu là các sản phẩm sẵn có, chưa chú trọng đến phát triển các sản phẩm có tiềm năng theo hướng nâng cao chất lượng, chưa phát triển các sản phẩm chế biến.
Công tác truyền thông chưa lan tỏa được những mô hình hay, sáng tạo của người dân. Mặt khác, vai trò và sự tham gia của chính quyền cấp xã còn rất hạn chế, nhiều địa phương còn chưa chủ động trong triển khai chương trình. Một số cán bộ quản lý các cấp được phân công kiêm nhiệm thực hiện chương trình và thường xuyên chuyển đổi vị trí công tác nên đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện chương trình, cần có thời gian để nghiên cứu sâu hơn nhằm thực hiện hiệu quả hơn.
Hy vọng thời gian tới, với những giải pháp trọng tâm mà ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã đề ra, Chương trình OCOP tỉnh Bình Dương sẽ phát triển sản phẩm có thương hiệu, theo chuỗi giá trị dựa trên thế mạnh, lợi thế về nguồn nguyên liệu địa phương, văn hóa và tri thức bản địa. Đặc biệt là các đặc sản, sản vật, sản phẩm làng nghề và dịch vụ du lịch cộng đồng theo hướng kinh tế tuần hoàn, bảo đảm hệ sinh thái bền vững.
PHƯƠNG ANH