Dưới tác động nặng nề của kinh tế toàn cầu đã kéo giảm doanh thu bán lẻ hàng hóa. Trước tình hình này, nhiều doanh nghiệp (DN) bán lẻ đã nhanh nhạy thay đổi phương thức bán hàng nhằm cải thiện về doanh số, nỗ lực đạt kế hoạch năm 2023.
Cơ cấu tiêu dùng của người dân thay đổi, tập trung chủ yếu vào các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm
Đa dạng giải pháp
Trong 4 tháng đầu năm 2023, dù gặp rất nhiều khó khăn song mạng lưới phân phối bán buôn ổn định, hệ thống bán lẻ, dịch vụ có bước tiến đáng kể, mở rộng về quy mô và đa dạng về hình thức, chất lượng được cải thiện. Theo ông Võ Nhất Vũ, Giám đốc siêu thị Go! Bình Dương, hiện nay cơ cấu tiêu dùng của người dân thay đổi, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm. Siêu thị Go! cũng tăng cường nhập các sản phẩm với số lượng lớn, chia sẻ khó khăn về giá với người tiêu dùng. Cùng với đó, siêu thị cộng tác với các chuỗi cung ứng uy tín để nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, kết nối chuỗi cung ứng, tiêu dùng.
Vượt lên khó khăn, các kênh phân phối chú trọng phát triển hàng Việt trong chuỗi cung ứng của mình để mang về lợi ích nhiều mặt, tạo ra những cơ hội lớn cho các DN Việt chiếm lĩnh, giữ vững thị trường nội địa. Ghi nhận từ một số hệ thống bán lẻ như Saigon Co.op, MM Mega Market, Central Retail Việt Nam… cho thấy, từ 90-95% thực phẩm tươi sống, rau quả… có xuất xứ trong nước. Đây thực sự là những con số ấn tượng, cho thấy độ “phủ sóng” rộng khắp của nông sản Việt.
Ông Võ Văn Lớt, Giám đốc siêu thị Aeon Mall Bình Dương, cho biết 4 tháng đầu năm doanh thu của đơn vị giảm khoảng 10% so với cùng kỳ. Hiện nay, hàng Việt chiếm tỷ trọng từ 80- 90% trên các kệ hàng. Tuy vậy, với mong muốn vực dậy doanh thu, đạt kế hoạch năm, đơn vị luôn chú trọng nâng cao chất lượng, cơ sở vật chất để phục vụ người tiêu dùng, cũng như chủ động triển khai các chương trình khuyến mại, kích cầu tiêu dùng dành cho hàng Việt; đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử, phát triển nhiều hình thức kinh tế số.
Bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết ngành công thương tăng cường công tác bảo đảm bình ổn thị trường, chủ động tổ chức, thực thi chặt chẽ các quy định của pháp luật đối với lĩnh vực thương mại; phối hợp với các ngành kiểm soát tình trạng gian lận thương mại, thâu tóm thị trường, hạn chế cạnh tranh không lành mạnh, vi phạm lợi ích của người tiêu dùng. Những năm qua, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh cũng đã đẩy mạnh hoạt động kết nối người tiêu dùng với nhà sản xuất, nâng cao giá trị thương hiệu cho hàng Việt trên địa bàn tỉnh.
Nhận diện cơ hội phát triển bền vững
Một điểm sáng của thị trường bán lẻ trong thời gian gần đây là sự phát triển của các hoạt động giao dịch thương mại điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt. Các trung tâm thương mại, siêu thị, dịch vụ ăn uống triển khai hàng loạt các chương trình khuyến mãi, kích cầu mua bán qua các kênh như, điện thoại, đặt hàng qua website, app; đồng thời hỗ trợ các chính sách giao hàng. Sự thay đổi kịp thời về phương thức bán hàng đã góp phần giúp các đơn vị kinh doanh cải thiện được doanh thu trong tình hình thị trường còn nhiều khó khăn.
Phát triển thương mại hiện đại, văn minh, tăng trưởng nhanh và bền vững chính là bệ đỡ, điểm tựa vững chắc cho sản xuất trong nước, xây dựng thương hiệu hàng hóa Việt Nam, bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, DN sản xuất. Ngành công thương tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, củng cố, thiết lập trật tự thị trường thích ứng với bối cảnh, tình hình mới; duy trì tốc độ tăng trưởng, tăng dần tỷ trọng thương mại trong nước vào khu vực dịch vụ”. (Bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công thương) |
Nhiều DN bán lẻ đã khá nhanh nhạy để chuyển dịch từ bán hàng offline sang online. Có được điều này là nhờ nền tảng thương mại điện tử trong thời gian qua đã phát triển tương đối do sự đầu tư của các DN khởi nghiệp. Hoạt động giao nhận hàng hóa vài năm qua cũng đã được đầu tư lớn nên các hệ thống giao hàng nhanh, phát huy tác dụng lớn. Theo nhận định của các chuyên gia, thị trường bán lẻ trực tuyến mặc dù tăng trưởng nhanh trong vòng vài năm vừa qua (tăng trung bình 39% trong 5 năm), cao hơn mức tăng của thị trường bán lẻ truyền thống, chỉ chiếm chưa đến 10% tổng doanh thu bán lẻ tại Việt Nam. Do vậy, trong khó khăn các nhà bán lẻ cần phải thay đổi và linh hoạt hơn trong tình hình thói quen của người tiêu dùng thay đổi nhanh.
Không chỉ đóng vai trò là cầu nối giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng, các siêu thị còn nỗ lực hướng các nhà sản xuất tạo ra các sản phẩm xanh để đưa ra thị trường. Tuy vậy, nông sản địa phương dù khá phong phú, nhưng muốn vươn xa, cạnh tranh được tại thị trường các quốc gia khác cần có hướng đi bài bản và bền vững. Ông Võ Nhất Vũ nhận xét, sản phẩm đặc sản Bình Dương đủ sức cạnh tranh với các vùng khác, nhưng hạn chế lớn nhất cũng chính là khả năng quảng bá, “đánh” vào thị giác của khách hàng, nhất là sản phẩm chế biến chuyên sâu, vì người mua chỉ lướt qua gian hàng và ra quyết định trong khoảng 3 giây để chọn hay không.
TIỂU MY