Tiến tới ngày sở hữu trí tuệ thế giới (26-4): Bình Dương vào cuộc bảo hộ sở hữu trí tuệ

Cập nhật: 25-04-2013 | 00:00:00

 Thế giới chạy, chúng ta mới khởi động

Ngày 26-4-1999, Tổ chức SHTT thế giới (WIPO) đã thông qua quyết định lấy ngày 26-4 (là ngày Công ước Stockholm 1967 bắt đầu có hiệu lực vào năm 1970) làm Ngày SHTT thế giới, nhằm gióng lên hồi chuông cảnh báo về tầm quan trọng của việc xác lập quyền SHTT trong thời kỳ bùng nổ của các nền kinh tế tri thức. Trong các cuộc chạy đua khẳng định vị trí trên thương trường, điều làm nên sự khác biệt giữa DN này với DN khác chính là tên tuổi của thương hiệu. Nhiều DN trên thế giới đã xây dựng được những thương hiệu mà giá trị của nó không đơn thuần ở sản phẩm mà là ở chính tên gọi. Đơn cử như Coca Cola là thương hiệu đắt giá nhất thế giới (78 tỷ USD), kế đến là Apple (200.000 USD). Nhiều thương hiệu không được đong đếm bằng giá trị cụ thể là tiền mà ở chính tên gọi như StarBucks, Honda…   Coca Cola - một thương hiệu uy tín trên thị trường nước giải khát 

Ở Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng, ngoài một số DN lớn ý thức đúng về tầm quan trọng của xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu, còn lại đa số DN chưa được hoàn thiện và ít quan tâm đến vấn đề này. Kinh nghiệm qua 15 năm xây dựng và phát triển thương hiệu trong lĩnh vực sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành chế biến gỗ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Oseven Nguyễn Thanh Phong, cho rằng: “Việc xây dựng thương hiệu cần phải có một chiến lược đúng, kiên trì bền bỉ để thực hiện mục tiêu, thế nhưng nhiều DN hiện nay chưa nghiêm túc trong việc xây dựng cho mình một tầm nhìn dài hạn. Do đó, sự quan tâm về SHTT, bảo hộ thương hiệu gần như bị bỏ ngỏ”.

Lý giải về điều này, nhiều ý kiến cho rằng do DN còn quá chú trọng đến vấn đề lợi nhuận theo kiểu “ăn xổi” mà chưa có kế hoạch phát triển xa hơn. Từ đó, việc đăng ký bảo hộ thương hiệu, bảo hộ quyền SHTT chưa được chú trọng đúng mức.

Tỉnh hỗ trợ, DN chưa biết

Sáng 23-4, Sở KH-CN phối hợp với Sở Công Thương và Hội Doanh nhân trẻ Bình Dương tổ chức hội thảo chống hàng giả và thực thi quyền SHTT tại Việt Nam. Tại hội thảo, các DN đã được thông tin cụ thể về chương trình hỗ trợ DN phát triển tài sản trí tuệ trong giai đoạn 2011-2015 của UBND tỉnh, các kiến thức về chống hàng giả và thực thi quyền SHTT tại Việt Nam. Đây là một trong những chương trình góp phần quảng bá rộng rãi đến các DN trong tỉnh các biện pháp hỗ trợ mà tỉnh Bình Dương dành cho các sản phẩm trí tuệ của họ.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo hộ quyền SHTT, Bình Dương đã quan tâm bằng nhiều chương trình hỗ trợ dành cho DN khi đăng ký sở hữu nhãn hiệu. Cụ thể, Quyết định số 449/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc phê duyệt chương trình hỗ trợ DN phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2011-2015 và quyết định về việc phê duyệt chính sách hỗ trợ DN thuộc Chương trình hỗ trợ DN phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2011-2015. Mục đích của chương trình xác định rất rõ tiêu chí nâng cao nhận thức cho DN về tầm quan trọng của SHTT, xem là tài sản trong xu thế hội nhập kinh tế thế giới, để DN phát triển chất lượng hàng hóa và phát triển thương hiệu của mình. Theo đó, tỉnh sẽ hỗ trợ 100% chi phí đối với việc xác lập tài sản trí tuệ trong lĩnh vực nông nghiệp, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm, dịch vụ đặc thù của các địa phương; hỗ trợ 50% tổng chi phí xác lập quyền cho các đối tượng còn lại có hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, sản phẩm sáng tạo khoa học và công nghệ, các đề tài dự án được áp dụng trên địa bàn tỉnh… Thế nhưng, đến nay nhiều DN vẫn chưa biết đến các chương trình này, mặc dù Sở KH-CN luôn sẵn sàng hỗ trợ khi DN yêu cầu.

Ngoài những nguyên nhân chủ quan từ nhận thức của một số DN, việc tuyên truyền, quảng bá chương trình đến với DN chưa sâu rộng, dẫn đến việc nhiều DN chưa biết, chưa tiếp cận với chủ trương, chính sách hỗ trợ thiết thực đến lợi ích của DN.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Nguyễn Thành Danh, cho biết hiện trạng vi phạm quyền SHTT diễn ra ngày càng nhiều, nhất là trong các lĩnh vực như may mặc, thời trang, bột ngọt, máy tính, mỹ phẩm, phân bón… kéo theo đó là những hệ lụy như hàng nhái, hàng giả ảnh hưởng đến quyền lợi và sức khỏe của người tiêu dùng, ảnh hưởng tiêu cực đến thương hiệu của DN và tổn hại đến sự phát triển của nền kinh tế. Vì thế, việc nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội về SHTT là vấn đề sống còn đối với sự phát triển bền vững của chính DN.

NGỌC TRINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=268
Quay lên trên