Tiếp nối đà phục hồi xuất khẩu

Cập nhật: 08-08-2024 | 08:16:54

Tiếp nối đà phục hồi từ cuối năm 2023, trong 7 tháng năm 2024, sản xuất công nghiệp và xuất khẩu hàng hóa của tỉnh tiếp tục có sự phục hồi và tăng trưởng. Qua đó, đóng góp quan trọng vào kết quả tăng trưởng chung của nền kinh tế tỉnh nhà.

 Hoạt động bốc xếp hàng hóa tại cảng An Sơn

 Thặng dư thương mại đạt 5,4 tỷ USD

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 7 tháng năm 2024 của tỉnh đạt gần 18,9 tỷ USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2023; thặng dư thương mại đạt 5,4 tỷ USD.

Ông Lê Đức Nghĩa, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Gỗ An Cường, cho biết mức tăng trưởng lợi nhuận quý I-2024 của công ty lên tới 124% so với cùng kỳ năm 2023, đạt hơn 81 tỷ đồng. Công ty đã đẩy mạnh các dòng hàng có biên lợi nhuận tốt, đồng thời thực hiện các giải pháp tối ưu hóa hoạt động sản xuất, tăng năng suất và tiết giảm chi phí. Đến nay, công ty có đơn hàng xuất khẩu đến tháng 11, vì thị trường Mỹ đã hồi phục. Dự báo, tình hình xuất khẩu của công ty tiếp tục khả quan trong năm 2025 và 2026. “Hiện nay, các nhà máy của An Cường hoạt động với 70% công suất. Riêng nhà máy xuất khẩu hoạt động với hơn 110% công suất, thậm chí công ty còn phải gia công thêm ở bên ngoài”, ông Nghĩa thông tin thêm.

Dù xuất nhập khẩu khởi sắc song các doanh nghiệp (DN) cũng đang gặp phải những khó khăn. Đơn cử, với ngành dệt may, DN sản xuất đang đối mặt với thách thức mới do khách hàng thay đổi yêu cầu, thường đặt đơn hàng nhỏ, số lượng ít, đơn giá thấp, thời gian giao hàng ngắn. Người tiêu dùng có xu hướng mua hàng qua thương mại điện tử ngày càng nhiều, nhu cầu sản phẩm đa dạng hơn.

Trước những khó khăn chung của DN, ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết đã yêu cầu các sở, ban, ngành tiếp tục quan tâm hỗ trợ, thực hiện hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; đồng thời đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, để mở rộng thị trường xuất khẩu, Bình Dương tiếp tục triển khai các nhóm giải pháp, trong đó có giải pháp đẩy mạnh xúc tiến thương mại hỗ trợ DN.

Nâng cao năng lực cạnh tranh

Tại hội nghị giao ban với các thương vụ vừa qua, ông Đỗ Ngọc Hưng, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, cho biết nhu cầu thị trường Mỹ bắt đầu tăng trở lại. Việc “tích trữ” đề phòng những biến động có thể xảy ra trong giai đoạn hậu bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2025 và nhu cầu nhập khẩu của Hoa Kỳ đối với các sản phẩm của Việt Nam khi mùa đông và mùa mua sắm đang trở lại. Các mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu truyền thống của Việt Nam như dệt may, da giày, đồ gỗ và nội thất, điện tử, máy móc thiết bị... với mẫu mã cải tiến và giá thành cạnh tranh sẽ tiếp tục đóng góp vào đà tăng trưởng chung của lĩnh vực xuất khẩu. “Dự báo, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Hoa Kỳ tiếp tục tăng trong thời gian tới, với kỳ vọng sẽ là năm thứ 3 liên tiếp tổng kim ngạch xuất khẩu đạt trên 100 tỷ USD trong năm nay, vượt chỉ tiêu đề ra từ đầu năm”, ông Hưng nói.

Theo bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Công thương, mặc dù đạt được những kết quả quan trọng trên các ngành, lĩnh vực kinh tế, tuy nhiên quá trình khôi phục hoạt động sản xuất, xuất khẩu tại các DN vẫn đang đối mặt với không ít thách thức, ảnh hưởng lớn đến tình hình phát triển kinh tế của tỉnh, trong đó có hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu của DN.

Thời gian tới, ngành công thương của tỉnh tiếp tục triển khai một số giải pháp trọng tâm hỗ trợ DN xuất khẩu củng cố các thị trường xuất khẩu chủ lực; tăng cường công tác xúc tiến thương mại mở rộng thị trường các nước có lợi thế từ cam kết của các hiệp định thương mại tự do (FTA). Cụ thể, ngành sẽ tích cực hỗ trợ thúc đẩy xuất khẩu; mỗi năm sẽ hỗ trợ DN tham gia 3 chương trình xúc tiến thương mại nước ngoài và 10 chương trình xúc tiến thương mại trong nước. Cùng với đó, Sở Công thương tiếp tục phối hợp với Bộ Công thương và các sở, ngành liên quan thực hiện các hoạt động ngoại giao kinh tế, như: Mời các tập đoàn, DN đến tỉnh Bình Dương tham quan cơ sở hạ tầng; mời gọi đầu tư, hợp tác thương mại...

Tỉnh cũng chú trọng thu hút đầu tư các dự án dịch vụ logistics, quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ, phát triển thương hiệu nhằm nâng cao năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh của DN, hướng đến xuất khẩu bền vững. Bà Huỳnh Đinh Thái Linh, Chủ tịch Hiệp hội Logistics Bình Dương, khẳng định logistics đóng vai trò quan trọng trong chiến lược liên kết vùng trong giai đoạn mới, các DN ngành logistics tại Bình Dương sẽ tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp, chất lượng cao cho các khu công nghiệp. Cùng với đó, hiệp hội chú trọng nâng cao năng lực, chuyển đổi kép (số và xanh) cho các thành viên hiệp hội nhằm hướng tới giảm chi phí cho DN.

 Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết trong thời gian tới ngành công thương sẽ tổ chức các hội nghị hỗ trợ DN kết nối giao thương, mở rộng thị trường, ký kết các đơn hàng xuất khẩu mới như: Trung Đông, Ấn Độ, Nam Mỹ… và thị trường của các nước Việt Nam đã ký kết FTA; tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả công tác hội nhập kinh tế quốc tế. Ngành công thương của tỉnh cũng phối hợp với các sở, ngành liên quan hỗ trợ DN trong công tác chứng nhận xuất xứ hàng hóa và phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu; triển khai các quy định về rào cản kỹ thuật, quy định vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường, sở hữu trí tuệ, cam kết đáp ứng hạn chế khí thải carbon… tại các thị trường xuất khẩu đến DN...

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=625
Quay lên trên