Tìm lại tên một vùng đất… (Bài cuối)

Cập nhật: 14-07-2015 | 08:44:05

Bài cuối: Một thời “máu và hoa”

Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ xâm lược, huyện Châu Thành là một chiến trường khốc liệt với nhiều cuộc chạm trán nảy lửa giữa ta và địch. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân trong toàn huyện đã củng cố lực lượng chính trị, vũ trang, binh vận tại chỗ, bám trụ, giữ vững vùng căn cứ địa cách mạng.

Ủy ban kháng chiến huyện Châu Thành năm 1948. Bức ảnh này đã được lưu giữ qua hai thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ ác liệt

9 năm trường kỳ chống Pháp

Năm 1947, Huyện ủy Châu Thành được thành lập, đồng chí Đổng Văn Tài là bí thư. Đến cuối năm 1947, hệ thống chính trị của huyện được kiện toàn, củng cố. Bà Nguyễn Thị Hoa, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP.Thủ Dầu Một, nhớ lại: “Trong thời gian này, Pháp tăng cường những cuộc hành quân càn quét các xã vùng ven tỉnh lỵ nhằm bảo vệ các căn cứ quân sự, củng cố bộ máy chính quyền, cơ sở kinh tế - xã hội trong nội thị và bảo vệ đường giao thông huyết mạch quốc lộ 13, đường xe lửa Sài Gòn - Lộc Ninh; đồng thời đánh phá vùng du kích của ta nhằm ngăn chặn khả năng vận chuyển, tiếp tế lương thực từ trong nội thị cho lực lượng vũ trang, lực lượng kháng chiến trong các căn cứ Chiến khu Vĩnh Lợi, Truông Bồng Bông… Đi đôi với hoạt động quân sự, địch không ngừng đàn áp, khủng bố nhân dân, bắt bớ đánh đập dã man những người bị tình nghi là Việt Minh hoặc cất giấu lương thực, tiếp tế cho Việt Minh kháng chiến”.

Từ tháng 5-1951, Pháp tăng cường kìm kẹp, vơ vét vùng tạm chiếm và đẩy mạnh gom dân, phong tỏa kinh tế hòng tách dân ra khỏi vùng căn cứ, ven căn cứ. Mục đích của chúng là tạo thành những “vùng trắng”, cắt đứt sự liên hệ giữa nhân dân và lực lượng kháng chiến. Ngoài ra, chúng còn tổ chức hội tề ở ấp, xã, mạng lưới do thám, gián điệp để theo dõi, rình rập và phân biệt đối xử với những gia đình có người đi kháng chiến. Vì vậy, vấn đề cấp dưỡng cho bộ đội địa phương và du kích thoát ly rất khó khăn. Vũ khí trang bị thiếu thốn, nhưng vượt qua hoàn cảnh khó khăn của chiến trường, bộ đội địa phương huyện Châu Thành liên tục bám trụ địa bàn, phối hợp với du kích các xã và Tiểu đoàn 303 của tỉnh chiến đấu chống càn, chống đột kích… tiêu diệt nhiều sinh lực địch, góp phần bảo vệ căn cứ.

Nhằm giành thế chủ động trên chiến trường Nam bộ, từ đầu năm 1952, Pháp đẩy mạnh thực hiện kế hoạch “Bình định gấp rút, phản công quyết liệt”. Để đối phó, Huyện ủy Châu Thành chủ trương chấn chỉnh Ban Chỉ huy Quân sự huyện đội theo hướng giản chính các bộ phận tăng cường cho đơn vị chiến đấu. Song song đó, bố chí lực lượng đại đội Nguyễn Văn Tiết luân phiên học tập, huấn luyện và sẵn sàng phối hợp lực lượng Tiểu đoàn 303 của tỉnh và du kích các xã chiến đấu chống địch càn quét, bảo vệ căn cứ Vĩnh Lợi. Trong lúc đang đẩy mạnh tấn công địch và giành nhiều thắng lợi quan trọng, cuối tháng 10-1952, miền Đông Nam bộ xảy ra trận bão lụt gây thiệt hại nặng nề cho nhân dân vùng bị bão lụt và lực lượng kháng chiến. Địch lợi dụng lúc chúng ta thiếu đói mở nhiều cuộc càn quét vào Chiến khu Đ, vùng ven căn cứ, vùng du kích nhằm chia cắt chiến trường. Trước tình hình đó, cuối năm 1953, Tỉnh ủy và Tỉnh đội đã kịp thời chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho lực lượng vũ trang của tỉnh kết hợp chặt chẽ với lực lượng địa phương huyện Châu Thành, du kích các huyện trong xã cùng tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch và từng bước bồi dưỡng lực lượng của ta.

Trong thời gian 1953-1954, quân và dân huyện Châu Thành đã lập nên nhiều chiến công, phối hợp với một trung đội của Đại đội 55 thuộc Tiểu đoàn 303, lực lượng địa phương và du kích xã của huyện Châu Thành đánh trả bọn lính đột kích tại ấp Trao Trảo, xã Vĩnh Tân; luồn sâu vào vùng tạm chiếm xã Tân An để giết tên sếp Tròn, một tên ác ôn khét tiếng trong vùng… Bộ đội và du kích các xã còn chủ động tấn công địch bằng nhiều trận đánh nhỏ, đánh lẻ và tạo điều kiện cho phong trào quần chúng nổi dậy mạnh mẽ; đồng thời cơ sở Đảng từng bước được xây dựng và củng cố, góp phần cùng địa phương và cả nước giành thắng lợi vẻ vang trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

Bàn đạp tiến công vào Sài Gòn

Trong giai đoạn cách mạng từ 1959-1975, Châu Thành là vùng tự do bắn phá hết sức khốc liệt của địch. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân trong huyện tiếp tục củng cố lực lượng chính trị, vũ trang, binh vận tại chỗ, bám trụ trong nhân dân, giữ vững vùng căn cứ địa cách mạng làm bàn đạp tiến công vào Sài Gòn.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, nguyên Bí thư Huyện ủy Châu Thành, cho biết: “Châu Thành là địa bàn vừa có căn cứ kháng chiến như Vĩnh Lợi, Truông Bồng Bông, đồng thời cũng là vùng tranh chấp quyết liệt giữa ta và địch. Vì vậy, địch ưu tiên mở những đợt càn quét gom dân, lập ấp chiến lược rất quyết liệt ở các xã, nhất là vùng căn cứ của ta như Vĩnh Tân, Tân Bình, Tân Hiệp, Phú Chánh. Địch tập trung càn quét liên tục, ngày đi càn, đêm chúng bắn pháo vào các điểm tình nghi. Chúng bố trí thêm nhiều đồn bót và trạm kiểm soát ngăn chặn ta hoạt động. Hàng ngày, bọn bảo an, dân vệ kết hợp với bộ máy tề xã ấp dùng vũ lực thúc ép quần chúng vào ấp chiến lược. Trước tình hình đó, Huyện ủy Châu Thành đã chủ trương đẩy mạnh xây dựng lực lượng cách mạng; xây dựng căn cứ bám trụ vững chắc trên địa bàn từng xã, ấp; phát triển du kích chiến tranh rộng khắp; kết hợp các lực lượng, các hình thức đấu tranh kiên quyết chống phá chương trình này của địch. Và chúng ta đã thành công, góp phần đánh bại các chiến lược chiến tranh của Mỹ”.

Chiến tranh dù đã trôi qua nhiều năm, nhưng ông Huỳnh Văn Liêm, nguyên là Phân khu Đoàn ủy viên (E5) thuộc Tỉnh đoàn, phụ trách địa bàn huyện Châu Thành, TX.Thủ Dầu Một và Lái Thiêu vẫn nhớ mãi về những ký ức một thời “máu và hoa” tại Châu Thành ngày ấy. Ông kể: “Quốc lộ 13 ngày ấy là con đường máu và nước mắt. Trên con đường này, mỗi chiến dịch của địch mở ra, càn quét đều rất thâm độc. Con đường chạy dọc huyện Châu Thành, vì vậy suốt thời kỳ chống Mỹ ác liệt đến ngày hoàn toàn giải phóng, ta và địch đan xen nhau ở thế cài răng lược trên tuyến đường này. Thêm vào đó, Châu Thành có Chiến khu Vĩnh Lợi, đây là căn cứ của huyện, cũng là nơi trú đóng của nhiều cơ quan, đơn vị của tỉnh, được mệnh danh là “Tỉnh lỵ kháng chiến”. Từ địa thế đó nên Châu Thành là bàn đạp cơ động của tỉnh, nơi giành đi giật lại quyết liệt giữa ta và địch. Nhưng dù hoàn cảnh nào, dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy Châu Thành, các lực lượng vũ trang huyện Châu Thành đã anh dũng bám trụ, nỗ lực vượt bậc, vừa xây dựng vừa chiến đấu, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị lực lượng của tỉnh, của cấp trên đứng chân trên địa bàn, kết hợp 3 mũi tấn công và nổi dậy. Trong suốt cuộc kháng chiến, quân và dân trong huyện từng bước ngăn chặn, đẩy lùi và đánh bại kế hoạch bình định, lấn chiếm của địch; giữ vững và mở rộng bàn đạp phía trước, đánh chiếm, tiêu diệt, làm tan rã hoàn toàn lực lượng quân ngụy, đập tan bộ máy chính quyền của địch, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước”.

Lịch sử nay đã sang trang mới. Vùng đất Châu Thành xưa bị bom cày đạn xới nay cũng đã khoác lên màu áo mới của hòa bình, thịnh vượng và phát triển. Trên mảnh đất ác liệt năm xưa, dự án Thành phố mới Bình Dương đã hình thành, tạo đà cho Bình Dương vươn lên một tầm cao mới. Điều mà những người từng vào sinh ra tử trên mảnh đất anh hùng năm xưa mong muốn là cái tên Châu Thành được trường tồn và lịch sử hào hùng của huyện Châu Thành sẽ được thế hệ trẻ hôm nay biết đến nhiều hơn nữa.

 

THU THẢO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1336
Quay lên trên