Tìm tương lai trong hoàn cảnh khó...

Cập nhật: 23-03-2013 | 00:00:00

Trải qua hơn 120 năm phát triển, Trung tâm Giáo dục trẻ khuyết tật Thuận An (còn gọi là trường Câm điếc Lái Thiêu) bây giờ đã bề thế hơn xưa với nhiều phòng ốc, trang thiết bị dạy và học đầy đủ, hiện đại. Bao thế hệ đến và đi đều xem đây là ngôi nhà, là cái nôi của mình. Cũng chính nơi đây, những số phận kém may mắn trong cuộc sống đã biết vươn lên, tìm thấy tương lai cho mình giữa cuộc sống đời thường.

Vượt lên hoàn cảnh

Chúng tôi tìm đến trung tâm vào một buổi chiều cuối tháng 3, không gian yên tĩnh đang bao trùm bởi đang trong giờ học. Không khác gì so với những lớp học bình thường, những bài học của các em cũng đi từ những nét chữ đầu tiên đến những bài học khó của chương trình giáo dục. Ngoài học văn hóa các em còn được học nghề như cắt tóc, may… Ngày 2 buổi học, tối đến các em lại về ở nội trú cùng nhau. Những đứa trẻ biết hòa đồng và tìm thấy tiếng nói chung, râm ran chia sẻ. Hầu hết các em đều xa gia đình, nên coi nhau như người thân. Hiện trung tâm có hơn 350 em và 68 cán bộ, nhân viên. Lẫn trong mái nhà ấy có không ít những số phận nghiệt ngã mà khi nhắc đến gia đình các em đều rơm rớm nước mắt.

Ngoài học văn hóa, các em ở trung tâm còn được hướng dẫn học nghề Nguyễn Kim Ngân năm nay đã 21 tuổi nhưng mới học lớp 9. Cũng như nhiều bạn bè khác ở trung tâm, Ngân được học văn hóa khá muộn. Không may mắn như nhiều người, Ngân bị câm điếc bẩm sinh. Cha bị bệnh bao tử không lao động được, nhà lại có 4 anh chị em. Gia cảnh khó khăn, cha mẹ không có điều kiện nuôi dưỡng, Ngân được trung tâm mở rộng cửa đón về. Lúc đầu mới vào trung tâm Ngân là một đứa trẻ rất nhút nhát, tự ti và suốt 5 năm học cấp một, Ngân chỉ là học sinh trung bình, thế nhưng bước qua cấp 2, Ngân đã nỗ lực vươn lên trở thành học sinh tiên tiến. Ngân đang cố gắng để sau này ra trường được đi làm ở các công ty, kiếm tiềm phụ giúp gia đình. Không chỉ học giỏi, Ngân còn là một người chị rất siêng năng, thường xuyên phụ các sơ chăm lo các em nhỏ, nhiều hôm em còn cắt phần ăn của mình nhường cho các em.

Khác với Ngân, hai chị em Nguyễn Thị Thịnh Vượng và Nguyễn Thị Ân Phúc (quê Bình Phước) có một gia đình không trọn vẹn. Cha mẹ ly thân, nhà có 6 anh chị em nhưng phải chia cắt. Thiếu thốn tình cảm gia đình, hai chị em ngày đầu đến với trung tâm cứ thu mình lại. Phải một thời gian sau, bằng tình yêu thương của những thầy cô nơi đây, hai chị em mới dần dần hòa nhập. Thời gian trôi đi, giờ Vượng đã học lớp 5 và Phúc học lớp 2. Hai chị em đang chăm chỉ học tập để sau này có thể kiếm việc làm nuôi bản thân và gia đình. Song Vượng và Phúc cũng đang sợ mình không biết sẽ nghỉ học lúc nào vì một mình mẹ phải bươn chải lo cho hai chị em rất vất vả.

Hoàn cảnh của Ngân và hai chị em Vượng, Phúc chỉ là một trong nhiều câu chuyện cảm động khác mà các sơ đã từng chứng kiến hơn mấy chục năm làm việc tại đây. Hơn ai hết, để chinh phục được trẻ, các sơ phải thấu hiểu tình cảm, suy nghĩ, hoàn cảnh của mỗi em nhằm giúp các em hòa nhập với cuộc sống. Ai đến nơi đây chắc sẽ ngạc nhiên bởi sự thân thiện, dạn dĩ của các trẻ khiếm thính. Câu hỏi đầu tiên cho mỗi cuộc giao tiếp bằng tay là anh/chị tên gì? nhà anh/chị ở đâu? Trẻ em rất thích được về nhà, được về với cha mẹ, nhưng vì hoàn cảnh đành phải ở xa, tuy nhiên cứ nhắc đến gia đình không ít đứa trẻ nơi đây nước mắt tuôn trào.

Hòa nhập với cộng đồng

Để hòa nhập cộng đồng, nuôi sống bản thân, người khiếm thính gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, nhưng họ có nghị lực, ý chí vươn lên trở thành người có ích cho xã hội, tìm thấy cho mình một tương lai tươi sáng.

Trưởng thành từ ngôi nhà thứ 2, Lưu Ngọc Vân giờ đã làm chủ tiệm cắt tóc có đông khách hàng Hiện trung tâm có rất nhiều học sinh thành công khi ra đời. Phan Văn Tới đã trở thành niềm tự hào của các cô, các sơ khi tự nuôi sống bản thân mình với thu nhập 4 triệu đồng/tháng. Hiện nay, Tới đang làm việc tại Công ty Gốm sứ Minh Long I. Cuối tuần, Tới về trung tâm dạy nghề cho các em nhỏ. Rồi hai người bạn Lưu Ngọc Vân và Diệu Thư (ngụ xã Cây Trường, Bến Cát) sau khi được các anh chị ở trung tâm đi trước dạy nghề cắt tóc, nay đã tự mình mở tiệm cắt tóc ở chợ Bến Cát. Với tay nghề cứng và sự chu đáo dành cho khách hàng, tiệm của Vân và Thư lúc nào cũng đông khách.

Sơ Đào cho hay có nhiều trẻ em khuyết tật đã hòa nhập với cộng đồng, tự nuôi sống bản thân, thậm chí có người mở cửa hàng, xí nghiệp riêng… Hiện nay, Công ty Yazaki ở Bình Dương có hàng chục nhân viên là người khiếm thính tay nghề cao, trong đó có Nguyễn Trường Tiền là tổ trưởng của một dây chuyền trong công ty, được cấp trên rất tín nhiệm.

Người khiếm thính cũng có những khát khao về tình yêu, về mái ấm hạnh phúc cho riêng mình. Nhiều cặp đôi đã đi đến với nhau từ mái ấm thứ hai này. Nguyễn Thành Huy và Nguyễn Thị Huyên đã có một gia đình hạnh phúc với hai đứa con. Tình yêu của họ bắt nguồn từ chính ngội nhà thứ hai này. Công việc của Huy và Huyên lúc đó là quản lý giờ giấc sinh hoạt của các em, nhưng Huy bên nam, Huyên thì bên nữ. Sau những lần gặp nhau trao đổi về công việc họ nảy sinh tình cảm lúc nào không hay. Tình yêu giữa họ đã bị cha mẹ Huyên phản đối dữ dội bởi Huyên là một cô gái bình thường, xinh đẹp. Thế nhưng xuất phát từ chính tình yêu thương chân thành, Huy đã chinh phục được cha mẹ Huyên và cả hai đã có một đám cưới trọn vẹn.

Nhiều trường hợp, trung tâm đã đứng ra lo liệu mọi bề cho đôi bạn trẻ. Anh Thông và chị Ngọt đều mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Trung tâm nuôi dạy hai người khôn lớn. Kết quả của tình yêu đẹp là một đám cưới mà họ nhà trai và nhà gái là các mẹ, các sơ ở trung tâm. Rồi niềm hạnh phúc vỡ òa khi lần lượt 3 đứa con ra đời đều bình thường. Người con trai lớn đang học Đại học Kinh tế, cô thứ hai làm cô giáo nơi đã nuôi dưỡng cha mẹ mình. Hạnh phúc của Thông và Ngọt là niềm khát khao của không chỉ người khiếm thính mà còn của nhiều người bình thường. Những đứa con của họ gọi các sơ, các cô tại trung tâm bằng tiếng gọi thân thương: bà nội, bà ngoại… Chính những tiếng gọi đó đã làm cho họ ấm lòng, là nguồn động lực lớn để các sơ, các nhân viên ở trung tâm sống hết mình, cống hiến cả cuộc đời cho những mảnh đời bất hạnh.

TÂM BÌNH

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên