Đến với lớp học tình thương của “xóm Việt kiều” không quốc tịch ở ấp Bà Phái (xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng) vào một buổi chiều muộn, chúng tôi không khỏi xúc động trước những tình cảm, những yêu thương của các cô giáo dành cho các em học sinh nơi đây. Ở lớp học đặc biệt này, các em không cùng độ tuổi nhưng có cùng hoàn cảnh: Không quốc tịch, không giấy khai sinh, tất cả đều chưa biết chữ và đang miệt mài trên con đường đi tìm con chữ cho chính bản thân mình…
Chắp cánh cho những ước mơ
Không giấy tờ tùy thân, tiền bạc, của cải, đất đai, nhà cửa; không được đến trường, nhiều người ở “xóm Việt kiều” thậm chí còn không rõ cả quê quán của mình. Từ giã cuộc sống trôi nổi nơi đất khách quê người, những “Việt kiều” từ Campuchia trở về quê hương, mang theo cả cái nghèo và sự thiệt thòi về học tập. Đời ông đã thế, đời cha đã vậy và đến đời những đứa trẻ đang lớn lên từng ngày ở cái xóm này cũng thế. Ước mơ được đi học, được biết đọc, biết viết là khao khát không chỉ của trẻ con, mà còn là của người lớn ở đây vì được đến trường học con chữ là một điều quá xa vời.
Cô Lê Thị Tô Điểm trong buổi dạy ở lớp học tình thương “xóm Việt kiều”.
Ảnh: H.PHƯƠNG
Nhận thấy hoàn cảnh khó khăn của các hộ “Việt kiều” này, từ nhiều năm nay, cô Lê Thị Tô Điểm, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Bà Phái đã đứng ra mở lớp học tình thương để xóa mù chữ cho các em. Đây cũng chính là nơi chắp cánh ước mơ được đến trường cho những đứa trẻ nơi đây. Năm 2009, cô bắt đầu nhận dạy một số bé trong xóm. Lớp học với những chiếc bàn ghế tạm bợ nhưng cô luôn tận tâm, tận lực, khắc phục khó khăn trong giảng dạy, tất cả vì học sinh thân yêu và hiện đang làm mẹ, làm cô 18 em học sinh. Lớp học được duy trì từ 13 giờ đến 16 giờ chiều vào các ngày thứ 2, 4, 6 trong tuần. Sau nhiều năm dạy cho các cháu trong chính ngôi nhà của mình, do số lượng học sinh ngày càng đông nên không còn đủ chỗ cho các cháu tiếp tục học, năm 2015, cô Điểm vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ đóng góp tiền xây dựng thêm được 2 lớp học.
Tham gia vào lớp học, các em không chỉ được cô trực tiếp dạy học hoàn toàn miễn phí, mà còn được miễn phí tất cả mọi thứ từ đồng phục đến sách vở và đồ dùng học tập. Sau mỗi giờ học, các em còn được cùng nhau chơi những trò chơi tập thể, những đồ chơi lắp ghép… Những thứ ấy, trong cuộc sống hàng ngày các em khó có thể có được. Cô Điểm cho biết: “Do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, các em hàng ngày phải phụ giúp gia đình bán vé số, làm thuê nên có một số em đi học thất thường. Hiện tại, lớp có 18 em theo học chương trình từ lớp 1 đến lớp 3. Đến nay, hầu hết các em đã biết đọc, biết viết”.
Đến với lớp học tình thương của “xóm Việt kiều” không quốc tịch vào một buổi chiều muộn, một lớp học có lẽ là đặc biệt nhất, chúng tôi nhận thấy lớp học tập trung đủ mọi lứa tuổi, có trường hợp nhà có bốn anh chị em cùng học chung một lớp. Những nét chữ còn chưa thẳng hàng, những tiếng ghép vần còn chậm nhưng đổi lại đó là nụ cười trên môi các bậc làm cha, làm mẹ bởi hơn ai hết đây chính là niềm vui, niềm mong mỏi mà các bậc phụ huynh “xóm Việt kiều” hằng mong ước. Đang nắn nót viết từng chữ cái, em Phạm Thị Hạnh hồn nhiên, kể: “Em chỉ mong đến buổi chiều để được đến lớp học với các bạn, các em. Em chỉ ước làm sao cho mình biết đọc, biết viết thành thạo để có thể đọc thêm nhiều sách, có thể viết được tên của em và những người thân trong gia đình”.
Không chỉ là nơi chắp cánh ước mơ cho các em, lớp học còn trở thành điểm tựa cho chính những hộ gia đình “xóm Việt kiều” này. Để khích lệ tinh thần học tập của các em, cô Điểm luôn ân cần động viên, hỏi thăm các em; vận động các nhà hảo tâm tặng cho các em và gia đình những phần quà ý nghĩa trong dịp lễ tết, trong dịp khai trường. Đó là sách vở, những gói mì tôm, những cân gạo, những thứ thực sự cần thiết trong cuộc sống hàng ngày đối với những hộ gia đình này. Bà Mai Thị Liên, một phụ huynh học sinh của lớp học tâm sự: “Vì hoàn cảnh gia đình mà con cháu chúng tôi phải chịu thiệt thòi so với bạn bè đồng trang lứa. Đời ông, đời cha đã mù chữ giờ đến đời con cũng có nguy cơ mù chữ. May mà có lớp học của cô Điểm cho con cháu chúng tôi đến học, thỏa cái mong ước bao đời của chúng tôi”. Nhìn thấy ánh mắt rạng ngời, nụ cười giòn giã, những lúc cúi đầu chào đầy lễ phép của các em khi thấy có người vào thăm lớp học mà chúng tôi cảm thấy ấm lòng. Đây không chỉ là lớp học đơn thuần, mà đó là cả một gia đình đầy tình yêu thương.
Vì học sinh thân yêu
Không phải là một người theo con đường nhà giáo, cũng không được đào tạo bài bản qua nghiệp vụ sư phạm nhưng bao năm qua, cô Lê Thị Tô Điểm đã trở thành một cô giáo thực thụ, gieo những con chữ, con số, những phép tính những đứa trẻ ở “xóm Việt kiều” này. Ngày ngày cô tận tụy gieo mầm xanh tri thức ở lớp học tình thương do chính mình mở ra. Năm 1994, cô tham gia vào công tác phụ nữ ấp Bà Phái, cũng nhờ làm công việc này mà cô có cơ hội hiểu sâu hơn về cuộc sống của những mảnh đời bất hạnh được mọi người gắn cho cái mác “Việt kiều”! Khi lớp học tình thương được mở, cô Điểm mong muốn, với những kiến thức từ lớp học, các em có thể vững vàng hơn trong tương lai.
Những ánh mắt háo hức khi được học những con chữ của những em học sinh tại lớp học tình thương ở xóm “Việt kiều”. Ảnh: H.PHƯƠNG
Từ ngày xây mới được hai lớp học, cô Điểm đã phải nhờ chị gái, một giáo viên đã nghỉ hưu đến phụ cô dạy cho các em. Thấu hiểu tình cảnh khốn khó của học trò nghèo, ngay từ lúc đầu, cô đã vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ để sắm từng cuốn tập, cây bút cho học trò. Sau nhiều năm miệt mài dạy học với tình yêu thương vô bờ bến, cô đã giúp cho các em biết đọc, biết viết. Lớp học bây giờ lúc nào cũng ê a tiếng học sinh tập đọc, tập tính. Cô Điểm không chỉ dạy văn hóa đơn thuần, mà còn dạy các em cách giao tiếp, ứng xử trong cuộc sống, dạy các em cách đối nhân xử thế, cách làm người. Ngoài giờ học, cô Điểm còn đến thăm nhà của các học trò, tìm hiểu cặn kẽ hơn hoàn cảnh của từng em. Bởi có hiểu được hoàn cảnh của các em, cô mới nắm bắt được tâm tư, từ đó có phương pháp dạy cho các em có hiệu quả hơn. Bù đắp lại những khó khăn, cô nhận được sự tin tưởng ủng hộ của mọi người, được các em học sinh quý mến.
Cô Điểm tâm sự: “Do hoàn cảnh gia đình nên đôi lúc học sinh không theo học đầy đủ. Có những trường hợp đang theo học nhưng đến mùa hái điều, các em lại theo gia đình lên Bình Phước để kiếm sống. Lúc đó, các em lại xin nghỉ vài tháng, đến lúc hết mùa điều lại quay về học. Với tôi được dạy các em là một niềm vui, không mong được đền đáp. Tôi chỉ mong sao giúp các em có được một chút ít hành trang để bước vào đời, giảm bớt những thiệt thòi trong cuộc sống của các em, giúp các em có thể tự lập để bớt đi gánh nặng cho gia đình. Tôi luôn lấy đó làm động lực để tiếp tục mang con chữ đến với các em…”.
HỒNG PHƯƠNG