Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ đã công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) năm 2018. Theo đó, kết quả chi tiết SIPAS 2018 tỉnh Bình Dương đánh giá hài lòng đạt 85,03%, bình thường 14,2% và không hài lòng 0,77%, xếp thứ 23/63 tỉnh, thành. So với năm 2017, kết quả SIPAS năm 2018 của Bình Dương tăng 5,45%, tăng 9 bậc xếp hạng.
Để nâng cao Chỉ số hài lòng của cá nhân, tổ chức trong giải quyết TTHC, cán bộ từ cơ sở cần phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của mình, tận tâm phục vụ người dân. Trong ảnh: Cán bộ “một cửa” UBND phường Phú Thọ, TP.Thủ Dầu Một (bên trái) tận tình hướng dẫn người dân cách điền biểu mẫu, thực hiện TTHC
Cao hơn trung bình cả nước
Theo mục tiêu kế hoạch CCHC của Chính phủ đến năm 2020, SIPAS các tỉnh, thành phải đạt từ 80% hài lòng trở lên. Trong kế hoạch CCHC của tỉnh Bình Dương cũng đặt mục tiêu từ 80% hài lòng trở lên vào năm 2020. So với mục tiêu chung này, SIPAS 2018 của Bình Dương đạt mục tiêu, tạo khích lệ, động lực cho cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh tiếp tục phục vụ tận tâm, tận tình cá nhân, tổ chức trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC).
Với kết quả công bố, SIPAS 2018 tỉnh Bình Dương có kết quả cao hơn SIPAS 2018 của cả nước 2,04% (SIPAS 2018 của cả nước đạt 82,99%). Trong nhóm các tỉnh miền Đông Nam bộ, Bình Dương xếp hạng 2/8 tỉnh, thành phố, sau Đồng Nai (87,48%). Trong nhóm các đơn vị hành chính cấp tỉnh loại II, Bình Dương xếp hạng 12/38 tỉnh, thành phố. Kết quả hài lòng các yếu tố thành phần đánh giá của tỉnh Bình Dương năm 2018 đều tăng so với năm 2 017.
Về yếu tố về tiếp cận dịch vụ, Bình Dương đạt 82,11%, xếp hạng 30/63 tỉnh, thành phố, tăng 4,71% so với năm 2017 (năm 2017 đạt 77,4%). Yếu tố TTHC đạt 82,47%, xếp hạng 48/63 tỉnh, thành phố, tăng 1,55% so với năm 2017 (năm 2017 đạt 80,92%. Yếu tố công chức đạt 86,82%, xếp hạng 26/63 tỉnh, thành phố, tăng 8,53% so với năm 2017 (năm 2017 đạt 78,29%). Yếu tố kết quả giải quyết TTHC đạt 88,21%, xếp hạng 33/63 tỉnh, thành phố, tăng 6,44% so với năm 2017 (năm 2017 đạt 81,77%). Yếu tố tiếp nhận, xử lý góp ý phản ảnh kiến nghị, đạt 86,09%, xếp hạng 7/30 tỉnh, thành phố, tăng 5,73% so với năm 2017 (năm 2017 đạt 80,36%).
Kết quả giải quyết TTHC được đánh giá cao
Trong 5 yếu tố thành phần, yếu tố kết quả giải quyết TTHC đạt kết quả cao nhất (88,21%), yếu tố tiếp cận dịch vụ có kết quả thấp nhất (82,11%). So với năm 2017, yếu tố công chức tăng nhiều nhất, tăng 8,53% (năm 2018 đạt 86,82%, năm 2017 đạt 78,29%). Yếu tố về TTHC tăng ít nhất, tăng 1,55% (năm 2018 đạt 82,47%, năm 2017 đạt 80,92%). Trong 22 tiêu chí thành phần, tiêu chí thành phần có kết quả hài lòng cao nhất là tiêu chí kết quả có thông tin chính xác đạt 88,70%, tiêu chí thành phần có kết quả hài lòng thấp nhất là tiêu chí trang thiết bị phục vụ người dân, tổ chức hiện đại đạt 77,20%.
Ngoài những kết quả theo yếu tố đánh giá sự hài lòng, còn có nhóm câu hỏi đánh giá hoạt động khác cần được quan tâm. Cụ thể một số tiêu chí có kết quả đáng lưu ý như sau: Số lần đi lại để giải quyết công việc của tổ chức, cá nhân, từ 1 - 2 lần chiếm 79,71%, từ 3 - 7 lần chiếm 17,57%, trên 7 lần chiếm 2,72%. Với kết quả này, so với năm 2017, số lần đi lại trên 7 lần đã giảm mạnh (năm 2017 chiếm 5,4%), số lần đi lại từ 1 - 2 lần tăng (năm 2017 chiếm 60%).
Công chức gây phiền hà, sách nhiễu chiếm 1,26%, so với năm 2017, tỷ lệ này đã giảm (năm 2017 chiếm 3,3%). Công chức nộp tiền ngoài phí/lệ phí chiếm 0, 63%, so với năm 2017, tỷ lệ này đã giảm (năm 2017 chiếm 0,8%). Trả kết quả trễ hẹn chiếm 5,02%, đúng hẹn chiếm 94,56%, sớm hẹn chiếm 0,42%. So với năm 2017, tỷ lệ kết quả trễ hẹn đã giảm (năm 2017, kết quả trễ hẹn chiếm 6,3%). Cơ quan có thông báo trễ hẹn chiếm 33,33%, có xin lỗi vì trễ hẹn chiếm 37,5%. So với năm 2017 thì việc thông báo trễ hẹn và có xin lỗi khi trễ hẹn đều có tỷ lệ tăng, lần lượt là tăng 13,03% và 17,5%.
Những lưu ý cần quan tâm
Năm 2018, Bình Dương cơ bản đã đạt được kết quả hài lòng về sự phục vụ hành chính đạt mức trên 80% theo định hướng của Chính phủ. Cán bộ, công chức, viên chức, cơ quan, địa phương đã có sự quan tâm về các nhiệm vụ cần triển khai, thực hiện từ đó đã thể hiện được kết quả đến người dân, tổ chức. Sự phối hợp của Bưu điện tỉnh trong quá trình thực hiện điều tra đạt chất lượng thực chất, khách quan, nghiêm túc tuân thủ các nguyên tắc trong thực hiện điều tra theo quy định; sự phối hợp của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh trong việc chọn mẫu, theo dõi, giám sát trong quá trình điều tra và thực hiện chế độ thông tin, báo cáo kết quả giám sát kịp thời, bảo đảm tiến độ thực hiện nhiệm vụ chung.
Ông Trương Công Huy, Giám đốc Trung tâm Hành chính công kiến nghị, để việc điều tra giám sát đạt kết quả thực chất, khách quan thì phải bảo đảm điều tra đúng đối tượng đã trực tiếp thực hiện và chịu tác động trong quá trình nộp và nhận kết quả thực hiện dịch vụ công. Tuy nhiên do quá trình tiếp nhận, lưu trữ thông tin của cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận và trả kết quả chưa được lưu trữ đầy đủ. Do vậy khó khăn trong việc chọn mẫu và liên hệ điều tra. Hiện nay, tỉnh đã có quy định thống nhất về việc lập lưu trữ hồ sơ, tuy nhiên việc lập, lưu trữ thông tin hồ sơ người thực hiện TTHC vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc, còn một số cơ quan, đơn vị chưa nhận thấy sự quan trọng trong quản lý, tổng hợp, phân tích đánh giá kết quả thu thập được.
Ông Trương Công Huy cho rằng, trong các yếu tố đo lường, yếu tố tiếp cận dịch vụ đánh giá về cơ sở vật chất người dân, tổ chức đánh giá còn hạn chế, đặc biệt là tiêu chí trang thiết bị phục vụ người dân, tổ chức hiện đại có kết quả hài lòng chưa đạt mục tiêu trên 80% từ năm 2017 đến nay. Do vậy, các địa phương, nhất là ở cấp xã cần chú trọng theo dõi, tham mưu lãnh đạo, cơ quan có thẩm quyền đánh giá tình hình sử dụng thực tế để bố trí trang thiết bị, cơ sở vật chất phù hợp. Khi trang bị, bổ sung những trang thiết bị mới, cần có hướng dẫn sử dụng hoặc bố trí nhân sự hỗ trợ để hướng dẫn người dân, tổ chức sử dụng thuận tiện.
Kết quả hài lòng của nhóm yếu tố về TTHC là yếu tố có kết quả thấp thứ 2 trong 5 nhóm yếu tố đánh giá. Vì vậy, trong thời gian tới, cần tăng cường công khai, minh bạch, cập nhật thông tin kịp thời về TTHC để cá nhân, tổ chức thực hiện, ứng dụng công nghệ thông tin trong tìm hiểu thông tin TTHC, tra cứu thông tin hồ sơ, đặc biệt quan tâm đến những TTHC phổ biến, đơn giản, hồ sơ phát sinh nhiều để đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến phù hợp định hướng Chính phủ điện tử và thành phố thông minh Bình Dương. Những vấn đề về hướng dẫn hồ sơ, trả kết quả trễ hẹn không thông báo, không xin lỗi, cán bộ, công chức gây phiền hà khi tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả cần được sự quan tâm từ lãnh đạo cơ quan, địa phương và ý thức trách nhiệm của mỗi cán bộ công chức thực hiện nhiệm vụ.
Thời gian tới, các cơ quan, đơn vị cần lưu ý thực hiện công tác tuyên truyền sâu rộng đến cá nhân, tổ chức để mỗi cá nhân có thể nhận thức rõ hơn về mục đích, ý nghĩa, cách làm về cải cách TTHC để cùng chung tay, phối hợp với cơ quan hành chính thực hiện nhiệm vụ CCHC. Cán bộ, công chức, nhân sự hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ tại các cơ quan, đơn vị tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả phải chủ động trong công tác hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ, tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả khi người dân, tổ chức đến cơ quan hành chính Nhà nước các cấp thực hiện TTHC, tạo sự thân thiện và trách nhiệm của cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ.
HỒ VĂN