Người dân nhận lương thực cứu trợ tại Jonglei, Nam Sudan. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày 9/6 cảnh báo hàng trăm triệu người trên thế giới có thể đối mặt với "tình trạng khẩn cấp toàn cầu về lương thực" khi đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đe dọa chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu.
Theo báo cáo của Liên hợp quốc, hơn 820 triệu người đang ở trong tình trạng thiếu ăn, trong khi khoảng 144 triệu trẻ em dưới 5 tuổi, tương đương hơn 1/5 số trẻ em toàn cầu, mắc chứng còi cọc.
Tổng thư ký Guterres dự báo năm nay, sẽ có thêm khoảng 49 triệu người rơi vào cảnh nghèo đói cùng cực do khủng hoảng COVID-19. Ông cảnh báo nếu thế giới không hành động ngay lập tức, tình trạng khẩn cấp về lương thực toàn cầu có thể gây ra những hệ lụy lâu dài cho hàng trăm triệu người, bao gồm trẻ em.
Tổng thư ký Guterres kêu gọi bảo vệ tốt hơn cho các lao động trong ngành lương thực và những người làm công tác cứu trợ nhân đạo, cũng như hỗ trợ các nhà sản xuất và phân phối thực phẩm nhằm tránh gián đoạn dây chuyền cung ứng sản phẩm.
Tổng thư ký Liên hợp quốc cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các chương trình dinh dưỡng, bao gồm việc viện trợ cho những trẻ em không được tiếp cận với bữa ăn học đường.
Theo người đứng đầu Liên hợp quốc, hoàn toàn có thể phát triển những thực phẩm dinh dưỡng và lành mạnh nhằm giúp xóa bỏ nạn đói trên thế giới.
Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc (WFP) gần đây cảnh báo dịch COVID-19 có thể làm tăng gần gấp đôi số người bị mất an ninh lương thực khẩn cấp từ 135 triệu người năm 2019 lên tới 265 triệu người vào cuối năm 2020.
Theo WFP, tình trạng mất an ninh lương thực khẩn cấp là tình trạng thiếu lương thực khiến cuộc sống hoặc sinh kế của một người gặp nguy hiểm ngay lập tức. Điều này nghiêm trọng hơn tình trạng thiếu ăn trong nhiều năm - khái niệm định nghĩa việc một người không thể tiêu thụ đủ thực phẩm để duy trì cách sống năng động, bình thường./.
Theo TTXVN