Trả lời pháp luật
Cập nhật: 24-06-2013 | 00:00:00
Hỏi: Theo bản ản phúc
thẩm năm 2010 của TAND tỉnh Bình Dương thì bà Nguyễn Thị T. phải trả cho tôi một
số tiền. Tuy nhiên, từ đó đến nay, tôi đã nhiều lần yêu cầu cơ quan thi hành án
tổ chức thi hành bản án này nhưng không được giải quyết và bị trả lại đơn yêu cầu
thi hành án với lý do: Bà T. không có tài sản, không có điều kiện thi hành án.
Xin hỏi: Thời hiệu yêu cầu thi hành án là bao lâu? Tôi phải làm sao để được thi
hành bản án có hiệu lực từ năm 2010, buộc bà T. phải trả tiền cho tôi? BÀ BÙI XUÂN T. (Huyện Dầu Tiếng) Trả lời: Khoản 1 Điều 30 Luật Thi hành án dân sự quy định:
“Trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người
được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án
dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án…”. Điều 51 Luật Thi hành án dân sự quy định về việc trả đơn yêu
cầu thi hành án: 1. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định trả lại
đơn yêu cầu thi hành án trong các trường hợp sau đây: a) Người phải thi hành án không có tài sản để thi hành án hoặc
có tài sản nhưng giá trị tài sản chỉ đủ để thanh toán chi phí cưỡng chế thi
hành án hoặc tài sản đó theo quy định của pháp luật không được xử lý để thi
hành án; b) Người phải thi hành án không có thu nhập hoặc mức thu nhập
thấp, chỉ bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho người phải thi hành án và gia đình; c) Tài sản kê biên không bán được mà người được thi hành án
không nhận để thi hành án; d) Người phải thi hành án phải thi hành nghĩa vụ về trả vật
đặc định nhưng vật phải trả không còn hoặc hư hỏng đến mức không thể sử dụng được
mà đương sự không có thỏa thuận khác. 2. Khi người phải thi hành án có điều kiện thi hành thì người
được thi hành án có quyền yêu cầu thi hành bản án, quyết định trong thời hạn
quy định tại khoản 1 Điều 30 của luật này, kể từ ngày phát hiện người phải thi
hành án có điều kiện thi hành. Căn cứ vào các quy định trên thì trường hợp của bà vẫn trong
thời hạn yêu cầu thi hành án và khi bà phát hiện bà T. có tài sản, đủ điều kiện
trả nợ thì bà có quyền yêu cầu thi hành bản án phúc thẩm năm 2010, buộc bà T.
phải trả tiền cho bà. Hỏi: Tôi tham gia công tác 27 năm trong đơn vị hành chính sự
nghiệp và tham gia đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) được 22 năm. Năm nay tôi 58 tuổi.
Tôi đã thỏa thuận với cơ quan nơi tôi làm việc về vấn đề tôi xin nghỉ việc và
được thủ trưởng cơ quan đồng ý. Vậy trường hợp của tôi đã đủ điều kiện hưởng chế
độ lương hưu hàng tháng không? ÔNG DƯƠNG THÀNH C. (Huyện Bến Cát) Trả lời: Khoản 1 Điều 50 Luật BHXH quy định: Người lao động
tham gia BHXH bắt buộc là công dân Việt Nam làm việc theo hợp đồng lao động
không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên;
cán bộ, công chức, viên chức; công nhân quốc phòng, công nhân công an; người
làm việc có thời hạn ở nước ngoài mà trước đó đã đóng BHXH bắt buộc có đủ 20
năm đóng BHXH trở lên được hưởng lương hưu khi thuộc một trong các trường hợp
sau đây: - Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi; - Nam từ đủ 55 tuổi đến đủ 60 tuổi, nữ từ đủ 50 tuổi đến đủ
55 tuổi và có đủ 15 làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc
danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ
15 làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên. Tuổi đời được hưởng
lương hưu trong một số trường hợp đặc biệt khác do Chính phủ quy định. Căn cứ vào điều kiện hưởng lương hưu được quy định tải khoản
1 Điều 50 Luật BHXH thì ông không thuộc trường hợp được hưởng lương hưu vì hiện
tại ông mới 58 tuổi. Tuy nhiên, tại Điều 57 Luật BHXH quy định: Người lao động
khi nghỉ việc mà chưa đủ điều kiện để hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 50
của Luật BHXH này thì được bảo lưu thời gian đóng BHXH. Do đó, ông nên liên hệ với cơ quan BHXH để làm thủ tục bảo
lưu thời gian đóng BHXH và khi ông đủ 60 tuổi thì làm thủ tục hưởng lương hưu
nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của ông được tốt hơn. SỞ TƯ PHÁP BÌNH DƯƠNG