Không phép vẫn lắm chiêu
Trong vai phụ huynh tìm chỗ luyện thi cho thí sinh, chúng tôi rảo quanh các quận, huyện từ nội thành đến ngoại thành và thật bất ngờ khi chứng kiến hàng loạt trung tâm không phép vẫn ngang nhiên giăng băng rôn quảng cáo, chiêu dụ thí sinh luyện thi.
Thí sinh luyện thi môn tiếng Anh tại một trung tâm luyện thi không phép trên đường Lê Trọng Tấn, quận Tân Phú.
Trưa 10-6, chúng tôi lần theo địa chỉ trên website, tờ rơi tìm đến địa chỉ 504/51/14 nằm sâu trong con hẻm đường Kinh Dương Vương, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân. Đây là ngôi nhà ọp ẹp và để bảng “Thầy Hải dạy hóa”. Tiếp chúng tôi, một thầy tự xưng tên Lý Thanh Hải (giảng viên Trường ĐH Hùng Vương) thao thao bất tuyệt: “Các thầy dạy ở đây là ở Trường THPT Nguyễn Khuyến, Trung tâm luyện thi Vĩnh Viễn, Trường ĐH Ngoại thương. Học ở đây từ sáng tới tối và theo hình thức một thầy kèm một trò”. Khi chúng tôi đặt vấn đề về học phí, thầy Hải thẳng thắn: “Học phí lớp thường (lớp đảm bảo đậu) là 6 triệu đồng/tháng/thí sinh. Còn lớp VIP (lớp bao đậu) là 25 triệu đồng/từ 3 - 9 tháng/thí sinh, nếu không đậu trả lại 70% học phí”. Cũng theo lời thầy Hải, hiện đã có 12 em đang học được một tuần ở lớp đảm bảo đậu.Tại quận Gò Vấp, Trung tâm luyện thi đại học Thầy Đồ cũng treo băng rôn, bảng hiệu giới thiệu trên các tuyến đường Cây Trâm, Lê Đức Thọ. Sau một hồi tìm kiếm ngoằn ngoèo trong hẻm, chúng tôi đến trung tâm tại số 152/2/24 đường số 10, tổ 59, phường 9 quận Gò Vấp. Vừa vào trung tâm, chúng tôi thấy choáng ngợp với tấm bảng quảng cáo in hàng loạt tên tuổi giảng viên có học vị phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ của ĐH Quốc gia TPHCM, Học viện Bưu chính viễn thông, ĐH Sư phạm TPHCM tham gia giảng dạy. Tuy nhiên, chúng tôi khá bất ngờ khi mức học phí mà trung tâm này đưa ra là 3,7 triệu đồng/thí sinh/tháng (từ ngày 4-6 đến ngày 2-7). Với mức học phí này, trung tâm đã thu hút hơn 50 thí sinh đăng ký luyện thi.
Trong khi đó, dù hoạt động “chui” nhưng Trung tâm luyện thi đại học Lý Thái Tổ, Trung tâm luyện thi Đào Duy Từ, Trung tâm luyện thi Âu Lạc, Trung tâm luyện thi Quốc Trí (quận 6), Trung tâm luyện thi Chu Văn An (quận 6)… cũng hô hào tự xưng là trung tâm luyện thi chất lượng cao, đảm bảo đậu với mức học phí từ 3 - 6 triệu đồng/thí sinh/tháng và thu hút từ vài chục đến cả trăm thí sinh theo học.
Ngoài ra, tại khu vực quận 10, quận Tân Phú, quận 12, quận Thủ Đức cũng có hàng loạt trung tâm luyện thi không phép chiêu dụ thí sinh đăng ký luyện thi với giá trên trời.
Quản không xuể
Theo thống kê từ Phòng Giáo dục thường xuyên Sở GD-ĐT TPHCM, đến thời điểm này toàn TP có khoảng 272 cơ sở bồi dưỡng văn hóa (luyện thi đại học) được cấp phép hoạt động. Dường như đơn vị này không thể quản lý các trung tâm luyện thi ngoài luồng và cũng không có bất cứ số liệu thống kê nào. Người học phải đối diện nguy cơ “tiền thật học giả” khi lỡ vào những trung tâm luyện thi dỏm.
Thực tế cho thấy, thời điểm các trung tâm luyện thi không phép ra sức tung hoành là sau khi thi tốt nghiệp THPT. Đây là thời điểm các phòng ban Sở GD-ĐT tập trung cho công tác chấm thi nên không quản xuể những trung tâm không phép hoạt động theo hình thức “đánh nhanh rút gọn”. Đáng nói hơn là hàng loạt các trung tâm luyện thi như đã nêu ở trên hoạt động kéo dài dù chưa được đơn vị quản lý cấp phép.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề trên, ông Phạm Anh Ba, Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên Sở GD-ĐT TPHCM, cho rằng: “Chúng tôi chỉ cấp phép cho các trung tâm hoạt động chứ không có đánh giá trung tâm này chất lượng, trung tâm kia chất lượng cao. Các trung tâm “chất lượng cao”, “đảm bảo đậu 100%” là do họ tự thổi phồng để thu hút sự quan tâm của thí sinh”. Về vấn đề các trung tâm luyện thi không phép, ông Phạm Anh Ba cho biết: “Những trung tâm nào hoạt động không phép, chúng tôi sẽ xử phạt hành chính, buộc ngưng hoạt động, hoàn lại học phí cho người học theo đúng Nghị định 49 về xử lý vi phạm trong lĩnh vực giáo dục”.
Cũng theo ông Phạm Anh Ba, cuối tháng 4 và đầu tháng 5-2013, sở đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra, rà soát chấn chỉnh các cơ sở bồi dưỡng văn hóa. Sở cũng giao cho các phòng giáo dục quận, huyện tiến hành kiểm tra và báo cáo nhưng dường như các đơn vị cơ sở chưa bao quát hết.
Theo ông Phạm Anh Ba, Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên Sở GD-ĐT TPHCM, đoàn đã lập biên bản vi phạm hành chính 10 trung tâm không phép, yêu cầu ngưng hoạt động và hoàn trả học phí cho người học. Ngoài những đơn vị đã kiểm tra, nếu Báo SGGP cung cấp danh sách những trung tâm không phép đang hoạt động, sở sẽ tiến hành kiểm tra và xử phạt ngay.
Theo SGGP