Trích ngân sách tỉnh hỗ trợ thêm cho người có công

Cập nhật: 24-08-2018 | 07:57:57

Kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh khóa IX vừa thông qua Nghị quyết số 08/2018/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ một số đối tượng người có công (NCC) trên địa bàn tỉnh. Theo đó, ngoài mức trợ cấp, phụ cấp hiện hưởng theo quy định của Chính phủ, một số đối tượng NCC sẽ được nhận mức hỗ trợ thêm hàng tháng 15%, 30% từ ngân sách tỉnh. Đây là việc làm đột phá của tỉnh Bình Dương trong việc chăm lo đối tượng chính sách, NCC trong tỉnh.

Một số đối tượng được hỗ trợ thêm

Theo Nghị quyết số 08/2018/ NQ-HĐND sẽ có 3 nhóm đối tượng được hỗ trợ thêm, trong đó 2 nhóm (đối tượng 1 và đối tượng 2) được hỗ trợ thêm hàng tháng 0,15 lần (15%) mức trợ cấp, phụ cấp hiện hưởng (theo quy định của Chính phủ); nhóm đối tượng 3 được hỗ trợ thêm hàng tháng 0,3 lần (30%) mức chuẩn hiện hành (theo quy định của Chính phủ).

 Ông Đặng Minh Hưng (thứ 2, từ trái sang), Phó Chủ tịch UBND tỉnh tặng quà cho đối tượng chính sách đang điều trị tại bệnh viện. Ảnh: THIÊN LÝ   

Bà Nguyễn Minh Thủy (bìa trái), Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy cùng ông Trần Thanh Liêm (bìa phải), Phó Chủ tịch UBND tỉnh thăm, tặng quà gia đình chính sách tại huyện Bàu Bàng

Nhóm đối tượng 1, NCC đang hưởng trợ cấp, phụ cấp hàng tháng gồm: Người hoạt động cách mạng trước ngày 1-1-1945; người hoạt động cách mạng từ ngày 1-1-1945 đến ngày Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945; Bà mẹ VNAH; Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động trong kháng chiến; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; bệnh binh; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; NCC giúp đỡ cách mạng. Nhóm đối tượng 1 còn có người hoạt động kháng chiến đang hưởng theo Quyết định số 142/2008/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chế độ đối với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước có dưới 20 năm công tác trong quân đội đã phục viên, xuất ngũ về địa phương, Quyết định số 38/2010/QĐ-TTg về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 53/2010/QĐ-TTg quy định về chế độ đối với cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân tham gia kháng chiến chống Mỹ có dưới 20 năm công tác trong Công an nhân dân đã thôi việc, xuất ngũ về địa phương; Quyết định số 62/2011-TTg về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30-4- 1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc.

Nhóm đối tượng 2, thân nhân của NCC với cách mạng đang hưởng trợ cấp, bao gồm: Người đang hưởng tuất liệt sĩ; người đang hưởng tuất từ trần; người đang hưởng trợ cấp người phục vụ mẹ VNAH, thương binh, bệnh binh, người nhiễm chất độc hóa học; con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.

Nhóm đối tượng 3, người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế (là người tham gia kháng chiến trong khoảng thời gian từ ngày 19-8-1945 đến ngày 30-4-1975 đã được Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến hoặc Huân chương Chiến thắng, Huy chương Kháng chiến hoặc Huy chương Chiến thắng) hưởng trợ cấp 1 lần ngoài ra không hưởng chế độ nào khác; người hoạt động kháng chiến đang hưởng lương hưu trước năm 1990.

Ngoài ra, theo Nghị quyết số 08/2018/NQ-HĐND còn hỗ trợ chi phí chênh lệch giá cho NCC và thân nhân đi làm dụng cụ chỉnh hình, phương tiện trợ giúp (giữa giá theo quy định của Trung ương và giá thực tế tại Trung tâm Chỉnh hình và phục hồi chức năng TP.Hồ Chí Minh) cho người sử dụng sản phẩm/nhóm sản phẩm với mức trợ cấp 1 lần sử dụng theo niên hạn trong 1 năm, 3 năm, 4 năm, 5 năm.

Góp phần nâng cao mức sống cho NCC

Theo ông Trịnh Đức Tài, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh, ưu đãi NCC với cách mạng là một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta, đó là sự đãi ngộ đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với NCC, là trách nhiệm và là sự ghi nhận, tôn vinh những cống hiến của họ đối với đất nước. Thời gian qua, với sự quan tâm của các cấp ủy Đảng cùng với sự chung tay của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp đã thực hiện tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm lo cho các đối tượng chính sách, nâng dần chất lượng cuộc sống và giảm bớt phần nào khó khăn đối với NCC trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, trên thực tế nhu cầu đời sống của một bộ phận NCC và thân nhân của họ vẫn còn nhiều khó khăn nhưng chưa được hỗ trợ thường xuyên, lâu dài. Theo quy định tại Khoản 1, Điều 3 Pháp lệnh số 26/2005/ PL-UBTVQH11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về ưu đãi NCC với cách mạng, trong đó có quy định: “Các chế độ ưu đãi NCC với cách mạng và thân nhân của họ được điều chỉnh phù hợp với điều kiện kinh tế -xã hội của đất nước trong từng thời kỳ”. Theo đó, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đã thẩm tra dự thảo nghị quyết và trình HĐND tỉnh thông qua, ban hành nghị quyết là cần thiết.

Nghe thông tin được tăng mức hỗ trợ, các đối tượng chính sách, NCC trong tỉnh vui mừng trước sự quan tâm của chính quyền địa phương dành cho mình. Từ đó, họ cảm thấy ấm lòng hơn trước sự hy sinh của người thân, của chính bản thân mình cho cách mạng, cho hòa bình độc lập. Mẹ VNAH Nguyễn Thị Rực, cư ngụ tại phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một bộc bạch, trải qua những năm tháng kháng chiến đến thời bình, mẹ luôn tự hào khi được sinh ra, lớn lên trên mảnh đất Bình Dương thân yêu. Mẹ cũng rất vui khi được thế hệ trẻ, lãnh đạo các cấp quan tâm thường xuyên đến thăm, tặng quà những dịp lễ, tết. Hàng tháng, mẹ còn được nhận tiền trợ cấp. Nay có thêm tiền trợ cấp hàng tháng, các con mẹ sẽ có thêm điều kiện chăm sóc mẹ tốt hơn.

Còn đối với anh Nguyễn Văn Hương, thương binh 2/4, tại xã Lạc An, huyện Bắc Tân Uyên thì: Hiện nay, mỗi tháng anh nhận được 3.029.000 đồng từ tiền trợ cấp. Nay nghe thông tin được tỉnh hỗ trợ thêm 15%, anh có thêm tiền lo cho các con ăn học, lo cho cuộc sống mình tốt hơn. “Tôi cảm ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, địa phương luôn chăm lo chu đáo đến đối tượng gia đình chính sách, người có công... Trước sự quan tâm đó, chúng tôi sẽ tích cực tham gia giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ; giáo dục con cháu thành những người công dân có ích, tiếp nối truyền thống gia đình luôn bảo vệ, xây dựng quê hương, đất nước”, anh Hương nói.

Không chỉ NCC vui mừng trước sự quan tâm của tỉnh dành cho mình mà những người làm công tác chăm lo cho đối tượng chính sách, NCC cấp huyện, tỉnh cũng chờ đợi. Bà Nguyễn Ngọc Hằng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ- TB&XH), cho biết hiện nay có 99,97% gia đình chính sách có mức sống trung bình bằng hoặc cao hơn mức sống người dân nơi cư trú. Để đạt được kết quả như vậy, tỉnh đã quan tâm, hỗ trợ NCC bằng việc xây tặng nhà, thăm tặng quà, tặng sổ tiết kiệm, tạo điều kiện cho vay vốn sản xuất… nay có thêm chính sách hỗ trợ, đó là niềm vui cho những người làm công tác chăm lo đối tượng chính sách, cũng như các đối tượng được thụ hưởng. Từ sự hỗ trợ đó, họ có thêm điều kiện sống tốt hơn nữa để tiếp tục phát huy gương sáng, là tấm gương để thế hệ trẻ noi theo học tập, lao động xây dựng quê hương, đất nước.

Đối với cán bộ phòng LĐ- TB&XH cấp huyện, thị, thành phố khi biết được Nghị quyết số 08/2018/NQ-HĐND được HĐND tỉnh thông qua, họ chờ đợi để triển khai đến đối tượng. Theo đó, khi được Sở LĐ-TB&XH hướng dẫn, cán bộ phòng LĐ-TB&XH sẽ tích cực triển khai xuống cán bộ lao động - thương binh cấp xã, phường, thị trấn, bảo đảm tất cả các đối tượng được thụ hưởng đầy đủ, kịp thời.

Nghị quyết số 08/2018/NQ-HĐND có hiệu lực ngày 1-1- 2019. HĐND tỉnh đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo ngành LĐ- TB&XH tích cực tuyên truyền đến với NCC; trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện nghị quyết phải hướng dẫn cụ thể về thủ tục, hồ sơ theo quy định của pháp luật để NCC được hưởng đúng, đủ chế độ. Theo lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH, điều kiện được hỗ trợ theo Nghị quyết số 08/2018/NQ-HĐND, NCC phải có hồ sơ đang được Sở LĐ-TB&XH tỉnh quản lý từ 3 năm (36 tháng) trở lên. Hiện nay, sở đang chuẩn bị triển khai xuống các phòng LĐ-TB&XH để cán bộ nắm rõ tuyên truyền để các đối tượng, người dân nắm rõ.

“Việc tăng mức hỗ trợ cho đối tượng NCC trên địa bàn tỉnh từ ngân sách cũng sẽ gặp một số vấn đề khó khăn trong quá trình thực hiện. Đơn cử như sẽ có những trường hợp NCC ở các tỉnh khác đến Bình Dương nhập khẩu để được hưởng chung chính sách. Nếu như trường hợp trên phổ biến sẽ gây khó khăn cho tỉnh trong việc thực hiện việc chăm lo, hỗ trợ cho NCC. Do đó, khi xem xét trình HĐND tỉnh, Ban Văn hóa - Xã hội cũng đã xem lại các quy định, điều kiện NCC được hỗ trợ thêm để tránh việc Bình Dương “quá tải” đối tượng NCC từ nơi khác đến. Về điều kiện hỗ trợ NCC có hồ sơ đang được Sở LĐ-TB&XH quản lý từ 3 năm trở lên là phù hợp”.

(Ông TRỊNH ĐỨC TÀI, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh)

THIÊN LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên