Để chủ động trong công tác ứng phó, phòng chống thiên tai, ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị các ngành, địa phương rà soát, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình tiêu thoát nước trọng điểm, hệ thống cống thoát nước ở khu dân cư, nhanh chóng kiểm tra các công trình hư hỏng, sạt lở, đề xuất, kiến nghị sửa chữa.
Ngành chức năng cần kiểm tra, rà soát các công trình thủy lợi, tiêu thoát nước để bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ. Trong ảnh: Công trình tưới tiêu suối Chợ, Tân Phước Khánh, TX.Tân Uyên
Xử lý tình trạng lấn chiếm
Năm 2018, toàn tỉnh có 71 điểm sạt lở, trong đó 65 điểm đã ổn định, 6 điểm đang tiếp tục sạt lở. Thời gian vừa qua, do địa hình đặc thù ven sông, một số địa phương có nhiều điểm sạt lở gây thiệt hại lớn cho người dân.
Thống kê theo lưu vực sông của Chi cục Thủy lợi tỉnh cho biết, bờ sông Sài Gòn thuộc địa phận Bình Dương có 23 điểm sạt lở thuộc huyện Dầu Tiếng, TX.Bến Cát, TP.Thủ Dầu Một. Trong đó, sạt lở mới năm 2018 là 4 điểm thuộc khu phố 1, thị trấn Dầu Tiếng, huyện Dầu Tiếng, 19 điểm sạt lở cũ đã ổn định. Bờ sông Đồng Nai thuộc địa phận tỉnh Bình Dương có 19 điểm sạt lở thuộc huyện Bắc Tân Uyên, TX.Tân Uyên. Các điểm sạt lở này có trước năm 2016 (3 điểm đang tiếp tục sạt lở thuộc xã Thạnh Hội, phường Thái Hòa, phường Thạnh Phước và 16 điểm sạt lở đã ổn định) ảnh hưởng đến 149 hộ dân, trong đó cần di dời 145 hộ. Dọc sông Thị Tính có 10 điểm sạt lở làm mất đất sản xuất nông nghiệp của người dân thuộc TX.Bến Cát, huyện Dầu Tiếng. Trong đó, sạt lở mới năm 2018 là 5 điểm (3 điểm thuộc xã Long Hòa, huyện Dầu Tiếng, 2 điểm thuộc xã An Điền, TX.Bến Cát), 5 điểm thuộc xã An Lập, huyện Dầu Tiếng có trước năm 2014, các điểm sạt lở đã ổn định. Dọc bờ sông Bé có 21 điểm sạt lở có trước năm 2013 làm mất đất sản xuất nông nghiệp của người dân thuộc huyện Phú Giáo, các điểm sạt lở đã ổn định.
Theo UBND huyện Bàu Bàng, thời gian qua tại địa phương có nhiều cá nhân vi phạm trong công tác bảo đảm an toàn hành lang tại các hồ thủy lợi (hồ Từ Vân) trên địa bàn, tuy nhiên ngành chức năng và địa phương phát hiện, xử lý chưa kịp thời. Hiện nay, UBND huyện đã làm việc với các đối tượng vi phạm và đề xuất mức xử phạt nặng nhất nhằm răn đe những hành vi vi phạm về sau, bảo đảm an toàn cho các công trình thủy lợi. Theo bà Trần Thị Minh Hạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Tân Uyên, thời gian qua huyện đã phối hợp với địa phương xử lý nghiêm tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn các công trình thủy lợi trên địa bàn. Đến nay chỉ còn một hộ dân lấn chiếm hành lang hồ Đá Bàn, UBND huyện đang phối hợp với địa phương để giải quyết đúng theo quy định, bảo đảm an toàn cho hành lang.
Ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh chỉ đạo Ban Chỉ huy các cấp cần tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt việc lấn chiếm hành lang an toàn các hồ chứa, công trình thủy lợi; tập trung di dời người dân trong vùng ảnh hưởng sạt lở, nhất là ở huyện Bắc Tân Uyên. Ông cũng chỉ đạo kiểm tra cụ thể và xử lý ngay tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn các hồ chứa, công trình thủy lợi.
Khắc phục ngập úng
Theo ông Nguyễn Trọng Ân, Phó Chủ tịch UBND TP.Thủ Dầu Một, hiện nay trên địa bàn thành phố xảy ra nhiều điểm ngập, đặc biệt là khi trời mưa to thì tình trạng ngập do không thoát nước kịp xảy ra rất phổ biến ở nhiều điểm như quốc lộ 13 đoạn suối Cát, suối Giữa, các tuyến đường thuộc phường Phú Hòa. Ông Ân mong muốn Ban Quản lý dự án, các ngành sớm triển khai các phương án chống ngập nhằm bảo đảm giao thông an toàn.
Tại hội nghị triển khai công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn năm 2019, Ban Chỉ huy các cấp, các đơn vị quản lý công trình thủy lợi đã kiến nghị tỉnh khẩn trương đầu tư, đưa vào sử dụng các công trình tiêu thoát lũ trọng điểm; tăng cường công tác diễn tập cho đội ngũ tìm kiếm cứu nạn trong toàn tỉnh.
Theo ông Nguyễn Thanh Nam, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống thiên tai miền Nam, biến đổi khí hậu dẫn đến có thể xảy ra nhiều thiên tai phức tạp. Vì vậy công tác phòng chống thiên tai ngày càng được sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành, các cấp. Chính quyền địa phương cần chủ động, tích cực và trách nhiệm trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra. Với Bình Dương, ông đề nghị kiện toàn bộ máy Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai các cấp, tổ chức các lớp tập huấn, diễn tập để nâng cao ý thức trách nhiệm, tự giác của cộng đồng, chủ động phòng tránh, ứng phó thiên tai trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh tuyên truyền về Quỹ phòng chống thiên tai để các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hiểu rõ, tránh phát sinh các phản ứng, dư luận tiêu cực gây mất ổn định, trật tự mà chủ yếu là người lao động trong doanh nghiệp…; thường xuyên nạo vét khai thông, phát huy tốt năng lực của hệthống thoát nước đô thịhiện có, mởrộng các tuyến thoát nước đãquátải, tăng cường công tác quản lý các công trình thủy lợi thuộc phạm vi phụ trách, tổ chức vận hành theo đúng quy trình bảo đảm an toàn công trình và vùng hạ du, đặc biệt là công trình hồ chứa và đê bao ngăn lũ, xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình gây ảnh hưởng đến an toàn và hiệu quả công trình.
TIỂU MY