Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu đã trải qua khoảng 30 lần điều chỉnh tăng, giảm. Tuy vậy, giá xăng vẫn trong xu hướng tăng khiến giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu trên thị trường vẫn đứng yên hoặc tăng thêm, khiến áp lực tăng giá dịp cuối năm càng lớn.
Chuyên gia lo ngại giá còn tăng nữa vào mùa tiêu dùng cao điểm cuối năm, đặc biệt là dịp tết. Trong ảnh: Người tiêu dùng mua hàng tại Co.opmart Bình Dương II
Giá thực phẩm trong xu hướng tăng
Tại thị trường Bình Dương, trong tháng 9 dù heo hơi có giá 80.000 đồng/kg (giảm 5.000 đồng/kg), tại các chợ giá thịt heo vẫn ở mức như cách đây khoảng 2 tháng. Tương tự, thịt bò thăn 350.000 đồng/kg, gà ta còn sống giá 130.000 đồng/kg, gà tam hoàng làm sẵn 85.000 đồng/kg, cá lóc ruộng 220.000 đồng/kg, cá lóc nuôi 80.000 đồng/kg, cá diêu hồng 65.000 đồng/kg, cá thu 250.000 đồng/ kg, cá bạc má 100.000 đồng/kg, tôm thẻ 180.000 đồng/kg. Mức giá vừa nêu không giảm, so với các tháng trước, thậm chí tăng.
Đối với thực phẩm chế biến sẵn và một số mặt hàng thiết yếu cũng không những không giảm giá mà còn tăng. Chị Nguyễn Thị Hoa (chủ cửa hàng tạp hóa tại đường Lý Thường Kiệt, phường Phú Cường, TP Thủ Dầu Một), cho biết các loại sữa, bột ngọt, đường đều tăng giá từ 2.000-5.000 đồng/sản phẩm. Bà Nguyễn Thị Hồng Khanh, Giám đốc Siêu thị Co.opmart Bình Dương II, cho biết đến thời điểm hiện tại nhà bán lẻ này chưa nhận được thông báo điều chỉnh giá bán từ các nhà phân phối. Giá bán các hàng hóa khác vẫn được giữ nguyên như khi giá xăng dầu đứng ở mức đỉnh hồi tháng 7.
Đánh giá của Sở Tài chính cho thấy trong tháng 9 và 9 tháng năm 2022, giá một số hàng hóa trong tỉnh có biến động tăng, giảm. Tuy nhiên từ tháng 5 đến tháng 7 giá lương thực, thực phẩm có xu hướng tăng do ảnh hưởng của việc giá xăng, dầu tăng mạnh. Tuy tháng 8 đã có một số mặt hàng có giảm nhưng vẫn nằm trong xu hướng tăng. Cùng xu hướng này, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 và 9 tháng năm 2022 khu vực vùng Đông Nam bộ chủ yếu nằm trong xu hướng tăng. Yếu tố tác động mạnh đến mặt bằng giá trên thị trường vẫn là nhóm xăng dầu. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê công bố ngày 29-9, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào, CPI bình quân 9 tháng năm nay tăng 2,73% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tăng 1,88%.
Nỗ lực kiềm chế
Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến giá nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu không giảm được cho là giá nguyên vật liệu sản xuất trên thế giới vẫn đứng ở mức cao. Trong khi đó, thời gian qua giá dầu giảm ít hơn, thậm chí còn cao hơn giá xăng, trong khi dầu được sử dụng nhiều trong sản xuất, vận tải nên tác động nhiều đến giá thành hàng hóa. Trong thời gian tới, nếu giá xăng dầu tiếp tục giảm và giữ ổn định, cùng với đó cả chuỗi cung ứng, hệ thống logistics giảm giá thì giá hàng hóa chắc chắn sẽ giảm. Tuy nhiên, để giảm được thì cũng cần có độ trễ và lộ trình, không thể hạ giá thành sản phẩm ngay được.
Theo Tổng cục Thống kê, nhóm hàng lương thực, thực phẩm chiếm tỷ trọng khoảng 1/4 trong tổng chi tiêu dùng của dân cư. Dự báo giá nhóm hàng này còn có khả năng tăng trong các tháng cuối năm, nhất là khi dịch bệnh đã được kiểm soát và nhu cầu tiêu dùng của người dân đang trở lại như thời gian trước khi đại dịch diễn ra. Đây cũng là lo ngại của ngành quản lý từ Trung ương đến địa phương về việc nhiều mặt hàng chịu áp lực tăng giá dịp cuối năm.
Mới đây, Bộ Tài chính có công điện gửi các bộ, ngành, UBND các tỉnh yêu cầu tiếp tục tăng cường biện pháp quản lý, điều hành giá. Công điện của Bộ Tài chính nêu rõ, từ nay đến cuối năm 2022, lạm phát ở một số nước tiếp tục có xu hướng gia tăng, giá xăng dầu thế giới diễn biến bất thường, giá nhiều mặt hàng nguyên liệu, vật tư chiến lược vẫn chịu áp lực lớn tăng giá từ nguồn nguyên liệu nhập khẩu, giá một số mặt hàng trong nước có hiện tượng tăng cao.
Theo bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công thương, hiện nay ngành công thương đang triển khai linh hoạt các giải pháp bình ổn thị trường. Ngành công thương yêu cầu doanh nghiệp có kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ dịp cuối năm, kiểm tra tình hình cung ứng xăng dầu, giám sát thực hiện các biện pháp kê khai, niêm yết giá, công khai thông tin về giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá…
Ông Nguyễn Văn Công, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, cũng cho biết đơn vị này đang triển khai kiểm soát chặt chẽ việc kê khai, quyết toán thuế, công tác hoàn thuế, chống thất thu, gian lận thuế, giảm nợ đọng thuế; tập trung quản lý chi ngân sách Nhà nước bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả. Ông Lê Văn Danh, Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, cho biết đơn vị sẽ tập trung tổ chức kiểm tra tình hình hoạt động đại lý hải quan, tổ chức kiểm tra việc đo thời gian giải phóng hàng hóa xuất nhập khẩu, đồng thời tiếp tục triển khai công tác kiểm tra xác định xuất xứ, chống gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa… tránh để xảy ra các biến động bất thường ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội.
Sự nỗ lực, chung tay quản lý, điều hành thị trường của các đơn vị nói trên thực sự có ý nghĩa để kiềm chế đà tăng giá hiện nay của các mặt hàng nói chung.
THANH HỒNG