Những chiếc ghe tải trọng lớn nằm bờ, những “vòi rồng” nằm xen lẫn trong cỏ dại mọc um tùm, những chiếc xe cơ giới nằm ngổn ngang... là hình ảnh chúng tôi ghi nhận được khi trở lại ấp Hòa Lộc, xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng, nơi từng được xem là “rốn cát” trên địa bàn.
Những “vòi rồng” nay nằm xen lẫn trong cỏ dại bên bờ hồ Dầu Tiếng
Bình yên trở lại vùng quê
Trở lại ấp Hòa Lộc, xã Minh Hòa, chúng tôi nghe rõ tiếng chim yến phát ra từ một số nhà nuôi yến vừa được xây dựng trong thời gian gần đây. Những âm thanh này đã thay thế cho tiếng xe cơ giới ra vào các bãi cát ven hồ Dầu Tiếng trên địa bàn, tiếng gầm rú của những động cơ ngày đêm hút cát trên lòng hồ Dầu Tiếng...
Đi vào khuôn viên của bãi cát Mười Tuồng, chúng tôi không thấy bóng dáng của một người nào. Khác với trước đây, khi P.V vừa xuất hiện là lập tức bị người của bãi cát yêu cầu ra khỏi địa phận vì “không phận sự”. Trên bờ, hai chiếc xe múc nằm đối đầu nhau, máng xúc lên màu rỉ sét. Trong khuôn viên của bãi cát, hàng chục máy bơm nằm lăn lóc, rỉ sét. Sát bờ hồ, những “vòi rồng” nằm bất động xen lẫn trong những bụi cỏ dại đang dần chiếm ưu thế.
Trước đây, những “vòi rồng” này là nỗi ám ảnh của lòng hồ. Hàng ngày, chúng được thọc sâu xuống lòng hồ và hút cát. Những mẻ cát vàng óng được hút lên tập kết bên bờ trước khi nhiều xe ben đến vận chuyển đi các nơi khác. Nay, những “vòi rồng” trong bãi cát này nằm bất động, bừa bộn trong bãi. Mặc dù chúng tôi đi lại trong bãi cát hơn 20 phút nhưng không thấy bóng dáng của một người nào xuất hiện.
Đối diện đó là bãi cát cũng trong tình cảnh tương tự. Hình ảnh trên bến, dưới thuyền mà P.V ghi lại được trước đây ở bãi cát này nay đã không còn nữa, bãi cát vắng lặng yên bình. Những căn nhà tạm để cho nhân công ở cũng đóng cửa, chỉ có một căn nhà chứa đựng nhiều vật dụng có một người đàn ông đang ở. Khi chúng tôi có mặt, ông đang bận cho bữa cơm chiều và cũng không có phản ứng gì. Đối nghịch với trước đây, khi những bãi cát này là khu vực “bất khả xâm phạm”, người lạ xuất hiện là bị “mời” ra ngay. Trong khu vực này 6 chiếc ghe lớn đang nằm bờ. Trên ghe vẫn còn đầy đủ máy bơm, “vòi rồng” và các dụng cụ phục vụ cho việc hút cát, nhưng tất cả đã lên màu ố vàng, rỉ sét.
Nhiều chiếc ghe công suất lớn được trang bị đầy đủ đồ nghề hút cát nay phải nằm bờ
Khi ánh chiều vàng đổ xuống bờ hồ Dầu Tiếng, hình ảnh những chiếc ghe to nằm nghếch mũi trên bờ như tô điểm cho khung cảnh yên bình. Tuy nhiên, ít ai biết rằng cách đây không lâu, những hành ảnh thơ mộng này chỉ là giấc mơ, vì tiếng động cơ gầm rú, tiếng còi, tiếng xe cơ giới múc cát đưa lên xe diễn ra dồn dập, khiến người dân liên tục phải phản ánh đến chính quyền địa phương cầu cứu.
“Rốn cát” chuyển biến tích cực
Con đường ĐT749B từ UBND xã Minh Hòa đến ấp Hòa Lộc dài khoảng 12km. Trong thời gian đi thực tế tại đây, chúng tôi không thấy một chiếc xe ben chở cát nào lưu thông trên đường. Về chiều, những em học sinh chạy xe đạp tung tăng trên đường, một khung cảnh thôn quê hữu tình mà những người dân ở đây luôn mong có được. Cách đây không lâu, người dân địa phương luôn “kêu khổ” vì hàng ngày hàng trăm lượt xe ben lao vun vút trên đường vừa gây bụi, vừa tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Không giấu được niềm vui trước những đổi thay như hiện nay, bà Nguyễn Thị Kim Nguyệt (49 tuổi) ngụ ấp Hòa Lộc, cho biết: “Hiện nay môi trường sống của chúng tôi tốt hơn nhiều so với những năm trước đây. Nếu như những năm trước đây, mỗi ngày có hàng trăm lượt xe ben, xe tải chở cát đi tiêu thụ, khi lưu thông trên tuyến đường ĐT749B đã gây mất an toàn giao thông; nhiều tài xế xe tải không chịu phủ bạt che chắn thùng xe làm cát rơi vãi xuống đường, bụi cát tấn công vào nhà người dân thì nay không còn nữa. Tuyến đường ĐT749B giờ đã được nâng cấp rất khang trang, thơ mộng, trật tự giao thông đã được bảo đảm”.
Tương tự, bà Phan Thị Khang (80 tuổi), ngụ ấp Hòa Lộc, cho hay: “Hiện nay người dân ở ấp Hòa Lộc rất vui mừng khi các cấp, các ngành ở tỉnh đã thể hiện sự quyết liệt trong việc lập lại kinh doanh, khai thác, vận chuyển cát ở địa phương. Ngoài việc tuyến đường ĐT749B vắng xe ben, xe tải qua lại, khi nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động, dọn dẹp đồ đạc ra khỏi địa bàn thì tình hình an ninh trật tự tại khu vực này được bảo đảm hơn trước rất nhiều”.
Trước đây, sau khi nhận được phản ánh của người dân về tình trạng khai thác cát, vận chuyển gây ô nhiễm, từ năm 2016 đến đầu năm 2019, báo Bình Dương liên tiếp có nhiều bài phản ánh về thực trạng và hệ lụy của vấn đề này. Sau đó, các đơn vị chức năng liên quan của tỉnh, huyện phối hợp với đơn vị trực tiếp quản lý lòng hồ Dầu Tiếng đã mở nhiều buổi họp để bàn về các giải pháp xử lý nhằm lập lại trật tự khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát tại khu vực ven bờ hồ. Trên cơ sở đó, nhiều phương án lập lại trật tự tại khu vực này đã được triển khai và đến nay đã đạt hiệu quả đáng mừng.
Trao đổi với P.V về những chuyển biến tích cực ở “rốn cát” trên địa bàn huyện Dầu Tiếng, ông Nguyễn Hữu Thành, Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND xã Minh Hòa, cho biết: “Sau thời gian phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan của xã, huyện và tỉnh quyết liệt vào cuộc lập lại trật tự kinh doanh, khai thác, vận chuyển cát trên lòng hồ Dầu Tiếng, chúng tôi cũng đã “cắt đuôi” được nhiều doanh nghiệp khai thác theo kiểu gia công cho một số doanh nghiệp, sau đó chở cát về tập kết tại bãi.
Trước đây trên địa bàn có xảy ra tình trạng chủ ghe của doanh nghiệp này ký kết với nhiều doanh nghiệp ở tỉnh Tây Ninh để khai thác gia công. Nhiều doanh nghiệp đã mua sắm tàu thuyền có gắn công năng bơm hút cát để tham gia hút cát lậu. Vào thời điểm giữa năm 2018, trên địa bàn có đến 50 chiếc tàu, thuyền hoạt động theo kiểu này. Tuy nhiên, sau thời gian quyết liệt vào cuộc xử lý, lực lượng chức năng đã chấm dứt việc khai thác theo kiểu gia công. Tính đến nay hàng chục bến đã bị đình chỉ hoạt động”.
Đề cập đến công tác xử lý những doanh nghiệp sử dụng sai mục đích đất vùng bán ngập để lập bãi tập kết cát, ông Nguyễn Hữu Thành cho biết thêm: “Để bảo đảm trên lĩnh vực quản lý nhà nước, tới đây, xã Minh Hòa sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan của huyện Dầu Tiếng tổ chức kiểm tra, xử lý và đề nghị những doanh nghiệp chuyển đổi mục đích sử dụng đất vùng bán ngập. Ngoài ra, địa phương phối hợp tốt với lực lượng chức năng của huyện và tỉnh tăng cường tuần tra kiểm soát, buộc các chủ doanh nghiệp tự tháo dỡ công năng bơm hút cát trái quy định. Hiện nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã ban hành văn bản tạm ngưng việc khai thác cát trên lòng hồ Dầu Tiếng. Văn bản này còn nguyên giá trị. Các doanh nghiệp cũng đã chấp hành”.
Đại úy Trịnh Quốc Long Khánh, Đội trưởng Đội Cảnh sát kinh tế Công an huyện Dầu Tiếng, cho biết: “Sau thời gian thực hiện kế hoạch kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác, tập kết, vận chuyển, kinh doanh cát và di dời phương tiện không đủ điều kiện hoạt động trên hồ Dầu Tiếng của tổ liên ngành 1600, chúng tôi cũng đã tiêu hủy 43 phương tiện không đủ điều kiện hoạt động trên lòng hồ. Ngoài ra, cơ quan chức năng đã vận động chủ các phương tiện không đủ điều kiện hoạt động di dời ra khỏi lòng hồ Dầu Tiếng. Theo đó, đến thời điểm này có 53 phương tiện đã được di dời. Với quyết tâm không để xảy ra tình trạng khai thác, tập kết, vận chuyển cát trái quy định, thời gian qua cũng như tới đây, lực lượng của đơn vị cũng thường xuyên tổ chức tuần tra công khai và mật phục trên lòng hồ để xử lý những trường hợp vi phạm”. |
THANH QUANG - VĂN CHÂU