Khi đất nước bị xâm lăng, toàn dân cùng tham gia đánh giặc. Trong 2 cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, nhiều người đã cống hiến trọn đời mình cho cách mạng. Tổ quốc đời đời ghi nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ, đặc biệt là những người mẹ đã sinh ra những người con ưu tú cho Đảng, cách mạng. 2 mẹ mà chúng tôi nêu dưới đây là những điển hình cụ thể trong số 34 mẹ được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” .
Tổ quốc là thiêng liêng
Chúng tôi đến thăm mẹ Trần Thị Não, ngụ tại phường Hòa Lợi, TX.Bến Cát vào một ngày đầu năm. Sự thân thiện vốn có của một người xuất thân từ nông dân làm cho chủ nhà và khách mau chóng quen nhau. Mừng như gặp người thân đi xa trở về, mẹ hỏi thăm chúng tôi về công việc, gia đình. Rồi mẹ dẫn chúng tôi qua “khoe” căn nhà tình nghĩa do nhà nước xây tặng sắp sửa hoàn thành. Mẹ cứ vuốt ve cánh cửa mới sơn rồi nói: “Vậy là năm nay mẹ ăn tết trong ngôi nhà mới nên vui lắm. Cảm ơn Đảng, chính quyền địa phương đã quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần mẹ trong thời gian qua”. Bước sang tuổi 87, dù đã xuống sức nhưng mẹ vẫn còn có thể tự chăm sóc bản thân và lúc nào cũng cầm chổi quét nhà sạch tinh tươm, bởi một chiếc lá bay vào nhà cũng làm mẹ cảm thấy khó chịu.
Mẹ Trần Thị Não bên ngôi nhà tình nghĩa vừa được xây dựng
Mẹ Não có chồng và người con trai hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Chồng mẹ, liệt sĩ Lê Văn Khuê quê ở miền Tây. Khoảng năm 1961, người thanh niên yêu nước ấy đã rời quê hương tham gia cách mạng. Theo lời ông kể với mẹ thì khi đó ông lên Bình Long làm công nhân cao su. Thời đó, cuộc sống của người công nhân cao su rất cơ cực, đúng với câu nói “Cao su đi dễ khó về, khi đi trai tráng, khi về bủn beo”. Với vai trò là cán bộ công đoàn huyện, ông Khuê đã tập hợp, dẫn dắt công nhân đấu tranh, chống lại sự hà khắc của chủ đồn điền. Được sự giác ngộ của ông, nhiều công nhân cao su sau này trở thành cơ sở cách mạng. Trong thời gian này, mẹ cũng lên Bình Long làm công nhân, sau đó 2 người nên duyên chồng vợ. Khi có con, mẹ trở về quê ở Hòa Lợi làm hậu phương chăm lo cho các con để chồng yên tâm đánh giặc. Ngày được tin chồng hy sinh vào tháng 12-1968, mẹ nuốt nước mắt vào trong và quyết tâm nuôi các con khôn lớn để sau này trả thù cho cha.
Có ba là liệt sĩ Lê Văn Khuê đã hiến dâng trọn đời cho cách mạng, năm 17 tuổi, con mẹ là Trần Văn Thành cũng thoát ly tham gia cách mạng, ông gia nhập bộ đội C62. Chỉ trong thời gian ngắn, nhưng ông đã cùng đồng chí, đồng đội lập nhiều chiến công vang dội, bẻ gãy nhiều cuộc tiến công của địch, đồng thời góp phần làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975 thống nhất đất nước. Khi chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, ông tiếp tục tham gia chiến đấu ở chiến trường Campuchia. Những năm 1977-1978, quân Khơ-me Đỏ đã tràn vào các tỉnh ở biên giới giết chóc và tàn phá dân làng. Là một người yêu nước, ông đã xung phong ra trận, tham gia đào giao thông hào, gỡ mìn cho bộ đội đi qua. Có thể nói, cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam ác liệt không thua kém gì thời kháng chiến chống Mỹ. Mỗi khi đồng đội ngã xuống thì sự căm thù bọn Pol Pot càng dâng lên tột đỉnh, ông cùng đồng đội đã sống, chiến đấu dũng cảm để bảo vệ quê hương đất nước. Và ông đã anh dũng ngã xuống trên chiến trường để đổi lấy sự bình yên cho dân tộc. Sự hy sinh của ông đã là tấm gương để các thế hệ trẻ tiếp tục lên đường cầm súng bảo vệ Tổ quốc.
2 người thân yêu đã ra đi, lòng mẹ đau như cắt. Tuy nhiên, vượt qua nỗi đau, mẹ Trần Thị Não vẫn tự hào hơn khi chồng, con của mình đã góp sức mình đem lại sự thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Mong sao đất nước mãi hòa bình
Chúng tôi đến nhà thăm mẹ Võ Thị Giỏi, xã Tân Bình, huyện Bắc Tân Uyên khi đồng hồ gần điểm 12 giờ trưa. Mẹ Giỏi đang nghỉ ngơi với cái chân vẫn còn sưng đau, nhức nhối mỗi khi trái gió trở trời. Ở tuổi 95, thời gian đã lấy đi của mẹ quá nhiều thứ. Từ sức khỏe, sự minh mẫn, tinh anh... và nỗi mất mát to lớn nhất trong cuộc đời của mẹ là sự hy sinh của chồng, của con, những người anh hùng liệt sĩ của quê hương và cũng là linh hồn của mẹ. Tuy không còn minh mẫn, nhưng khi nhắc về chồng, về con, mắt mẹ Giỏi sáng rực lên rồi lại nghẹn ngào giấu nước mắt vào sau tay áo.
Mẹ Võ Thị Giỏi kể cho P.V Báo Bình Dương nghe về chồng và con đã tham gia cách mạng
Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Tân Bình, cũng là vùng căn cứ cách mạng năm xưa, vào thời chiến tranh ác liệt nhất đó, chồng mẹ, ông Phan Văn Thời tham gia cách mạng. Biết rằng làm cách mạng là đối diện với những hiểm nguy luôn rình rập, chực chờ, nhưng yêu nước, tin tưởng tuyệt đối vào cách mạng và thương chồng, hiểu việc của chồng làm nên mẹ âm thầm gánh vác việc làm dâu, làm vợ và làm mẹ để cho chồng an tâm đi cách mạng. Ngày 16-2-1946, trong một lần đi chặt cao su, phá hoại đồn điền của giặc Pháp tại Chánh Lưu, ông bị giặc Pháp bắn chết.
Nghe tin chồng hy sinh, mẹ nuốt nước mắt vào trong để không bị giặc nghi ngờ. Chồng mất, mẹ một thân, một mình tần tảo nuôi con. Chiến tranh vẫn kéo dài. Nhân dân ta hết chống thực dân Pháp lại tiếp tục kiên cường đấu tranh chống lại đế quốc Mỹ. Nỗi đau thương mất mát người chồng của mẹ Giỏi vẫn chưa nguôi ngoai, thì năm 1963, mẹ Giỏi lại tiễn con trai đầu là anh Phan Văn Đực thoát ly tham gia cách mạng.
Anh Phan Văn Đực sinh năm 1944, khi tham gia cách mạng anh có bí danh là Phan Văn Khởi. Với tính gan dạ, dũng cảm, anh được cấp trên đưa vào tổ trinh sát và là tiểu đội phó du kích xã. Năm 1967, trong một lần theo dõi và bám sát quân Mỹ, anh bị chúng phát hiện và bắn chết.
Hay tin con hy sinh, lòng mẹ Giỏi như xát muối. Mẹ không bao giờ quên ngày hôm đó, sau khi anh Đực bị địch bắn chết, có người về báo gia đình lên nhận diện. Biết chắc đó là con mình nhưng mẹ vẫn giả vờ không biết để tránh bị giặc tra hỏi. Nhưng rồi mẹ phải tìm mọi cách để đưa xác con trai về chôn cất. Chỉ chờ đêm khuya mẹ mới dám sụt sùi khóc thương cho đứa con trai đầu. Có lẽ chỉ những người đã trải qua chiến tranh mới hiểu được nỗi đau của mẹ lúc này. Chồng, con hy sinh đã trút xuống đôi vai gầy của mẹ gánh nặng tưởng không gượng nổi. Dù đau đớn tột cùng nhưng mẹ vẫn hăng hái vận động các con của mình và thanh niên địa phương tham gia cách mạng. Con trai thứ hai của mẹ cũng noi gương cha và anh thoát ly tham gia hoạt động cách mạng.
Cuộc đời của mẹ Võ Thị Giỏi đã trải qua những năm tháng chiến tranh với những mất mát, hy sinh không gì bù đắp được. Nhưng mẹ vẫn thường bảo rằng: “Vào thời của mẹ, khi đất nước có giặc thì phải đánh đuổi chúng để giành lấy tự do, độc lập. Đất nước này có hàng triệu người như vậy chứ đâu riêng gì mẹ đâu. Bây giờ mẹ chỉ có một tâm nguyện duy nhất là mong sao đất nước mãi hòa bình để không còn gia đình nào phải chịu nỗi đau chiến tranh, các thế hệ sau này đều được hưởng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
A.SÁNG - NGỌC THANH