Trưng cầu giám định pháp y như thế nào?
Cập nhật: 15-07-2013 | 00:00:00
Bộ Tư pháp vừa có Công văn số 4713/BTP-BTTP về
việc triển khai thi hành Luật Giám định tư pháp (GĐTP). Các nội dung đáng chú ý
như sau: 1. Về hoạt động của Trung tâm
Pháp y tâm thần cấp tỉnh. Theo quy định tại Khoản 3 Điều 12 của Luật GĐTP thì tổ
chức GĐTP công lập về pháp y tâm thần gồm có: Viện Pháp y tâm thần Trung ương
và Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực (không còn Trung tâm Pháp y tâm thần cấp tỉnh).
Tuy nhiên, hiện nay các Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực vẫn chưa được thành lập.
Để bảo đảm hoạt động giám định pháp y tâm thần không bị gián đoạn, đáp ứng yêu
cầu của hoạt động tố tụng của địa phương thì tổ chức giám định pháp y tâm thần ở
địa phương được thành lập và hoạt động theo quy định của Pháp lệnh GĐTP tiếp tục
hoạt động cho đến khi Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực được thành lập và đi
vào hoạt động, dự kiến thời gian Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực được thành lập
trong thời hạn 2 năm, kể từ ngày Luật GĐTP có hiệu lực. Nội dung này đã được thể
hiện tại Điều 29 dự thảo Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật
GĐTP (dự thảo Nghị định ban hành trong tháng 6-2013). 2. Về việc thực hiện GĐTP của các
giám định viên tư pháp không thuộc tổ chức GĐTP công lập. Theo quy định tại Khoản
1 Điều 11 của Luật GĐTP thì các giám định viên tư pháp có trách nhiệm thực hiện
giám định theo trưng cầu, yêu cầu của người trưng cầu, người yêu cầu giám định;
theo quy định tại Khoản 4 Điều 2 và Điểm a Khoản 1 Điều 21 Luật GĐTP thì người
trưng cầu giám định có quyền trưng cầu giám định viên tư pháp, người giám định
theo vụ việc, tổ chức GĐTP ngoài công lập và tổ chức giám định theo vụ việc; theo
quy định tại Điều 24 Luật GĐTP thì tổ chức được trưng cầu giám định có trách
nhiệm tiếp nhận và phân công người có khả năng chuyên môn phù hợp với nội dung
trưng cầu giám định thuộc tổ chức mình thực hiện giám định. Như vậy, theo các quy định trên
thì các giám định viên tư pháp đang công tác tại các cơ quan, tổ chức chuyên
môn (bệnh viện; trung tâm y tế; viện nghiên cứu; cơ quan Nhà nước; cơ sở đào tạo,
nghiên cứu…) có trách nhiệm thực hiện giám định khi được trưng cầu đích danh hoặc
theo sự phân công của cơ quan, tổ chức được trưng cầu, yêu cầu giám định trừ
trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 11 Luật GĐTP. Văn bản kết luận giám định của
những người này có giá trị pháp lý như đối với văn bản kết luận giám định của
giám định viên tư pháp chuyên trách đang công tác tại các tổ chức GĐTP chuyên
trách. 3. Về việc thực hiện xác nhận chữ
ký của người thực hiện giám định trong bản kết luận GĐTP. Theo quy định tại Khoản
2 Điều 32 Luật GĐTP thì cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác nhận chữ ký của người
GĐTP được thực hiện như sau: a) Trường hợp người GĐTP được trưng cầu, yêu cầu
giám định đích danh thì chữ ký của người GĐTP trong bản kết luận GĐTP phải được
chứng thực theo quy định của pháp luật về chứng thực; b) Trường hợp tổ chức
(bao gồm tổ chức GĐTP công lập và tổ chức GĐTP theo vụ việc) được trưng cầu,
yêu cầu giám định thì người đứng đầu tổ chức được trưng cầu, yêu cầu đó phải ký
tên, đóng dấu vào bản kết luận giám định và tổ chức được trưng cầu, yêu cầu chịu
trách nhiệm về kết luận GĐTP; c) Trường hợp việc giám định do Hội đồng giám định
quy định tại Khoản 1 Điều 30 Luật GĐTP thực hiện giám định thì người có thẩm
quyền quyết định thành lập Hội đồng phải ký tên, đóng dấu vào bản kết luận giám
định và chịu trách nhiệm về tư cách pháp lý của Hội đồng giám định. NGUYỆT MINH