* Người dân mua sữa ngoại nhiều hơn sữa nội vì lo sợ an toàn thực phẩm
Gần 50% trong số 1.176 công ty sữa của Trung Quốc đã phải đóng cửa vì không đáp ứng yêu cầu và tiêu chuẩn để được cấp giấy phép sản xuất mới, Tân Hoa xã dẫn nguồn từ cơ quan thanh tra Trung Quốc ngày 2-4 cho biết.
Hai em bé bị sỏi thận, nạn nhân của vụ sữa có melamine ở Trung Quốc năm 2008Bò biến đổi gen cho “sữa mẹ”
Các nhà khoa học Trung Quốc vừa tạo ra một giống bò sữa biến đổi gen có thể sản xuất “sữa mẹ” cho trẻ em, The Telegraph đưa tin ngày 3-4.
Nhóm nghiên cứu dùng công nghệ ADN để cấy gen người vào ADN của bò sữa. Sau đó, những con bò này được cấy phôi thai biến đổi gen để có thể sinh sản vô tính và tạo ra hàng loạt bản sao những con bò sữa có khả năng sản xuất ra “sữa mẹ”. Hiện nhóm nghiên cứu đã tạo ra được 300 con bò cho “sữa mẹ”.
Giáo sư Ning Li, trưởng nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Nông nghiệp Trung Quốc, cho biết: “Chất lượng sữa bò biến đổi gen an toàn như sữa của những con bò bình thường. Tuy nhiên, loại sữa này có chứa hai loại protein như trong sữa mẹ là lysozyme và lactoferrin giúp trẻ tăng cường sức đề kháng với bệnh tật và các tế bào miễn dịch”.
Báo The Telegraph cho biết các nhà khoa học Anh đánh giá rất cao kết quả nghiên cứu này.
Tuy nhiên, giám đốc Tổ chức GeneWatch (Anh) lại nêu lên hai mối lo ngại: “Một là, vấn đề sinh sản vô tính tạo ra hàng loạt bản sao các con bò biến đổi gen. Hai là, chưa có chứng cứ khoa học xác thực chứng minh loại sữa bò biến đổi gen này là an toàn cho sức khỏe trẻ em về lâu dài và không có gì có thể thay thế sữa mẹ”.
Tuy nhiên, giáo sư Li lại cho rằng sữa bò biến đổi gen đậm đà hơn sữa mẹ bình thường, và “trong vòng 10 năm nữa, chúng tôi hi vọng loại sữa này sẽ có mặt tại các siêu thị”.
Để lấy lại uy tín của ngành công nghiệp sữa sau vụ sữa có chứa chất melamine độc hại cho trẻ em năm 2008, chính quyền Trung Quốc đã thanh tra toàn bộ 1.176 công ty sữa trên toàn quốc.
Kết quả thanh tra: 553 công ty sữa đã nhận được lệnh đóng cửa và ngừng sản xuất. Chỉ có 643 công ty (tức 55% trong số 1.176 công ty) có đủ điều kiện và được tiếp tục gia hạn giấy phép.
Trong dự thảo chiến lược đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, Chính phủ Trung Quốc yêu cầu thiết lập một cơ sở dữ liệu lưu trữ tất cả thông tin về các công ty sữa và hệ thống đăng ký giấy phép sản xuất với những quy định nghiêm ngặt.
Dự thảo cũng yêu cầu lập hệ thống đăng kiểm điện tử lưu giữ và ghi chép chi tiết lượng melamine và các chất phụ gia mà các công ty sữa đã mua.
Ông Li Yuanping, thuộc Tổng cục Thanh tra an toàn thực phẩm Trung Quốc, nhấn mạnh tổng cục sẽ tiếp tục kiểm tra nghiêm ngặt, kể cả đối với những cơ sở sản xuất đã vượt qua được đợt thanh tra vừa rồi.
Ông cho biết số lượng các cơ sở bị “trừng phạt” qua đợt kiểm tra tăng gấp đôi so với con số thẩm định mà Hiệp hội Các nhà sản xuất sữa đưa ra hôm đầu tuần, tức chỉ khoảng 20% cơ sở sẽ phải đóng cửa.
Năm 2008, số trẻ em uống sữa có chứa melamine bị mắc bệnh lên đến 53.000, trong đó 6.000 trẻ sơ sinh phải nhập viện để điều trị vì bị sỏi thận sau khi uống sữa có melamine và ít nhất sáu trẻ tử vong trong năm 2008.
Năm 2009, Trung Quốc cho biết có tổng cộng 296.000 trẻ em bị bệnh do uống sữa có melamine. 22 công ty sản xuất sữa có melamine chính thức xin lỗi và xin được bồi thường cho khách hàng. Hai trong số 21 nghi phạm liên quan đến vụ sữa có melamine đã bị tử hình, số còn lại bị tù chung thân.
Tuy nhiên, sau vụ bê bối năm 2008, sữa có melamine thỉnh thoảng lại xuất hiện trên thị trường gây hoang mang cho người tiêu dùng. Hồi tháng 7-2010, chính quyền Trung Quốc thông báo phát hiện 25.000 tấn sữa có melamine.
70% dân Bắc Kinh sợ sữa nội!
Theo kết quả điều tra ngày 1-3 trên tờ China Daily, khoảng 70% người dân Bắc Kinh ngại mua các sản phẩm sữa bột dành cho trẻ em được sản xuất trong nước vì lo ngại an toàn thực phẩm, dù cho có nhiều báo cáo công bố “không có sự khác biệt nào đáng kể giữa hàng nội và hàng ngoại”.
Thực trạng này, theo China Daily, không chỉ diễn ra ở Bắc Kinh mà ở nhiều thành phố khác của Trung Quốc.
Anh Wu Peiyuan, 27 tuổi, sống ở thành phố Thiên Tân, chỉ cho đứa con trai 3 tuổi uống sữa ngoại. “Tại sao tôi phải để con mình gặp chuyện không may. Mỗi tháng tôi chi khoảng 500 nhân dân tệ (khoảng 1,6 triệu đồng) để mua sữa ngoại. Trong khi đó, tôi chỉ tốn 150 tệ/tháng (500.000 đồng) nếu mua sữa nội, nhưng tôi thà chọn sữa ngoại còn hơn. Hàng xóm ai cũng khuyên tôi mua sữa ngoại để đảm bảo an toàn cho con mình”.
Theo AP, cả melamine và đạm da thuộc (thường được xử lý bằng acid sunfuric) khi cho vào sữa đều có tác dụng tăng hàm lượng chất đạm để có thể dễ dàng pha thêm nước, phương thức mà một số nhà sản xuất sữa sử dụng nhằm tăng lợi nhuận của mình.
Tiến sĩ Peter Ben Embarek, chuyên gia thực phẩm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cho rằng các loại sữa độc hại còn được lưu hành là do ý thức của nhà sản xuất quá thấp. Vì lợi nhuận, họ sẵn sàng bất chấp mạng sống của người khác. “Việc giáo dục ý thức cho các nhà sản xuất là một cuộc chiến lâu dài và đầy khó khăn, nhưng chúng tôi đang nỗ lực hết sức để làm điều đó” - tiến sĩ Embarek nhấn mạnh.
Theo TTO