Người bán dâm vẫn bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của luật, của Pháp lệnh về phòng, chống mại dâm; việc chữa bệnh vẫn được thực hiện, chỉ khác là “người có bệnh mới phải chữa và trên cơ sở tự nguyện”
Người bán dâm vẫn bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của luật, của Pháp lệnh về phòng, chống mại dâm; việc chữa bệnh vẫn được thực hiện, chỉ khác là “người có bệnh mới phải chữa và trên cơ sở tự nguyện”Những điểm đáng chú ý So với Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, Luật Xử lý vi phạm hành chính có một số nội dung đặc biệt mới sau đây: (1) Luật quy định chuyển thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc từ chủ tịch UBND sang tòa án nhân dân, từ thủ tục hành chính sang thủ tục tư pháp. Việc giao cho tòa án quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính theo thủ tục tư pháp sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho đương sự, luật sư, người bào chữa của họ được tham dự vào quá trình ra quyết định để bảo vệ quyền lợi của mình hoặc của thân chủ, bảo đảm cho việc ra quyết định được khách quan, minh bạch, phù hợp với quá trình hội nhập quốc tế. (2) Không đưa đối tượng là người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh, nhằm bảo đảm tốt hơn quyền tự do của công dân. Người bán dâm vẫn bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của luật, của Pháp lệnh về phòng, chống mại dâm; việc chữa bệnh vẫn được thực hiện, chỉ khác là người có bệnh mới phải chữa và trên cơ sở tự nguyện. (3) Quy định rất chặt chẽ điều kiện áp dụng một số biện pháp ngăn chặn liên quan đến nhân thân, quyền và lợi ích người dân, như: tạm giữ người, tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp; đồng thời kiểm soát chặt chẽ hơn, tránh việc lạm dụng của người có thẩm quyền trong quá trình áp dụng các biện pháp ngăn chặn, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Ví dụ: để hạn chế đến mức tối đa việc lạm dụng biện pháp tạm giữ phương tiện như ô tô, xe máy, Điều 125 của luật quy định rõ, chỉ được áp dụng trong 3 trường hợp sau: thứ nhất, để xác minh tình tiết mà nếu không tạm giữ thì không có căn cứ ra quyết định xử phạt; thứ hai, để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm hành chính mà nếu không tạm giữ thì sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội; thứ ba, để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt khi người vi phạm không có giấy phép lái xe hoặc giấy phép lưu hành phương tiện hoặc giấy tờ cần thiết khác có liên quan đến tang vật, phương tiện. (4) Tăng cường tính công khai, minh bạch và bảo đảm dân chủ trong trình tự, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính. Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định về quyền giải trình của cá nhân, tổ chức vi phạm và trách nhiệm của cơ quan tiến hành xử phạt là phải xem xét ý kiến giải trình của người vi phạm, phải tiến hành xác minh hành vi, đối tượng vi phạm trước khi ra quyết định xử phạt; tạo cơ chế để người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính có cơ hội để tự bảo vệ quyền và lợi ích của mình hoặc nhờ người đại diện/luật sư trợ giúp. (5) Bổ sung quy định mới nhằm bảo đảm hơn nữa quyền vàlợi ích hợp pháp của người chưa thành niên. Luật Xử lý vi phạm hành chính đã dành Phần thứ năm quy định về các nguyên tắc xử lý mới, đặc thù chỉ đạo toàn bộ hoạt động xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên, như: xử lý chỉ được thực hiện trong trường hợp cần thiết nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội; bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên; áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng chỉ được áp dụng khi xét thấy không còn có biện pháp xử lý khác phù hợp hơn; tôn trọng và bảo vệ bí mật riêng tư của người chưa thành niên... (6) Về phạt tiền: Luật phân định mức phạt tiền tối thiểu là 50.000 đồng đối với cá nhân, 100.000 đồng đối với tổ chức và tối đa là 1 tỷ đồng đối với cá nhân, 2 tỷ đồng đối với tổ chức trong một số lĩnh vực đặc biệt; ghi nhận cơ chế xử phạt đặc thù đối với khu vực nội thành của các thành phố trực thuộc Trung ương và giao HĐND thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào hành vi, khung tiền phạt do Chính phủ quy định và yêu cầu quản lý kinh tế - xã hội của địa phương mà có thể quy định mức phạt cao hơn trong một số lĩnh vực. (7) Cơ quan quản lý thống nhất công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính được luật quy định là Bộ Tư pháp. Việc “bỏ trống” đầu mối thống nhất quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính như trước kia đã gây không ít khó khăn trong thực tiễn áp dụng, thi hành và hoàn thiện pháp luật, ảnh hưởng không nhỏ đến việc thi hành Bộ luật Hình sự. Để khắc phục bất cập này, Luật Xử lý vi phạm hành chính đã giao Chính phủ quản lý thống nhất công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong phạm vi cả nước; đồng thời xác định rõ Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý công tác này. TRẦN ĐOÀN KHÁNH VÂN