Bài 5: Vang khúc khải hoàn
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời. Đó là thành quả lớn nhất mà dân tộc ta đã giành được sau gần một thế kỷ kiên trì đấu tranh chống lại ách áp bức, bóc lột của đế quốc, thực dân. Thế nhưng, trong lúc chúng ta đang rất cần một môi trường hòa bình để dựng xây đất nước, thì thực dân Pháp lại rắp tâm quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa...
Một góc đô thị Thủ Dầu Một
Nên thiên sử vàng
Sáng ngày 20-12-1946, Đài Tiếng nói Việt Nam phát “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, kêu gọi đồng bào cả nước và các lực lượng vũ trang nhất tề đứng lên đánh quân xâm lược, giữ độc lập, tự do cho Tổ quốc. “Hỡi đồng bào! Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!”. “Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”. “Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân! Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước”. “Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!”.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, trải qua 9 năm trường kỳ kháng chiến, quân và dân ta đã làm nên một Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Chiến thắng Điện Biên Phủ là biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước nồng nàn, chủ nghĩa anh hùng cách mạng và đức hy sinh cao cả của toàn dân tộc đoàn kết một lòng, sẵn sàng xả thân vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Điện Biên Phủ “đã được ghi vào lịch sử như một Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa ở thế kỷ XX và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi, đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc”.
Thiên anh hùng ca mùa xuân 1975
Ngay sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta vừa giành thắng lợi, với âm mưu thôn tính miền Nam, chia cắt lâu dài đất nước ta, phá hoại nền độc lập của dân tộc ta, thế lực cầm quyền hiếu chiến Mỹ đã đưa quân xâm lược miền Nam, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự, làm bàn đạp tấn công miền Bắc Việt Nam và các nước XHCN. Thiết tha yêu chuộng hòa bình, nhưng kẻ thù lại buộc nhân dân ta phải cầm súng bước vào cuộc kháng chiến cứu nước trường kỳ vô cùng gian khổ nhưng rất oanh liệt. Hàng triệu người Việt Nam yêu nước đã chung sức, chung lòng, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, lần lượt đánh bại các chiến lược của địch, từ chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh cục bộ” đến chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”.
Trải qua 21 năm kháng chiến với bao đau thương mất mát, đúng 17 giờ, ngày 26-4-1975, ta mở chiến dịch mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại tiến vào giải phóng Sài Gòn - Gia Định. “Lướt qua nắng mưa, súng bom, nhịp chân đi. Quê hương kêu gọi tiến lên diệt quân Mỹ! Tiến về Sài Gòn ta quét sạch giặc thù. Hướng về đồng bằng ta tiến về thành đô!”. Ngày 30-4-1975, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã toàn thắng, miền Nam và cả nước ngập tràn sắc đỏ cờ hoa mừng ngày hội lớn, ngày hội đại thắng của toàn dân tộc Việt Nam. “Ôi, nỗi mừng dâng mọi nỗi mừng/Trào vui nước mắt cứ rưng rưng/Cả Việt Nam tiến công, cả miền Nam nổi dậy/Dồn dập tim ta, trăm trận thắng bừng bừng”. Ngày 30-4-1975 đã đánh dấu một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc, non sông Việt Nam thu về một mối, Bắc - Nam sum họp một nhà.
Đổi mới, vững bước trên đường hội nhập
Giang sơn thống nhất, nhân dân ta lại bắt tay vào hàn gắn vết thương chiến tranh, chung tay xây dựng quê hương, đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, sánh vai cùng các cường quốc năm châu như Bác Hồ đã hằng mong. Công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo từ 1986 đến nay đã trải qua hơn 30 năm. Đó là một công trình vĩ đại của Đảng và nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Hít thở luồng gió đổi mới, nền kinh tế - xã hội của đất nước đã như chàng Phù Đổng vươn mình, sánh vai cùng các nước trong khu vực, vững bước trong quá trình hội nhập sâu rộng toàn cầu.
Sau hơn 30 năm đổi mới, đất nước ta cơ bản đã ra khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành một nước đang phát triển và có thu nhập trung bình, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Kinh tế tăng trưởng khá, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước hình thành, phát triển. GDP do nông, lâm nghiệp - thủy sản tạo ra tính đến năm 2013 cao gấp gần 2,65 lần năm 1986 (tăng trung bình gần 3,54%/năm). Đổi mới bắt đầu từ nông nghiệp đã góp phần chuyển Việt Nam từ nước độc canh lúa, thiếu lương thực sang quốc gia xuất khẩu gạo, cà phê, hạt điều, tiêu, cao su, gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản… đứng thứ hạng cao trên thế giới. GDP do nhóm ngành công nghiệp - xây dựng tạo ra năm 2013 cao gấp gần 8,6 lần năm 1986 (tăng gần 8%/năm) và trở thành động lực, đầu tàu tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế. GDP do nhóm ngành dịch vụ tạo ra năm 2013 cao gấp gần 6,57 lần năm 1986, tăng gần 6,96%/năm. Cơ cấu GDP theo nhóm ngành đã có sự chuyển dịch tích cực. So với năm 2013, tỷ trọng của nông, lâm nghiệp - thủy sản giảm từ 38,1% năm 1986 xuống còn 18,39%; của công nghiệp - xây dựng tăng từ 28,9% lên 38,3%; của dịch vụ tăng từ 33% lên 43,31%. Cơ cấu loại hình kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng tích cực. Tỷ trọng của kinh tế Nhà nước từ 39,7% năm 1986 xuống còn 32,2% năm 2013; của kinh tế ngoài Nhà nước (kể cả đầu tư nước ngoài) tăng từ 60,3% lên 67,8%. Nếu năm 1986, sản xuất mới đáp ứng được khoảng 85,7% sử dụng, thì đến năm 2012 đã vượt 3,5% GDP, năm 2013 đã vượt 4,09%.
Cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế, hệ thống chính trị luôn ổn định, quốc phòng - an ninh được tăng cường. Văn hóa xã hội có bước phát triển, bộ mặt đất nước và đời sống của nhân dân có nhiều thay đổi. Dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy và ngày càng mở rộng. Đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng nhà nước pháp quyền và cả hệ thống chính trị được đẩy mạnh. Sức mạnh về mọi mặt của đất nước được nâng lên; độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa được giữ vững. Quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao…
Từ Nam quốc sơn hà đến Tuyên ngôn độc lập, trải qua 2 cuộc trường chinh kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, trên chặng đường hơn 30 năm đổi mới, kế thừa và phát huy truyền thống quý báu, tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí tự lực tự cường, quyết tâm bảo vệ nền độc lập, tự do, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, dân tộc Việt Nam, Đảng và nhân dân ta đã viết nên những trang sử hào hùng, vẻ vang. Đặc biệt, trong công cuộc xây dựng đất nước hôm nay, quá trình hơn 30 năm đổi mới mà toàn Đảng, toàn dân đã đi qua là thực tiễn sinh động và quý giá, tạo niềm tin sâu sắc vào sự lãnh đạo của Đảng, vào tiềm năng sáng tạo của nhân dân và nguồn sức mạnh nội sinh của dân tộc Việt Nam. Đó chính là cơ sở để chúng ta vững tin vào ngày mai tươi sáng...
Từ một địa phương hoang tàn sau chiến tranh, đến nay Bình Dương đã trở thành một trong những tỉnh, thành có tốc độ phát triển kinh tế nhanh và mạnh mẽ hàng đầu cả nước. Thành quả đạt được trong những năm qua là sự nỗ lực không biết mệt mỏi của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và cộng đồng các doanh nghiệp trong tỉnh. Đến nay, tỉnh đã quy hoạch phát triển 29 khu công nghiệp, với tổng diện tích gần 13.000 ha và 12 cụm công nghiệp với tổng diện tích 815 ha; là địa phương hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Toàn tỉnh hiện có 3.406 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư gần 32 tỷ đô la Mỹ. Kim ngạch xuất khẩu năm 2017 đạt gần 29 tỷ đô la Mỹ, trong đó xuất siêu 4,7 tỷ đô la Mỹ. Song song với công nghiệp hóa, Bình Dương cũng đang đẩy mạnh đô thị hóa theo hướng văn minh, hiện đại, phấn đấu trở thành một thành phố thông minh trong tương lai.
P.V (thực hiện)