Từ ngày 1-10 tăng lương tối thiểu cho lao động trong các doanh nghiệp: Bình Dương triển khai thực hiện ra sao?

Cập nhật: 13-09-2011 | 00:00:00

 

Ông Nguyễn Phùng Trung

Ngày 22-8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành Nghị định số 70/2011/NĐ-CP, quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động (NLĐ) làm việc ở công ty, doanh nghiệp (DN), hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan tổ chức có thuê NLĐ.

Theo đó, quy định mức lương tối thiểu vùng áp dụng từ ngày 1-10-2011 đến hết ngày 31-12-2012. Đồng thời, Thủ tướng cũng khuyến khích các DN trả lương cho NLĐ cao hơn các mức quy định trên. Để bạn đọc hiểu rõ, phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Phùng Trung (N.P.T), Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bình Dương chung quanh vấn đề trên.

* Mức lương tối thiểu theo vùng (MLTT vùng) được quy định và áp dụng như thế nào, thưa ông?

* Ông N.P.T: Căn cứ Nghị định số 70/2011/NĐ-CP thì mức lương tối thiểu vùng áp dụng từ ngày 1-10-2011 đến hết ngày 31-12-2012 như sau:

- Mức 2.000.000 đồng/tháng áp dụng đối với DN hoạt động trên địa bàn vùng I.

- Mức 1.780.000 đồng/tháng áp dụng đối với DN hoạt động trên địa bàn vùng II.

- Mức 1.550.000 đồng/tháng áp dụng đối với DN hoạt động trên địa bàn vùng III.

- Mức 1.400.000 đồng/tháng áp dụng đối với DN hoạt động trên địa bàn vùng IV.

Tại điều 1 của Nghị định 70/2011/NĐ-CP ngày 22-8-2011 của Chính phủ quy định rõ: Nghị định này quy định mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với NLĐ làm việc ở công ty, DN, hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn LĐ, gồm:

- DN thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật DN (kể cả DN có vốn đầu tư nước ngoài).

- Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn LĐ.

- Cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam có thuê mướn LĐ (trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của nghị định này).

* Khi Nhà nước điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng thì mức lương khác được xác định, điều chỉnh như thế nào?

* Ông N.P.T: Mức lương tối thiểu vùng nêu trên dùng để trả công đối với NLĐ làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện LĐ bình thường ở các DN. Khi điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng, các DN căn cứ vào thang, bảng lương đã được DN xây dựng và đăng ký với cơ quan quản lý LĐ tỉnh hoặc Ban quản lý KCN để điều chỉnh các mức lương khác. Nếu DN xây dựng thang, bảng lương với số tiền cụ thể ở mỗi bậc thì phải điều chỉnh tương ứng. Việc điều chỉnh mức lương cụ thể do người sử dụng LĐ và NLĐ thỏa thuận căn cứ vào mặt bằng tiền công trên thị trường, giá cả sinh hoạt và phải bảo đảm quan hệ hợp lý giữa người mới tuyển dụng và người có thâm niên làm việc tại DN. Nói chung là tiền lương của người làm nhiều năm phải cao hơn tiền lương của người mới vào làm tương ứng với số năm mà người đó đã làm việc.

 

Tăng lương sẽ là niềm mong đợi của người lao động

* Thưa ông, Nghị định 70/2011/NĐ-CP có khuyến khích DN trả lương cao hơn mức lương tối thiểu vùng và danh mục địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng từ ngày 1-10-2011 ở Bình Dương như thế nào?

* Ông N.P.T: Mức lương tối thiểu vùng có thể hiểu là mức sàn, còn mức lương cụ thể của từng NLĐ do giữa người sử dụng LĐ và NLĐ thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định. Đối với LĐ đã qua học nghề (kể cả LĐ do DN tự dạy nghề), mức lương thấp nhất trả cho NLĐ đã qua học nghề phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng.

Trên địa bàn Bình Dương, vùng I gồm các thị xã: Dĩ An, Thuận An, Thủ Dầu Một và huyện Bến Cát, Tân Uyên; vùng II gồm các huyện: Dầu Tiếng và Phú Giáo.

* Nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012 sắp đến, Sở LĐ – TB&XH có hướng dẫn gì để DN thực hiện tốt các chế độ thưởng tết cho NLĐ, thưa ông?

* Ông N.P.T: Năm 2011, nhiều DN gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, đối với công sức của NLĐ thì DN cần thực hiện tốt việc thưởng tết hàng năm cũng như các chế độ phúc lợi khác như: tổ chức xe hay mua vé xe cho NLĐ về quê đón tết; tặng quà tết và tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí cho NLĐ không về quê đón tết; chăm lo cho những LĐ có hoàn cảnh khó khăn... Việc chăm lo cho NLĐ của các DN vừa thể hiện tấm lòng, vừa thể hiện trách nhiệm và tạo sự gắn bó giữa NLĐ đối với DN.

* Xin cảm ơn ông!

VĂN SƠN (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên