Ngày 26-5-2016 Chính phủ ban hành Nghị định số 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Theo đó, Nghị định gồm 5 chương, 82 Điều quy định cụ thể về hành vi vi phạm hành chính; hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính; thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Trong lĩnh vực giao thông đường bộ, tăng mức phạt đối với nhóm có hành vi vi phạm về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Cụ thể, Nghị định 46/2016/NĐ-CP tăng mức phạt từ 10 - 15 triệu đồng lên 16 - 18 triệu đồng đối với người điều khiển xe ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 4 - 6 tháng. Đối với người điểu khiển mô tô, xe máy vi phạm về nồng độ cồn ở mức trên thì sẽ bị phạt tiền từ 3 - 4 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 3 - 5 tháng. Đồng thời, mức xử phạt hành chính về hành vi đi xe máy vào đường cao tốc cũng được điều chỉnh, theo đó người điều khiển mô tô, xe máy đi vào đường cao tốc sẽ bị phạt tiền từ 500.000 - 1 triệu đồng thay vì mức 200.000 - 400.000 đồng như trước đây. Đặc biệt, bổ sung quy định về hành vi dùng chân để điều khiển vô lăng xe ô tô khi xe đang chạy trên đường sẽ bị xử phạt từ 7 - 8 triệu đồng, mức phạt này cũng áp dụng đối với hành vi điều khiển xe lạng lách, đánh võng.
Trong lĩnh vực giao thông đường sắt, bổ sung quy định phạt tiền từ 1.200.000 đến 2.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô, các loại xe tương tự xe ô tô vượt rào chắn đường ngang, cầu chung khi chắn đang dịch chuyển; vượt đường ngang, cầu chung khi đèn đỏ đã bật sáng; không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của nhân viên gác đường ngang, cầu chung khi đi qua đường ngang, cầu chung.
Tăng mức phạt tiền đến 1.000.000 đồng đối với cá nhân, đến 2.000.000 đồng đối với tổ chức sử dụng đất trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt, hành lang an toàn giao thông đường sắt vào mục đích canh tác nông nghiệp làm sạt lở, lún, nứt, hư hỏng công trình đường sắt, cản trở giao thông đường sắt (quy định cũlà từ 300.000 đến 500.000 đồng đối với cá nhân, từ 600.000 đến 1.000.000 đồng đối với tổ chức). Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-8-2016.
SỞ TƯ PHÁP