Ở vùng biên giới thuộc huyện Giang Thành, Kiên Giang, những ngày này, bà con dân tộc Khmer tất bật chuẩn bị để đón Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây.
Tết Chôl Chnăm Thmây năm nay, dù giá lúa không cao như mọi năm, nhưng vụ lúa đông xuân lại trúng mùa, nên bà con vẫn phấn khởi, chuẩn bị rất tươm tất cho cái Tết cổ truyền.
Anh Danh Tươi, người dân tộc Khmer, ngụ xã Vĩnh Điều, huyện Giang Thành có 4 ha sản xuất lúa, sản lượng đạt hơn 40 tấn lúa. Nhờ thương lái đặt cọc trước nên anh bán lúa tươi ngay tại ruộng với giá 4.450 đồng/kg, cao hơn so với hiện nay chỉ khoảng 4.250 đồng/kg.
Mặc dù lợi nhuận không cao so với mọi năm, nhờ bán được lúa tươi tại ruộng nên gia đình cũng giảm chi phí thuê mướn vận chuyển, phơi lúa sau thu hoạch. Đến thời điểm này gia đình đã chuẩn bị sẵn nếp, đậu để gói bánh cúng tổ tiên, ông bà. Các con cũng có quần áo mới vui Tết.
Đi dọc theo các tuyến đường về các xã Phú Mỹ, Phú Lợi, Tân Khánh Hòa…, chúng tôi thấy niềm vui hiện rõ trên gương mặt của đồng bào Khmer. Bà con vui vì hầu hết các con đường về các ấp đã và đang được xây dựng, giúp bà con thuận lợi hơn trong việc đi lại.
Ông Nguyễn Thanh Hải, Bí thư Đảng ủy xã Phú Mỹ, bộc bạch: Gần đến Tết của đồng bào Khmer, chúng tôi lên kế hoạch tổ chức thăm hỏi các gia đình chính sách, người nghèo để tất cả bà con sinh sống trên địa bàn đều có Tết. Bên cạnh đó, chúng tôi còn tổ chức thi đấu bóng chuyền giao lưu giữa các ấp và đồn Biên phòng, Công an, trường học; tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tại xã giữa đội văn nghệ Khmer của xã và lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn. Nhờ làm tốt công tác xóa đói giảm nghèo, cùng với các chính sách hỗ trợ của Chính phủ theo Chương trình 135, đến nay trong tổng số 1.314 hộ dân của xã (dân tộc Khmer chiếm 534 hộ), thì chỉ còn có 56 hộ nghèo, tập trung ở ấp Trà Phọt, Trần Thệ và Kinh Mới.
Ông Lâm Tiến Dũng, Bí thư Huyện ủy Giang Thành, vui mừng chia sẻ: “Từ ngày thành lập huyện đến nay (năm 2009), đời sống của bà con dần được nâng lên, trong đó giảm đáng kể hộ nghèo trong đồng bào dân tộc. Ngoài các chính sách hỗ trợ của Chính phủ theo Chương trình 135 ở vùng biên giới, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền cũng dồn sức đầu tư cho giao thông nông thôn, điện, nước, trường, trạm. Bộ mặt nông thôn ở vùng biên giới ngày càng thay đổi. Người dân, nhất là đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn cũng tích cực thi đua lao động sản xuất, góp phần làm cho huyện vùng biên giới Giang Thành ngày càng đổi thay.”
Theo kế hoạch, trong những ngày diễn ra Tết cổ truyền của đồng bào dân tộc Khmer, huyện Giang Thành mời Đoàn Nghệ thuật Khmer của tỉnh về phục vụ bà con; tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ; thành lập nhiều đoàn đến thăm các chùa, gia đình chính sách, bà con nghèo. Các đồn, trạm Biên phòng cùng với lực lượng chức năng tạo điều kiện thuận lợi nhất để bà con vùng biên qua lại thăm thân, chúc mừng nhau theo tinh thần đoàn kết, hữu nghị.
Hiện nay, do một số diện tích đông xuân thu hoạch sớm, nông dân của huyện đã tiến hành đốt rơm, rạ, cày ải và xuống giống lúa hè thu sớm. Đến nay, toàn huyện đã có hơn 5.000 ha lúa hè thu được gieo sạ. Diện tích lúa hè thu chủ yếu tập trung ở 2 xã Vĩnh Phú và Vĩnh Điều. Trạm Bảo vệ thực vật huyện lưu ý, bà con vui đón Tết Chôl Chnăm Thmây chớ quên thăm đồng để phòng trừ rầy nâu trên lúa hè thu.
Những ngày này ở vùng biên giới Giang Thành thật yên bình. Thỉnh thoảng, tiếng hát, tiếng đàn vang vọng làm cho vùng biên thêm rộn rã niềm vui, khích lệ bà con tiếp tục chung tay xây dựng quê hương.
Lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh An Giang và các huyện trong tỉnh đã tổ chức nhiều đoàn đến chúc Tết, tặng quà 18 chùa Khmer, các gia đình chính sách, chiến sĩ lực lượng vũ trang Khmer tiêu biểu trong tỉnh, nhân dịp Tết cổ truyền Chol Chnam Thmây của đồng bào dân tộc Khmer.
Tại các chùa ở các huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, Châu Thành và Châu Phú, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã ân cần thăm hỏi, đánh giá cao những đóng góp to lớn của bà con dân tộc Khmer và các sư sãi trong phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.
Các sư sãi đã tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, một lòng đi theo Đảng, Bác Hồ, đoàn kết, nỗ lực, sáng tạo trong lao động sản xuất, xóa bỏ những tập tục lạc hậu, xây dựng phum sóc văn hóa, văn minh, giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.
Các đoàn lãnh đạo huyện Tri Tôn, Tịnh Biên đã đến thăm, chúc Tết và tặng quà cho các vị sư sãi, à cha và bà con phật tử tại 6 điểm chùa Khmer của 4 xã An Cư, An Phú, Văn Giáo và thị trấn Tịnh Biên.
Nhân dịp này, lãnh đạo tỉnh An Giang còn tổ chức đoàn sang chúc Tết lãnh đạo và nhân dân hai tỉnh Tà Keo và Kandal (Vương quốc Campuchia) giáp ranh với tỉnh An Giang.
Toàn tỉnh An Giang hiện có trên 90.000 đồng bào Khmer sinh sống tập trung tại 5 huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, Thoại Sơn, Châu Phú và Châu Thành.
Theo TTXVN