Trong thời gian qua, Huyện đoàn Dầu Tiếng đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức trong đoàn viên thanh niên (ĐVTN) về tác hại của ma túy, mại dâm và HIV/AIDS… Qua đó, góp sức trẻ vào trong công tác quản lý, giáo dục ĐVTN, từng bước đẩy lùi tệ nạn xã hội (TNXH) trên địa bàn.
ĐVTN Dầu Tiếng ra quân, tuyên truyền phòng chống ma túy, TNXH. Ảnh: T.THƯƠNG
Chị Nguyễn Thị Bích Vân, Bí thư Huyện đoàn Dầu Tiếng cho biết: “Hiện nay, tình trạng vi phạm pháp luật ở tuổi thanh thiếu niên đang là một vấn đề, đặc biệt là tệ nạn ma túy diễn biến khá phức tạp trong giới trẻ. Một bộ phận thanh thiếu niên thiếu ý thức rèn luyện tốt, chưa định hướng đúng đắn lý tưởng sống, thiếu sự quan tâm, giáo dục của gia đình, xã hội dẫn đến mất phương hướng, sa ngã vào các con đường phạm tội. Để giúp thanh thiếu niên phòng chống ma túy và TNXH, Huyện đoàn đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức pháp luật về ma túy cho ĐVTN, thanh thiếu niên”.
Theo đó, để thu hút sự tham gia của ĐVTN vào các hoạt động phòng, chống tội phạm và TNXH, Huyện đoàn Dầu Tiếng đã phát động tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, tọa đàm cho ĐVTN học tập, nắm bắt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tội phạm ma túy, mại dâm và phòng chống HIV/AIDS. Bằng các hình thức đa dạng, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi các đối tượng thanh, thiếu niên như tổ chức diễn đàn thanh niên, văn hóa văn nghệ, hội thi tìm hiểu pháp luật… đã thu hút đông đảo ĐVTN, thanh thiếu niên tham gia. Bên cạnh đó, xác định lực lượng thanh niên đóng vai trò nòng cốt, xung kích trong các hoạt động, Huyện đoàn đã tổ chức lồng ghép các buổi mít-tinh, diễu hành tuyên truyền, treo băng rôn, khẩu hiệu, phát tờ rơi trong các phong trào Đoàn; phối hợp với các ban ngành, đoàn thể tại địa phương, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền có kế hoạch chỉ đạo việc phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong quản lý giáo dục thanh, thiếu niên, phòng chống ma túy; phối hợp với Công an huyện, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức nhiều đợt tuyên truyền các văn bản pháp luật, phòng chống TNXH, bạo lực học đường, an toàn giao thông… Huyện đoàn còn phối hợp với lực lượng chức năng tổ chức nhiều đợt tuần tra canh gác trong những ngày lễ lớn với 84 cuộc thu hút trên 882 lượt ĐVTN tham gia; tổ chức cho hơn 3.400 ĐVTN ký cam kết không vi phạm các TNXH; tổ chức được 56 đợt tuyên truyền pháp luật, thu hút trên 6.552 lượt ĐVTN tham gia; tổ chức sinh hoạt hè, hoạt động ngoại khóa thu hút trên 3.600 ĐVTN, học sinh tham gia…
Thông qua các hoạt động, nhận thức của ĐVTN và người dân ở địa phương về tác hại của ma túy, mại dâm và HIV/AIDS được nâng lên, từ đó góp phần làm thay đổi hành vi của ĐVTN, tích cực phòng, chống TNXH. Đến nay, 12/12 xã, thị trấn của huyện Dầu Tiếng đã thành lập Câu lạc bộ (CLB) Thắp sáng niềm tin với 126 thành viên tích cực hoạt động. Bên cạnh đó, các CLB Hạnh phúc gia đình trẻ, CLB Phòng chống tệ nạn xã hội đều phát huy vai trò, góp phần trang bị kiến thức, kỹ năng khi các bạn trẻ tiếp cận với các vấn đề của cuộc sống.
Ngoài ra, 100% các trường THPT, trung cấp dạy nghề, cao đẳng, đại học trên địa bàn duy trì thực hiện mô hình hòm thư “Vì tương lai bạn bè” nhằm phát hiện, tố giác những biểu hiện xấu trong học đường; kịp thời nắm bắt, lên danh sách những đối tượng là thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa, phân công trách nhiệm cùng các ngành, đoàn thể quản lý, giáo dục, cảm hóa, giúp các em tiến bộ, ngăn ngừa tái phạm và phòng ngừa bị lôi kéo vào những hoạt động phạm pháp. Các cơ sở, Đoàn, Hội ở địa phương phối hợp với ngành chức năng cùng vận động ĐVTN, các gia đình có người nghiện ma túy, tham gia vào các hoạt động đấu tranh, ngăn ngừa phát hiện, tố giác tội phạm, cảm hóa người phạm tội sau khi cải tạo, tái hòa nhập cộng đồng.
Song song đó, công tác tuyên truyền được các chi đoàn đổi mới về nội dung, hình thức, tổ chức thường xuyên, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với đặc thù từng địa phương. Cụ thể, các chi đoàn đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, mở các buổi tập huấn, học tập chuyên đề về phòng chống ma túy, giao lưu văn hóa văn nghệ, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật về ma túy, giao lưu với các điển hình tiên tiến trong lĩnh vực phòng chống ma túy… Điều này đã góp phần giúp ĐVTN xác định, ý thức rõ hơn về trách nhiệm trong công tác phòng, chống ma túy và phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; từng bước hướng thanh niên vào các hoạt động có ích, góp phần giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn; nâng cao tinh thần cảnh giác, đấu tranh tố giác tội phạm; đồng thời cảm hóa, giáo dục giúp đỡ thanh thiếu niên vi phạm TNXH tái gia nhập cộng đồng để trở thành công dân có ích cho xã hội.
T.THƯƠNG