TX.Dĩ An luôn tạo điều kiện thuận lợi để người dân ứng dụng công nghệ mới vào chăn nuôi

Cập nhật: 21-11-2018 | 06:33:19

Với mục tiêu từng bước đưa đô thị Dĩ An ngày càng xanh - sạch - đẹp, văn minh, hiện đại và phát triển bền vững, trong những năm qua TX.Dĩ An đặc biệt quan tâm đến vấn đề ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi. Cụ thể, UBND thị xã đã ban hành kế hoạch lập lại trật tự trong ngành nghề chăn nuôi. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc phỏng vấn bà Quách Kim Oanh, Quyền Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường TX.Dĩ An.

 - Xin bà cho biết mục đích kế hoạch lập lại trật tự trong ngành nghề chăn nuôi của UBND TX.Dĩ An?

- Mục đích của kế hoạch này là tuyên truyền các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động chăn nuôi và khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để người dân ứng dụng công nghệ mới phát triển chăn nuôi sạch, nông nghiệp công nghệ cao, thay đổi ngành nghề hoặc mô hình sản xuất phù hợp với quy hoạch phát triển trong thời kỳ mới. Bên cạnh đó, kế hoạch cũng xác định tổ chức kiểm tra và thông báo cho các cơ sở, hộ gia đình, cá nhân đang hoạt động chăn nuôi thực hiện việc giảm đàn và dần tiến đến chấm dứt hoàn toàn hoạt động chăn nuôi trên địa bàn TX.Dĩ An.

Một cơ sở chăn nuôi tại TX.Dĩ An. Ảnh: PHƯƠNG AN

- Kết quả thực hiện kế hoạch lập lại trật tự trong ngành nghề chăn nuôi ở thị xã đến thời điểm này đã đạt được như thế nào, thưa bà?

- Triển khai thực hiện kế hoạch, Phòng Tài nguyên và Môi trường đã từng bước cụ thể hóa kế hoạch nói trên thông qua việc tổ chức hội nghị triển khai các quy định về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực chăn nuôi. Đồng thời, phòng giới thiệu, hướng dẫn cho hơn 340 hộ chăn nuôi về các mô hình sản xuất nông nghiệp đô thị và các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp. Đến nay, hầu hết các cơ sở, hộ chăn nuôi trên địa bàn đã hiểu rõ, đồng tình với định hướng phát triển chung của địa phương. Tuy nhiên, họ vẫn mong muốn địa phương có các chính sách hỗ trợ rõ ràng, chi tiết để các cơ sở, hộ chăn nuôi ổn định kinh tế và chuyển đổi sang ngành nghề phù hợp.

Hiện nay, thực hiện theo kế hoạch của UBND thị xã, Phòng Tài nguyên và Môi trường đã hoàn tất kiểm tra thí điểm tại địa bàn phường Tân Đông Hiệp. Qua kiểm tra cho thấy, trên địa bàn phường có 71 cơ sở, hộ gia đình chăn nuôi; phòng đã thông báo và vận động người dân chấp hành chủ trương chung của UBND thị xã. Bên cạnh đó, Phòng Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND thị xã báo cáo tổng kết kết quả kiểm tra và phân loại theo 3 nhóm với lộ trình giảm đàn và chấm dứt chăn nuôi theo thời gian 6 tháng, 12 tháng và 18 tháng.

Đối với các phường còn lại của thị xã, đến nay đã hoàn tất công tác kiểm tra, ghi nhận; theo đó có 256/358 hộ gia đình tự nguyện ngưng chăn nuôi, còn lại 102/358 hộ gia đình đang hoạt động chăn nuôi. Tuy nhiên, các hộ này cũng đã nhận thức được ngành nghề chăn nuôi không còn phù hợp với quá trình phát triển của địa phương, do đó đã tiến hành giảm đàn. Phòng Tài nguyên và Môi trường sẽ tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện và phân loại theo 3 nhóm tham mưu UBND thị xã ban hành quyết định chấm dứt hoạt động chăn nuôi theo định hướng chung của tỉnh và thị xã.

- Những điểm mấu chốt để thực hiện thành công kế hoạch nói trên là gì, thưa bà?

- Trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch của UBND thị xã, Phòng Tài nguyên và Môi trường đã gặp không ít khó khăn do hầu hết các hộ chăn nuôi nằm trong khu Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh - nơi có đông người dân ngoài tỉnh đến sinh sống. Do cuộc sống của họ còn nhiều khó khăn về kinh tế, nguồn thu nhập chính là chăn nuôi heo để trang trải cuộc sống gia đình nên nhiều hộ xây dựng chuồng trại, câu mắc điện tạm bợ; một số hộ không có nơi cư trú, do đó tiếp tục sinh sống và chăn nuôi trong khu vực này. Cá biệt có một số hộ ở khu vực này là chủ đất đã bị quy hoạch nhưng lại xây dựng chuồng trại tương đối kiên cố với giá trị đầu tư lớn, nên họ cố tình kéo dài thời gian chăn nuôi để thu hồi vốn, gây khó khăn cho ngành chức năng trong việc thực hiện di dời theo kế hoạch...

Khó khăn là vậy, nhưng thuận lợi lớn nhất của Phòng Tài nguyên và Môi trường trong việc thực hiện kế hoạch của UBND thị xã là có sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Thị ủy, UBND thị xã và các cấp, các ngành liên quan. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền được đơn vị tăng cường thường xuyên để người dân nhận thức là Dĩ An đang phát triển đô thị xanh - sạch - đẹp, văn minh, nên các điểm nóng về ô nhiễm môi trường như các khu chăn nuôi xen lẫn trong khu dân cư địa phương kiên quyết xử lý theo đúng quy định.

Ngoài ra, trong quá trình kiểm tra, Phòng Tài nguyên và Môi trường đã định hướng cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn một số giải pháp khắc phục vấn đề ô nhiễm môi trường. Cụ thể các hộ chăn nuôi sử dụng chế phẩm sinh học bổ sung vào thức ăn và chất thải chăn nuôi nhằm hạn chế mùi hôi, giảm ô nhiễm môi trường; xây dựng mô hình chăn nuôi khép kín, thu hút đầu tư nông nghiệp, chăn nuôi công nghệ cao theo hình thức hợp tác xã, kinh tế trang trại; tái sử dụng chất thải của vật nuôi thông qua hệ sinh thái tự nhiên hoặc có tác động của con người…

PHƯƠNG AN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=3217
Quay lên trên