TX.Tân Uyên đang thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương gắn với chuyển đổi số, phát triển đô thị thông minh. Định hướng này sẽ giúp thay đổi cách tiếp cận và kết nối giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp; nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ công, hình thành cơ sở dữ liệu mở hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển bền vững.
Tuyến đường ĐT746 nối dài phường Uyên Hưng đang được khảo sát để bố trí bến xe, phát triển đô thị theo hướng thông minh
Chuyển đổi số toàn diện
Trao đổi với chúng tôi, ông Đoàn Hồng Tươi, Chủ tịch UBND TX.Tân Uyên, cho biết trong 6 tháng đầu năm 2022, lãnh đạo thị xã đã làm việc với các đơn vị tư vấn báo cáo mô hình Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (IOC) của thị xã. Theo đó, VNPT Bình Dương trình bày giải pháp xây dựng IOC thúc đẩy chuyển đổi số thị xã. IOC thị xã là thành phần thuộc IOC tỉnh, kết nối liên thông với các trung tâm giám sát, điều hành chuyên ngành, với IOC tỉnh trên nền tảng cơ sở dữ liệu tích hợp.
Theo kế hoạch, năm 2022 là thời gian thị xã thiết lập các nền tảng ban đầu của chính quyền số trên cơ sở những giải pháp đã có về chính quyền điện tử, tập trung chuyển đổi số các lĩnh vực ưu tiên về hạ tầng, tích hợp dữ liệu, kết nối với người dân, điều hành kinh tế - xã hội, y tế, giáo dục, du lịch; ứng dụng AI, IoT để phục vụ người dân tốt hơn. Giai đoạn 2023-2025, các cơ sở dữ liệu về dân cư, doanh nghiệp được hình thành và chia sẻ giữa các ngành; tích hợp xuyên suốt các dịch vụ công trực tuyến và phát triển các dịch vụ số cho người dân dựa trên Citizen ID; mở rộng các giải pháp số cho giao thông, môi trường, nông nghiệp. Giai đoạn 2025-2030, thị xã hình thành cơ sở dữ liệu lớn phục vụ phân tích, dự báo tình hình kinh tế - xã hội; quản lý toàn diện quan hệ với người dân; chính quyền hiểu rõ nhu cầu của người dân nhờ dữ liệu lớn; người dân tham gia quản trị, phát triển đô thị trên môi trường số.
Đơn vị tư vấn Viettel Bình Dương đã đề xuất triển khai hợp tác toàn diện giữa Viettel và TX.Tân Uyên trong tập trung chuyển đổi số hạng mục, lĩnh vực ưu tiên: Trung tâm điều hành thông minh; camera giám sát an ninh, giao thông đô thị; lĩnh vực y tế, giáo dục trong năm 2022. “Hiện các ngành chức năng của thị xã đang nghiên cứu, đánh giá, đề xuất lựa chọn đơn vị phù hợp để sớm triển khai các giải pháp chuyển đổi số toàn diện các lĩnh vực trên địa bàn thị xã, hướng tới phát triển đô thị thông minh”, ông Đoàn Hồng Tươi nói.
Thời gian qua, TX.Tân Uyên cũng đẩy mạnh phát triển giao thông theo hướng văn minh, hiện đại, đồng thời tuyên truyền cho người dân về những tiện ích của dịch vụ giao thông công cộng để người dân biết và sử dụng xe buýt; xem xét hỗ trợ chi phí đầu tư ban đầu, lắp đặt nhà chờ… Trước mắt, Công ty Becamex Tokyu đang nghiên cứu mở tuyến kết nối TX.Tân Uyên với thành phố mới Bình Dương, kết nối giữa Trung tâm Hành chính tỉnh với UBND TX.Tân Uyên, lượt đi 15,2km, lượt về 15,4km với 24 trạm (trong đó có 20 trạm lắp đặt mới), thời gian chạy xe là 30 phút. Tuyến xe buýt hướng đến việc phục vụ học sinh ở TX.Tân Uyên đến thành phố mới học tập, người dân vui chơi, mua sắm tại Hikari hoặc khu Sora Shopping Center (khai trương năm 2023).
Đẩy mạnh tiến độ xây dựng làng thông minh Bạch Đằng
Với mục tiêu đưa xã Bạch Đằng đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu, hướng tới trở thành làng thông minh đầu tiên của Bình Dương trong năm 2025, hiện nay TX.Tân Uyên đang đẩy nhanh việc xây dựng làng thông minh Bạch Đằng bao gồm các hợp phần về thiết chế thông minh, con người thông minh, chính quyền thông minh và nông nghiệp thông minh. Đây sẽ là nơi đáng sống với môi trường thiên nhiên trong lành, phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái và là biểu tượng xanh của tỉnh.
Ông Bùi Minh Trí, Bí thư Thị ủy Tân Uyên, cho biết đầu tháng 7 vừa qua, lãnh đạo thị xã đã có buổi làm việc với xã Bạch Đằng và đề nghị Đảng ủy xã Bạch Đằng quan tâm chỉ đạo, đôn đốc thực hiện Đề án Làng thông minh đạt hiệu quả. Trước mắt, xã cần quan tâm vận động nhân dân thực hiện phân loại rác thải tại nguồn; xây dựng các tuyến đường kiểu mẫu, bố trí vốn và xã hội hóa việc lắp đặt hệ thống chiếu sáng, bố trí vốn thực hiện các công trình xây dựng Làng thông minh theo lộ trình từng năm; quan tâm hỗ trợ người dân đăng ký sản phẩm OCOP…
Theo bà Võ Thị Bảo Xuyên, Chủ tịch UBND xã Bạch Đằng, trong 6 tháng đầu năm 2022, đề án xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025, gắn với xây dựng thí điểm làng thông minh trên địa bàn xã được tập trung thực hiện. Qua đó, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư; cơ cấu kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng nông nghiệp kỹ thuật cao, nâng cao chất lượng, hiệu quả; sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển và từng bước ổn định, nhất là sản phẩm bưởi thương hiệu Bạch Đằng. Xã Bạch Đằng đã chọn 3 vườn bưởi để xây dựng “Vườn mẫu”, chọn ấp Tân Long xây dựng “Khu dân cư kiểu mẫu”; vận động xã hội hóa nâng cấp 2 tuyến đường nông thôn, thắp sáng 1 tuyến đường; khảo sát và đề nghị lắp đặt 39 camera, 35 điểm wifi công cộng.
TIỂU MY