TX.Thuận An: Hiệu quả từ việc trồng cây chống sạt lở

Cập nhật: 12-09-2018 | 10:56:58

Trước tình trạng sạt lở và xâm nhập mặn diễn biến phức tạp, TX.Thuận An đã trồng xây xanh trên các tuyến đê bao xung yếu trên địa bàn. Sau hai năm thực hiện đề án, nhiều cây phát triển tốt, góp phần hạn chế sạt lở, xâm nhập mặn và tạo cảnh quan xanh cho đô thị Thuận An.

Trồng cây chống sạt lở

Hiện nay, trên địa bàn TX.Thuận An có 160 kênh, rạch với tổng chiều dài gần 90km, phục vụ nước tưới cho sản xuất nông nghiệp và thoát nước đô thị. Cùng với hệ thống đê bao An Sơn - Lái Thiêu được đầu tư kiên cố và hệ thống kênh, rạch thường xuyên được nạo vét, khơi thông đã đáp ứng được yêu cầu công tác phòng, chống thiên tai, hạn chế tình trạng tràn bờ, gây ngập úng; bảo đảm nhu cầu về tiêu thoát nước và phục vụ sản xuất. Tuy nhiên vẫn còn một số bờ bao xung yếu, có nguy cơ xảy ra bể bờ, tràn bờ khi triều cường dâng cao, nhất là tại các địa phương thấp như An Sơn, An Thạnh, Hưng Định, Bình Nhâm và Vĩnh Phú. Trong khi đó, nguồn kinh phí hàng năm phục vụ đầu tư các công trình thủy lợi gặp khó khăn.


Được sự chăm sóc của người dân, những cây dừa trên rạch Búng (phường Hưng Định) được trồng theo Đề án của thị xã phát triển xanh tốt, góp phần hạn chế sạt lở và tạo cảnh quan đô thị

Trước tình trạng trên, thực hiện Quyết định số 172/2007/QĐ-TTg ngày 16-11-2007 của Thủ tướng Chính Phủ về phê duyệt chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020, UBND TX.Thuận An đã ban hành Quyết định số 7415/QĐ-UBND ngày 11-12-2015 phê duyệt Đề án “Trồng cây phòng, chống sạt lở hệ thống bờ bao, đê bao sông, kênh, rạch trên địa bàn TX.Thuận An giai đoạn 2016-2017” (gọi tắt là Đề án). Thông qua việc thực hiện Đề án nhằm phòng, chống sạt lở ở kênh, rạch; tạo mỹ quan đô thị; cải tạo môi trường sinh thái và đáp ứng yêu cầu về cây xanh trong tiêu chí xây dựng đô thị Thuận An loại II theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TX.Thuận An nhiệm kỳ 2015-2020.

Theo đó, Đề án chọn cây dừa làm cây trồng chủ yếu ở các điểm “nóng” về sạt lở, xói mòn. Vì cây dừa có bộ rễ phát triển và ăn sâu vào đất, cùng với rễ các cây khác sẽ tạo thành đê bao vững chắc để bảo vệ các bờ sông, kênh rạch, chống xói mòn, lở đất do sóng nước từ phương tiện giao thông đường thủy. Đồng thời, rễ cây dừa còn có tác dụng giữ đất bồi ven kênh rạch, góp phần cải tạo đất. Không những thế, cây dừa còn có khả năng chống xâm nhập mặn, chắn gió và tạo cảnh quan đẹp trên các kênh rạch. Cùng với trồng dừa, một số bờ bao còn được trồng thêm cây xăng máu và chôm chôm để tạo cảnh quan đô thị. Thực hiện chỉ đạo của UBND thị xã, Phòng Kinh tế đã triển khai kế hoạch trồng gần 9.200 cây dừa, xăng máu và chôm chôm trên 137 tuyến kênh, rạch trên địa bàn phường Hưng Định, An Thạnh, An Sơn, Bình Nhâm, Vĩnh Phú và Bình Hòa với tổng kinh phí hơn 1,5 tỷ đồng.

Cần đẩy mạnh tuyên truyền mặt tích cực của đề án

Đánh giá hiệu quả ban đầu của việc thực hiện Đề án, ông Nguyễn Thành Úy, Trưởng phòng Kinh tế TX.Thuận An, cho biết trước tình trạng sạt lở, xói mòn diễn biến phức tạp cùng với tình trạng xâm nhập mặn diễn ra mạnh mẽ vào mùa khô đã ít nhiều gây ảnh hưởng đến đời sống sản xuất của người dân địa phương. Từ đó, chính quyền địa phương thường xuyên thông tin tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về vai trò và lợi ích của trồng cây để bảo vệ mùa màng. Vì vậy, khi UBND TX.Thuận An triển khai trồng cây dọc bờ sông, kênh, rạch với chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm” đã nhận được sự đồng tình của người dân. Theo đó, UBND TX.Thuận An trang bị giống và kinh phí trồng cây. Sau đó, UBND TX.Thuận An sẽ bàn giao những cây đã trồng dọc kênh rạch, bờ sông nằm trong diện tích đất tiếp giáp với đất của người dân để họ chăm sóc và thụ hưởng. Đến nay, cây trồng được người dân quan tâm chăm sóc và phát quang cỏ dại giúp cây đạt tỷ lệ sống cao và phát triển nhanh. Một số địa phương làm tốt là phường An Thạnh, Bình Nhâm và Hưng Định”.

Tuy nhiên theo ông Úy, tại một số địa phương như Bình Hòa và Vĩnh Phú có tỷ lệ cây sống đạt thấp chỉ khoảng 35 - 50%. Nguyên nhân là do công tác tuyên truyền trong nhân dân chưa được sâu rộng, dẫn đến một số hộ dân không nắm bắt được mục đích và lợi ích của việc trồng cây. Nhiều hộ chăn nuôi dê, bò thả rông gây hư hại, thậm chí có trường hợp người dân cho rằng Nhà nước trồng cây để “chiếm đất” nên đã nhổ bỏ hoặc chặt phá.

Phát biểu tại hội nghị tổng kết việc thực hiện Đề án, ông Đỗ Thanh Sử, Phó Chủ tịch UBND TX.Thuận An, nhấn mạnh: “Ngoài phòng, chống sạt lở, việc thực hiện Đề án còn góp phần tạo mảng xanh nhằm đáp ứng yêu cầu về cây xanh trong tiêu chí xây dựng đô thị Thuận An loại II. Vì vậy, các ngành chức năng cùng với chính quyền địa phương cần tuyên truyên rõ cho người dân hiểu rằng với mục đích là phòng, chống sạt lở và tạo mảng xanh đô thị, UBND thị xã cung cấp cây giống và công trồng cây trên các tuyến đê bao. Sau đó, chính quyền sẽ giao cho người dân chăm sóc và hưởng lợi khi cây cho trái. Nếu người dân hiểu rõ chủ trương này thì chắc chắn sẽ chăm sóc tốt”. Ông Sử yêu cầu Phòng Kinh tế phối hợp các địa phương tiến hành rà soát, đánh giá lại tình trạng cây đã trồng trên tuyến kênh, rạch để chọn cây phù hợp và trồng dặm trước khi kết thúc mùa mưa năm nay.

Sẽ trồng 40.000 cây xanh trong năm 2018 và 2019

Thực hiện Kế hoạch số 2050/KH-UBND ngày 18-5-2018 của UBND tỉnh triển khai Chương trình trồng cây xanh giai đoạn 2018-2019 (gọi tắt là Chương trình), UBND TX.Thuận An đã ban hành kế hoạch triển khai Chương trình trồng cây xanh giai đoạn 2018-2019 trên địa bàn thị xã với mục đích từng bước bảo đảm tiêu chí cây xanh đô thị, phục vụ đô thị Thuận An đạt tiêu chí loại II vào năm 2019 và Chương trình phát triển đô thị thị xã giai đoạn 2016-2020. Thông qua việc triển khai Chương trình còn góp phần thực hiện tốt công tác quản lý đất đai ở các phường, xã, hạn chế tình trạng lấn chiếm đất công hoặc bỏ hoang không sử dụng; nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ môi trường, góp phần giảm nhẹ thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo kế hoạch, TX.Thuận An sẽ trồng 40.000 cây sao, dầu trên 5% diện tích đất công ích do các xã, phường quản lý và các dự án khu dân cư, tuyến đường giao thông. Việc trồng cây phải bảo đảm đúng quy định, đạt chỉ tiêu kế hoạch, tỷ lệ cây sống cao và được chăm sóc thường xuyên.

Theo đánh giá của UBND TX.Thuận An, cùng với Đề án “Trồng cây phòng, chống sạt lở hệ thống bờ bao, đê bao, sông, kênh, rạch trên địa bàn TX.Thuận An giai đoạn 2016-2017”, việc triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình này sẽ góp phần thay đổi cảnh quan đô thị Thuận An trong thời gian tới.

NGUYỄN HẬU

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=700
Quay lên trên