Địa bàn TX.Thuận An nằm tiếp giáp sông Sài Gòn, cùng hệ thống kênh rạch dày đặc. Do đó, mỗi năm thị xã hứng chịu nhiều đợt triều cường dâng cao gây ngập úng kéo dài, ảnh hưởng đến cuộc sống cũng như sản xuất của người dân. Để khắc phục tình trạng này, thời gian qua thị xã đã tăng cường gia cố bờ bao, chủ động khắc phục ngay sau khi bị vỡ, sạt lở bờ bao, kênh rạch.
Khẩn trương khắc phục các điểm sạt lở
Ông Nguyễn Văn Dẩu, ở phường Vĩnh Phú, TX.Thuận An, chia sẻ nhà ông ở gần đê bao sông Sài Gòn nên rất lo lắng trước mùa mưa bão sắp tới. Đợt lũ do cơn bão số 9 vừa qua gây ra, nhà ông ngập cao đến 1m, gây hư hỏng các vật dụng trong nhà. Ông mong cơ quan chức năng sớm vào cuộc, gia cố các đoạn đê bao để cuộc sống, sinh hoạt của gia đình và người dân xung quanh không bị ảnh hưởng.
Đoạn bờ bao kênh tiêu nước Sóng Thần - Đồng An bị sạt một phần, phường Vĩnh Phú đã giăng dây cảnh báo nguy hiểm cho người dân và các phương tiện qua lại. Ảnh: VĂN TIẾN
Hiện trên địa bàn phường Vĩnh Phú có 2 tuyến đê bao lớn kết hợp với đường giao thông, gồm đê bao sông Sài Gòn với tổng chiều dài gần 2km do TX.Thuận An quản lý và đê bao kênh tiêu nước Sóng Thần - Đồng An do Trung tâm Đầu tư, khai thác thủy lợi và nước sạch nông thôn quản lý. Ông Nguyễn Hữu Phương, thành viên Ban thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai phường Vĩnh Phú, cho biết nhiều đoạn trên tuyến đê bao sông Sài Gòn hiện nay đã bị xuống cấp, nguyên nhân là do xe có trọng tải lớn thường xuyên lưu thông qua đây. Trong năm 2018, thị xã đã nâng cấp 2 đoạn bị sạt lở do thủy triều gây tràn bờ, hiện còn 1 đoạn đang xuống cấp.
Đối với tuyến đê bao kênh tiêu nước Sóng Thần - Đồng An, nhiều đoạn đê đã xuống cấp, nguy cơ vỡ là rất cao nếu không kịp thời được khắc phục. Vừa qua, do ảnh hưởng cơn bão số 9, tuyến đê bao này bị sạt lở 1 đoạn với chiều dài 30m và tràn bờ 150m, gây ngập khu vực ở khu phố Trung.
Hiện trên địa bàn phường Vĩnh Phú còn có một số bờ bao xung yếu, như bờ bao Cầu Đồn, Cầu Đất thuộc khu phố Đông và bờ rạch cùng thuộc khu phố Phú Hội còn yếu và thấp nên nguy cơ vỡ, sạt lở và tràn bờ là rất cao. Năm 2018, phường đã gia cố tạm thời bờ Cầu Đồn với chiều dài 350m. Phường cũng quan tâm thực hiện thủy lợi nội đồng, như vệ sinh cỏ rác, vớt lục bình, nạo vét, khơi thông dòng chảy...
Thực hiện đồng bộ các giải pháp
Do ảnh hưởng của cơn bão số 9 năm 2018, phường An Thạnh, TX.Thuận An cũng bị ngập nặng, trong đó một số khu vực ngập trắng như các khu phố Thạnh Lộc, Thạnh Bình… với tổng diện tích ngập gần 440 ha. Bên cạnh đó, toàn phường có khoảng 100 bờ bị bể, sạt lở, hơn 4.000m bờ bị tràn ở các tuyến rạch Mương Đỏ, rạch Cầu Miễu, rạch 6 Tro - Nhà Vuông, rạch Cầu Nhỏ…; có hơn 3.000 hộ dân bị ảnh hưởng.
Theo thống kê, hiện trên địa bàn phường An Thạnh có 11 tuyến rạch không có cống ngăn tràn, 13 tuyến có cống ngăn tràn. Một số rạch trên địa bàn phường như rạch Cầu Miễu, rạch Vàm Búng, rạch Thầy Quỳnh, rạch Suối Cát - Khu 3 có nguy cơ sạt lở rất cao; riêng rạch Suối Cát - Khu 3 trước đó đã được khắc phục các đoạn bị sạt lở và bể bờ bao, tuy nhiên sau đợt lũ vừa qua đã xảy ra thêm 3 đoạn bị sạt lở. Phường đã khảo sát để có hướng xử lý kịp thời những đoạn sạt lở mới này.
Ông Lê Anh Vũ, Chủ tịch UBND phường, Trưởng ban Chỉ huy phòng chống thiên tai phường An Thạnh, cho biết những năm qua công tác gia cố bờ bao luôn được phường quan tâm thực hiện thường xuyên. Chỉ tính trong năm 2018, phường đã đầu tư trên 600 triệu đồng để gia cố các đoạn bờ bao có nguy cơ sạt lở.
Trước nguy cơ vỡ, sạt lở bờ bao ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân, thời gian qua, TX.Thuận An đã chỉ đạo khắc phục bằng nhiều hình thức như trồng dừa dọc theo bờ bao, bờ kênh, gia cố bờ bao, bờ kênh; đồng thời thực hiện công tác thủy lợi nội đồng, khai thông dòng chảy kênh, rạch... Chỉ riêng trong năm 2018, TX.Thuận An đã thực hiện 7 công trình thủy lợi với tổng vốn đầu tư 12,37 tỷ đồng, tổng chiều dài 2,8km. Đến nay, 6/7 công trình đã nghiệm thu hoàn thành và đưa vào sử dụng, 1 công trình đang hoàn thành.
VĂN TIẾN