Phía nam những ngôi đền Kyoto linh thiêng của Nhật Bản, nổi bật giữa các nhà máy công nghiệp và khu dân cư trung bình là một tòa nhà chọc trời. Trong một căn phòng trên đỉnh của tòa nhà, tỷ phú doanh nhân Shigenobu Nagamori – với chiếc cà vạt xanh lá cây, áo túi vuông cùng cặp kính trong, đang diễn thuyết về đường lối kinh doanh của mình, Bloomberg mô tả.
Tỷ phú doanh nhân Shigenobu Nagamori – CEO Nidec. Nguồn: Bloomberg
Đường lối kinh doanh đặc biệt
“Nếu bạn làm việc cho tôi – Giám đốc điều hành Nidec Corp. nói – bạn sẽ không bao giờ bị sa thải bởi không đủ năng lực, thế nhưng cũng đừng vì thế mà lên kế hoạch nghỉ phép quá nhiều. Nếu bạn mua cổ phần từ doanh nghiệp điện tử trị giá 27 tỷ USD này, cái mà tôi đã cất công dựng nên khi còn ở căn gác xép cạnh nông trại của mẹ tôi, hãy quên việc đề nghị số lợi nhuận nhiều hơn đi. Ngay cả khi bạn có là Masayoshi Son, người giàu thứ hai Nhật Bản, bạn hãy cứ chuẩn bị tinh thần lắng nghe hàng đống lời chỉ trích từ tôi nếu tôi phát hiện bạn đã làm sai một việc gì đó”.
“Tôi là một người kỳ quặc, một cá nhân đặc biệt”, Nagamori – 71 tuổi, nói trong một buổi phỏng vấn tại trụ sở chính của Nidec ở thủ đô Nhật Bản, nơi mà ông cho bảo quản cái nhà kho tiền chế ngày xưa trong đại sảnh 19 tầng phía dưới văn phòng của mình, “Tôi đi ngược lại những điều thông thường”.
Khi mà mọi người, từ Thủ tướng Shinzo Abe đến nhà đầu tư Dan Loeb đều thúc giục các doanh nghiệp Nhật hãy lắng nghe tiếng nói của các cổ đông nhiều hơn và nâng cấp bộ luật lao động truyền thống, Nagamori phớt lờ mọi lời khuyên, thậm chí còn chỉ trích các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán. Ông nhắc nhở thẳng thắn rằng đối với một số công ty Nhật, một lối tiếp cận kỳ quặc so với tiêu chuẩn của Wall Street vẫn có thể mang lại thành công to lớn.
Doanh nghiệp của Nagamori đã đi ngược lại sự sút giảm trong chỉ số Topix (chỉ số trên sàn chứng khoán Tokyo) của Nhật Bản trong năm 2016 khi tăng tới 5,3%, lợi nhuận của họ đạt tới ngưỡng kỷ lục năm thứ ba liên tiếp. Mức tăng 457% so với khủng hoảng tài chính toàn cầu vào năm 2008 của Nidec cao hơn mức chứng khoán được định chuẩn khoảng 8 lần, lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này giữ nguyên ở 12,1%, trong khi Topix là 6,8%.
Khả năng thương lượng thông minh là chìa khóa thành công của Nagamori. Từ khi thành lập năm 1973 đến nay, Nidec đã mua lại hơn 49 công ty, 24 trong số đó là công ty nước ngoài, bao gồm thương vụ 1,2 tỷ USD mua doanh nghiệp động cơ, ổ đĩa và năng lượng Emerson Electric Co. (của Hoa Kỳ). Trước khi thương vụ này được thông báo chính thức, Nagamori cho hay ông dành ra khoản kinh phí 1 nghìn tỷ yen (9,8 tỷ USD) để mở rộng Nidec, chế tạo động cơ với độ chính xác cao dành cho mọi thứ từ tủ lạnh đến xe hơi.
Sau khi thấy rằng thị trường chủ lực của mình – linh kiện động cơ nhỏ – đã trưởng thành, Nagamori đã lên kế hoạch mở rộng lĩnh vực hoạt động bao gồm thành phần ô tô, thiết bị gia dụng, động cơ thương mại và công nghiệp. Tháng Giêng 2015, Nidec đã chính thức nhận chuyển giao Công ty Geraete and Pumpenbau (GPM) – một trong những công ty hàng đầu trong lĩnh vực linh kiện ô tô của Đức, theo Nikkei. Ông cũng đang tìm hiểu các lĩnh vực khác như xe tự lái và internet of things.
Công ty Nidec Việt Nam – một nhánh của Nidec Nhật Bản, được thành lập năm 2005, đặt trụ sở tại Khu Công nghệ cao TP.HCM, hiện chuyên sản xuất mô tơ điện tử, phụ kiện máy tính.
“Nếu nhắc tới việc mua bán và sáp nhập (M&A), Nagamori là người giỏi nhất Nhật Bản”, Bloomberg dẫn lời Mitsushige Akino – Giám đốc điều hành Công ty Ichiyoshi Asset Management Co. (trị giá 1,2 tỷ USD), “Là một nhà đầu tư, tôi cảm thấy rất tự tin và an toàn khi được làm việc cùng ông”.
Triết lý quản trị kỳ quặc
Thay đổi người đứng đầu có thể sẽ là mối nguy hiểm lớn nhất đối với doanh nghiệp này, theo nhà đầu tư Akino. Nếu nhà sáng lập bước xuống và quá trình chuyển giao không thuận lợi, Nidec có thể mất đi “phí bảo hiểm Nagamori”, ông Akino cho biết.
Nhưng, theo như Nagamori tuyên bố, việc chuyển giao vị trí đứng đầu sẽ không xảy ra sớm. Sau hơn 4 thập kỷ làm việc, ông vẫn đi làm hằng ngày và “thề” sẽ tiếp tục tới một lúc nào đó trong năm 2030, với mục tiêu tăng doanh thu hàng năm đến 10 nghìn tỷ yen (từ mức 1,2 nghìn tỷ yen của hồi tháng Ba năm nay). Và ông nói rằng sẽ chọn người kế vị theo cùng tiêu chuẩn mà ông sử dụng để chọn cá nhân xứng đáng được thăng chức: người nào có thể kiếm được nhiều tiền cho Nidec.
Triết lý quản lý nhân viên Nidec của ông có vẻ kỳ quặc trong mắt người phương Tây, nhưng nó không hẳn là đặc biệt ở Nhật: Nhân viên không bao giờ lo bị cho thôi việc, chỉ cần họ làm đủ thời gian làm việc được yêu cầu. Và nếu một người nào đó không thể hoàn thành công việc được giao, Nagamori sẽ tìm cho họ một vị trí khác.
Đây là lối suy nghĩ thường thấy tại một đất nước mà các doanh nghiệp (thay vì các bang như ở phương Tây) cung cấp an sinh xã hội. Nagamori cho biết, chăm sóc nhân viên là chìa khóa thành công của doanh nghiệp. Ông dùng bữa với mọi nhóm nhân viên để tạo mối liên kết thân thiết và bền chặt giữa các cấp độ.
Điều hành hoạt động ở Nidec không hề dễ dàng. Ngay cả khi là tại quốc gia nổi tiếng với những nhân viên tận tụy, Nidec vẫn dẫn đầu danh sách những doanh nghiệp có nhu cầu nhân sự cao. CEO Nagamori cho biết, các buổi họp được tổ chức vào ngày cuối tuần hoặc sau khi nhiệm vụ thường ngày đã hoàn thành. Nhân viên thường được yêu cầu đi lau dọn nhà vệ sinh, và người nghỉ phép được đánh giá là lười biếng.
Nagamori không hề cảm thấy có lỗi về những điều trên.
“Thời buổi này, nếu bạn bảo người khác hãy đầu tư tất cả mọi thứ vào công việc của họ, bạn sẽ sớm bị gọi là công ty đen”, ông sử dụng một thuật ngữ Nhật chỉ những doanh nghiệp coi thường tiêu chuẩn lao động, “Tôi không ngại điều đó. Nếu bạn không làm việc, bạn sẽ thua. Những người làm tôi khó chịu là những kẻ lười biếng”.
Nagamori coi nhân viên là đối tượng ưu tiên cao hơn các nhà đầu tư, với phân tích rằng một lực lượng lao động hiệu quả sẽ mang lại những giá trị tốt và lâu dài hơn nhiều cho cổ đông. Vì vậy, ông cũng không có đủ kiên nhẫn dành cho những cổ đông gây ấn tượng xấu trong mắt ông.
“Khi các nhà đầu tư hỏi, tôi nói rằng họ là số một, nhưng đó không phải là điều tôi thật sự nghĩ”, ông nói, “Nếu cổ đông hỏi tôi những câu hỏi kỳ lạ tại buổi họp thường niên, tôi nói với họ rằng mình không thể tự chọn cổ đông cho công ty, nhưng họ có thể chọn lựa doanh nghiệp họ muốn đầu tư vào”.
Người lao động làm việc cho Nidec, dù ở bất kỳ quốc gia, vùng lãnh thổ nào, sớm muộn cũng đều phải hấp thụ triết lý quản trị của ông: “Làm ngay. Làm không do dự. Làm cho đến khi hoàn thành“.
Mục tiêu phấn đấu khác biệt
Kể lại câu chuyện một doanh nhân trẻ xin ông lời khuyên trước khi quyết định có bán hay không công ty mà mình đã xây dựng, tỷ phú Nagamori cho biết: “Tôi nói với cậu ấy tuyệt đối không được bán. Nếu bạn chỉ quyết định bán khi mọi việc đang đi theo chiều hướng bất lợi, bạn chẳng khác gì một nhà đầu tư. Tôi bảo cậu ấy rằng tôi không thể cho lời khuyên về việc đầu tư, nhưng tôi có thể đưa ra vô vàn lời khuyên về cách điều hành một doanh nghiệp. Nếu bạn dự định bán doanh nghiệp, tôi sẽ không giúp ích được gì nhiều”. Ông không ngại bày tỏ sự không hài lòng với dấu hiệu của sự thiếu tham vọng.
“Quá nhiều người trẻ tuổi chỉ cảm thấy thỏa mãn với “hạnh phúc nhỏ”, như trở về nhà với con mỗi tối thay vì ở lại làm đêm, cố gắng trở thành vị chủ tịch tiếp theo của công ty”, ông nói.
Trên đỉnh trụ sở Nidec, với cặp kính có khung màu xanh lá – màu đặc trưng của Công ty – ánh lên trong nắng chiều, Nagamori có vẻ ngạc nhiên khi được hỏi về mục tiêu của ông sau khi thu về giá trị ròng ước tính bởi Bloomberg Billionaires Index là 3,7 tỷ USD. Ông trả lời ngay lập tức: “Xây dựng doanh nghiệp lớn hơn nữa để để lại”.
Theo DNSG