UBND tỉnh: Phát động phong trào thi đua “Chuyển đổi số giai đoạn 2023-2025”

Cập nhật: 04-05-2023 | 09:11:30

 UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch phát động phong trào thi đua “Chuyển đổi số (CĐS) giai đoạn 2023-2025” trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đối tượng thi đua là các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động công tác, làm việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Kế hoạch tập trung vào đẩy mạnh thi đua CĐS ở một số lĩnh vực: Quy hoạch và quản lý đô thị, sản xuất công nghiệp, tài nguyên và môi trường, giao thông - vận tải và logistics, nông nghiệp, y tế, giáo dục,văn hóa và du lịch. Phong trào thi đua được triển khai thực hiện từ năm 2023 đến năm 2025. Cụ thể, năm 2023, 100% các cơ quan, đơn vị, địa phương ban hành kế hoạch phát động, triển khai phong trào thi đua trong phạm vi lĩnh vực, đối tượng phụ trách, hoàn thành trước ngày 30-6-2023; năm 2024, triển khai sâu rộng phong trào thi đua, tổ chức thực hiện các nội dung kế hoạch phát động thi đua, tổ chức sơ kết vào quý IV- 2024; năm 2025, tiếp tục triển khai phong trào thi đua theo nội dung đã phát động, tổ chức tổng kết vào quý IV-2025.

Toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2025, 100% dịch vụ công trực tuyến được cung cấp dưới dạng toàn trình và một phần; 100% giao dịch trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa của tỉnh được xác thực điện tử, dịch vụ công trực tuyến được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; phấn đấu đưa tỉnh Bình Dương thuộc nhóm 10 địa phương đứng đầu về xếp hạng CĐS, xếp hạng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước, xếp hạng phát triển chính quyền điện tử/chính quyền số, kinh tế số, xếp hạng về an toàn, an ninh mạng…

Kinh tế số chiếm 20% GRDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%; 50% doanh nghiệp nhỏ và vừa tiến hành hoạt động kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử, bao gồm mạng xã hội có chức năng giao dịch thương mại điện tử; tỷ lệ giao dịch không dùng tiền mặt trong dịch vụ thương mại điện tử đạt từ 50% trở lên; hạ tầng mạng internet băng rộng phủ trên 99% hộ gia đình, 100% xã; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh; tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%; 100% cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp có nội dung đào tạo, chương trình đào tạo gắn với chuyển đổi số, công nghệ số, thương mại điện tử.

Tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần trên tổng số hồ sơ đạt từ 50% trở lên; tối thiểu 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết TTHC; tỷ lệ giao dịch không dùng tiền mặt trong dịch vụ hành chính công đạt từ 50% trở lên; 60% các hệ thống thông tin của tỉnh có liên quan đến người dân, doanh nghiệp đưa vào vận hành, khai thác được kết nối, liên thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; thông tin của người dân, doanh nghiệp đã được số hóa và lưu trữ tại các cơ sở dữ liệu quốc gia không phải cung cấp lại; 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng…

SÔNG TRÀ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên