Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa (Công ty Dầu Tiếng - Phước Hòa) vừa có thông báo xả lũ đợt 3. Theo đó, thời gian xả nước hồ Dầu Tiếng xuống sông Sài Gòn dự kiến từ 7 giờ ngày 3-11 đến 7 giờ ngày 10-11-2016 với lưu lượng xả từ 150 - 200m3/s tùy theo tình hình diễn biến lưu lượng mưa trên đầu nguồn và mực nước thủy triều vùng hạ du TP.Hồ Chí Minh.
Người dân xã An Sơn (TX.Thuận An) gia cố đê bao phòng chống ngập lụt
Mực nước hồ Dầu Tiếng đang cao
Theo Công ty Dầu Tiếng - Phước Hòa, dự kiến trong những ngày tới, mực nước hồ Dầu Tiếng vẫn tiếp tục tăng trung bình từ 5 - 10cm/ngày, ứng với lưu lượng đến từ 150 - trên 200m3/s. Do vậy, nước hồ Dầu Tiếng có nguy cơ vượt cao so với mức báo động III nên cần tiếp tục xả lũ để hạ thấp mức nước, bảo đảm an toàn theo quy trình vận hành của hồ.
Lãnh đạo Công ty Dầu Tiếng - Phước Hòa cho biết, kể từ ngày 31-10, mọi hoạt động của hệ thống công trình thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa phải duy trì thực hiện nghiêm theo quy chế báo động III. Do đó, cán bộ, công nhân viên công ty phải thường xuyên phối hợp với lực lượng công an hồ nước làm nhiệm vụ thường trực tại vị trí đã được phân công; thường xuyên kiểm tra, quan trắc, tuần tra, bảo vệ nghiêm ngặt các hạng mục công trình theo quy chế, nhất là khu vực tràn xả lũ, đập chính, đập phụ Suối Đá, đập Bầu Vuông... để ứng phó kịp thời khi có sự cố xảy ra.
Công ty cũng đã đề nghị Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Long An và TP.Hồ Chí Minh cần chủ động đề phòng và ứng cứu trong mọi tình huống nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân trong vùng ảnh hưởng.
Nâng cao khả năng phối hợp ứng cứu
Ông Đỗ Thanh Sử, Phó Chủ tịch UBND TX.Thuận An cho biết, Thuận An là địa bàn hạ nguồn sông Sài Gòn, đợt xả lũ này ít nhiều sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân. Qua số liệu cho thấy, đợt xả lũ đang diễn ra vẫn còn trong mức độ cho phép, với lưu lượng dưới 200m3/s. Người dân sống ở vùng xung yếu, gần bờ sông nên chú ý đến triều cường, nếu xả lũ vượt ngưỡng 200m3/s kết hợp với triều cường và mưa to sẽ gây ngập úng cục bộ như thời điểm tháng 10 vừa qua.
Theo ông Phạm Văn Bông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những đợt mưa lớn vừa qua đã gây thiệt hại cho các hộ trồng rau màu ven sông Sài Gòn. Do vậy, đợt xả lũ lần thứ 3 trong năm 2016 từ hồ Dầu Tiếng, người dân tại các địa phương huyện Dầu Tiếng, TX.Bến Cát, TX.Thuận An và TP.Thủ Dầu Một cần theo dõi chặt chẽ mực nước để tránh bị ảnh hưởng tới sản xuất và sinh hoạt hàng ngày. Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tại các địa phương cần đề phòng diễn biến bất thường của thời tiết.
Ông Bông cho biết thêm, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức diễn tập xử lý các tình huống như: Bão đổ bộ, mưa lớn kéo dài, sơ tán nhân dân, di dời tài sản tới các địa điểm an toàn; tìm kiếm cứu hộ, cứu sập, cấp cứu người bị thương do sập nhà; công tác chuẩn bị, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nước uống và chăm sóc y tế cho nhân dân; khắc phục hậu quả sau thiên tai... Qua diễn tập đã nâng cao khả năng phối hợp ứng cứu, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện tại chỗ; hậu cần tại chỗ; chỉ huy tại chỗ). Cùng với đó, nâng cao năng lực lãnh đạo, điều hành, tổ chức chỉ huy, hiệp đồng giữa các lực lượng trong công tác chuẩn bị và thực hành xử trí tình huống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả do bão gây ra; nâng cao nhận thức, hiểu biết trong nhân dân về mức độ nguy hiểm, hậu quả của bão gây ra và các biện pháp phòng, tránh, ứng phó với bão...
XUÂN VĨ