Ưu tiên phát triển chăn nuôi tập trung công nghệ cao

Cập nhật: 11-03-2023 | 08:16:23

Mặc dù gặp nhiều khó khăn song ngành nông nghiệp tỉnh vẫn đạt được kết quả tích cực, năm 2022 đạt mức tăng trưởng khá với 3,12%, bảo đảm mục tiêu đề ra (từ 2,5-3%). Đặc biệt, chăn nuôi công nghệ cao (CNC) của tỉnh giai đoạn từ 2018 đến nay có sự chuyển biến mạnh mẽ.

Ưu đãi đầu tư

Nhằm tạo điều kiện phát triển chăn nuôi theo hướng ứng dụng CNC, Bình Dương đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút, khuyến khích thành lập các doanh nghiệp nông nghiệp, hình thành các vùng nông nghiệp ứng dụng CNC, khuyến khích phát triển nông nghiệp đô thị - ứng dụng CNC, trong đó có lĩnh vực chăn nuôi.


Mô hình chăn nuôi heo thịt của Công ty CP theo hướng an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, ứng dụng công nghệ cao sẽ tạo ra chuỗi giá trị bền vững

Chủ trương của tỉnh đã và đang chú trọng phát triển trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi, giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm gia súc, gia cầm phù hợp về quy mô và điều kiện sản xuất của từng vùng. Trong đó, đáng chú ý là các dự án chăn nuôi với quy trình khép kín từ chăn nuôi, giết mổ, chế biến, tiêu thụ. Theo đó, các mô hình đầu tư sản xuất ứng dụng CNC được vay vốn với mức lãi suất ưu đãi bằng 70% lãi suất cho vay tối thiểu của Quỹ đầu tư phát triển tỉnh Bình Dương. Hạn mức vay ưu đãi từ 80- 90% tùy theo quy mô.

Để hỗ trợ cho người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 09 về việc quy định chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng CNC. Toàn tỉnh hiện đã có 28 dự án đề nghị vay vốn, trong đó có 27 dự án chăn nuôi và 1 dự án đầu tư cơ sở giết mổ, chế biến, với tổng số vốn duyệt hỗ trợ gần 400 tỷ đồng. Ngoài ra, HĐND tỉnh cũng đã ban hành Nghị quyết số 16 về việc quy định chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, phê duyệt danh mục các lĩnh vực đầu tư, cho vay giai đoạn 2022-2026...

Hiện 4 huyện phía bắc của tỉnh, gồm: Bắc Tân Uyên, Bàu Bàng, Phú Giáo và Dầu Tiếng đã và đang phát triển chăn nuôi quy mô trang trại, chăn nuôi theo vùng và gắn với chế biến, thị trường. 100% nhà máy/cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh có dây chuyền giết mổ treo, kiểm soát giết mổ và vệ sinh thú y đúng quy định. Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 945 cơ sở chăn nuôi quy mô trang trại, chiếm trên 90% tổng đàn gia súc, gia cầm toàn tỉnh. Trong đó, tổng đàn chăn nuôi ứng dụng CNC chiếm tỷ lệ trên 50%/tổng đàn chăn nuôi trang trại. Các cơ sở chăn nuôi trang trại đa phần tập trung tại vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi của tỉnh.

Bình Dương cũng đã triển khai hoạt động 1 khu và 2 dự án chăn nuôi ứng dụng CNC với tổng diện tích khoảng 600ha ở huyện Phú Giáo. Dự án nông nghiệp CNC Tiến Hùng thuộc huyện Bắc Tân Uyên chuyên chăn nuôi gà với tổng đàn 58.000 gà đẻ và 30.000 gà hậu bị, sản lượng trứng có thể lên đến 20 triệu quả/năm. Dự án chăn nuôi gia cầm CNC thuộc phường Vĩnh Tân, TX.Tân Uyên với 15 trại gà với tổng đàn 350.000 con, sản lượng trứng trên 95 triệu quả/năm. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn còn khoảng trên 30 ngàn hộ chăn nuôi, nhưng tỷ lệ giảm qua từng năm, bình quân từ 3-5%/năm, ở những thị xã, thành phố giảm trên 10%.

Nhân rộng các mô hình

Trên lĩnh vực chăn nuôi, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh xác định để phát triển ngành hàng này yêu cầu tiên quyết là phải nhanh chóng xây dựng và hoàn thiện vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi theo quy hoạch, giảm dần chăn nuôi quy mô nông hộ. Sản xuất chăn nuôi quy mô nông hộ giảm dần là cơ sở để hình thành các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh hướng tới mục tiêu xuất khẩu, nâng cao giá trị gia tăng.

Bà Huỳnh Thị Kim Châu, Trưởng phòng Quản lý chăn nuôi và thủy sản, cho biết nhằm gắn kết chặt chẽ, hài hòa lợi ích giữa người chăn nuôi, người chế biến và người tiêu thụ, giữa việc áp dụng kỹ thuật công nghệ, chuyển đổi số, từng bước hình thành và nhân rộng các mô hình chăn nuôi theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học, chăn nuôi ứng dụng CNC sẽ liên kết theo chuỗi giá trị. Song song đó, cơ cấu lại quy hoạch hệ thống cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, đổi mới dây chuyền thiết bị đồng bộ, công nghệ tiên tiến và gắn với bảo quản, chế biến, xúc tiến thương mại. Vì vậy, đòi hỏi phải có sự tích hợp quy hoạch ngành chăn nuôi trong quy hoạch tổng thể chung của tỉnh đến năm 2050 gần với những quy hoạch mang tính chất đồng bộ, bền vững.

Ngoài ra, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh đã tham mưu xây dựng quy hoạch vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi trên cơ sở rà soát quy hoạch đã được quy định tại Quyết định số 157 của UBND tỉnh và phải nằm ngoài khu vực không được phép chăn nuôi quy định tại Nghị quyết số 11 của HĐND. Trên cơ sở này, tùy từng thời kỳ và định hướng phát triển của từng địa phương sẽ có sự điều chỉnh bổ sung phù hợp, đây cũng là lối mở của quy hoạch nhằm tạo sự linh động trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch.

Theo quy hoạch, đến năm 2030 và những năm tiếp theo phấn đấu đạt trên 80% các sản phẩm chăn nuôi chủ lực của tỉnh được sản xuất trong các cơ sở an toàn sinh học và thân thiện với môi trường; trên 90% sản phẩm thịt gia súc, gia cầm hàng hóa được cung cấp từ các cơ sở giết mổ tập trung và trên 60% khối lượng sản phẩm chăn nuôi chính được qua sơ chế, chế biến, trong đó tối thiểu 20% được chế biến sâu. Bên cạnh đó, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh còn xây dựng những giải pháp khác như tuyên truyền những chủ trương, chính sách, pháp luật có liên quan đến hoạt động chăn nuôi.

THOẠI PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên