Bài 2: “Miếng bánh” to nỗi lo càng lớn
Cho vay tín chấp đã trở thành sản phẩm nhiều tiềm năng mà các ngân hàng và công ty tài chính (CTTC) đang nhắm đến. Với dân số hơn 90 triệu người, phần đông đang độ tuổi lao động, cho vay tiêu dùng (CVTD) hứa hẹn sẽ sôi động và nhộn nhịp khi có sự tham gia của nhiều đại gia ngân hàng, CTTC. Tuy nhiên, với hệ thống luật ngân hàng còn lỏng lẻo hiện nay, nhiều người lo ngại sẽ tạo ra sự cạnh trạnh không công bằng, mất cân bằng nguồn vốn… khi thị trường tài chính phát triển nhanh như hiện nay.
(Ảnh minh họa)
Cần hành lang pháp lý
Ông Lê Thành Trung, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển nhà TP.HCM (HDBank) cho biết, tỷ trọng tín dụng tiêu dùng hiện nay ở Việt Nam mới chiếm khoảng 5 - 6% GDP, rất thấp so với các nước trong khu vực và thế giới. Tại Thái Lan, tín dụng tiêu dùng đã bằng 18% GDP, trong khi con số này tại Malaysia lên tới 42%.
Song hành với sự phát triển dịch vụ CVTD là sự ra đời các công ty đòi nợ thuê. Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã xảy ra hàng chục vụ đòi nợ thuê có sự góp mặt của các công ty đòi nợ hành xử theo kiều xã hội đen gây mất trật tự, an toàn xã hội… Một số công ty đòi nợ còn khủng bố nạn nhân bằng tin nhắn với lời lẽ hăm dọa, nhục mạ con nợ. Một số đối tượng còn manh động hơn dùng cả dao, mã tấu, súng tự chế… khi đi đòi nợ. |
Số liệu của Home Credit (Tập đoàn Đầu tư và Tài chính tại Trung và Đông Âu) cho thấy, trong năm 2009, Home Credit chỉ có 43.274 hợp đồng vay; đến năm 2010, số lượng hợp đồng đã tăng hơn gấp 3 lần (lên 160.674 hợp đồng); năm 2012 lên 221.789 hợp đồng. Tính đến hết tháng 8-2014, Home Credit đã có 2 triệu khách hàng. Tuy nhiên, vấn đề được bên cho vay và người đi vay vẫn là hạn mức lãi suất.
Tùy theo độ rủi ro, các ngân hàng và CTTC áp dụng nhiều mức lãi suất khác nhau. Đương nhiên, với các CTTC cho thuê tín chấp sẽ áp dụng lãi suất rất cao đối với người đi vay tín chấp vì đối tượng này có độ rủi ro cao. Theo các chuyên gia ngân hàng, mức lãi suất từ 20 - 25%/năm là cao, dưới 30%/năm là khá cao, dưới 40%/năm là rất cao và nếu khách hàng phải vay với mức lãi suất trên 40%/năm là “cắt cổ”. Còn những khoản vay lãi suất lên đến 70 - 80%/ năm có thể được xem là tín dụng đen. Tuy nhiên, tại Việt Nam, hệ thống pháp luật vẫn chưa có quy định áp dụng cụ thể lãi suất cho vay như thế nào được định danh, cùng với những yếu tố cấu thành tội danh “cắt cổ” hay “tín dụng đen” để có những biện pháp điều chỉnh hợp lý cũng như truy cứu trách nhiệm hình sự để bảo đảm quyền lợi cho bên cho vay cũng như người đi vay.
Ông Hiển nhấn mạnh, hiện nay đang có nhiều dư luận nói rằng lãi suất CVTD quá cao đó là vì không hiểu rõ bản chất của CVTD. Vay tiêu dùng là một loại hình tài chính phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Tín dụng tiêu dùng có hai loại: cho vay trực tiếp khách hàng để tiêu dùng; thứ hai là gián tiếp là tổ chức tín dụng mua các phiếu bán hàng từ những người bán lẻ hàng hóa, tức là hình thức tài trợ bán hàng trả góp. Chúng ta không nên lấy dạng CVTD có thế chấp như cho vay mua bất động sản của ngân hàng thương mại (NHTM) để so sánh với dạng CVTD không thế chấp để mua hàng hóa. Dạng cho vay này có rủi ro lớn về mất vốn, nhưng mặt khác người vay chỉ vay số tiền nhỏ để thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng nhanh chóng, thuận lợi của mình như mua điện thoại, tivi… Do vậy, lãi suất loại này có thể lên tới 30 - 40%/năm là bình thường, hợp lý so với lãi suất cho vay có thế chấp an toàn chỉ vào khoản 10%/năm.
Vẫn còn nhiều nỗi lo
Lợi ích CVTD là rất lớn, phù hợp với bối cảnh hiện nay của nền kinh tế Việt Nam. Cái lợi lớn nhất là thuộc về người tiêu dùng, đó là nhiều người có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn vay để mua sắm, chi trả chi phí sinh hoạt không qua kênh tín dụng đen. Về mặt kinh tế vĩ mô, CVTD sẽ đẩy mạnh sức mua, kích cầu lan tỏa trong các hoạt sản xuất, kinh doanh do người dân ngày càng dễ tiếp cận với nguồn vốn vay tiêu dùng hơn
Kinh nghiệm của nước Mỹ cho thấy, họ lập ra một hệ thống tính điểm tín dụng cá nhân tối đa là 800 điểm Theo Công ty về xếp hạng tín dụng tiêu dùng (Credit Federal, Mỹ), những người có từ 700 - 800 điểm là có lịch sử trả nợ tốt, công việc ổn định lâu dài và hiện tại đang vay với một tỷ lệ thấp. Đối tượng này rất dễ tiếp cận vốn và được vay vốn giá rẻ. Cá nhân từ 600 - 700 điểm tương đối tốt và đi vay cũng được nhiều ưu đãi, nhưng lãi suất cao hơn so với loại trên. Trường hợp 500 - 600 điểm là rất khó vay. Người chỉ đáp ứng được 400 - 500 điểm thì không có hy vọng để đi vay tiêu dùng tại các ngân hàng. Nhưng tại VN, hầu hết hệ thống NHTM và CTTC vẫn chưa xây dựng hệ thống thang điểm để xác định đối tượng khách hàng. |
Theo các chuyên gia, không nên kỳ vọng và tập trung quá nhiều CVTD, nhất là trong bối cảnh thị trường CVTD phát triển quá nhanh như hiện nay. Theo tính toán, nợ CVTD nằm dưới mức 3% là an toàn, khi tăng nợ xấu tăng lên 6 - 8% là rất đáng lo ngại. Nhưng hầu hết ngân hàng và CTTC hiện nay nợ xấu CVTD vượt ngưỡng 8% là chuyện bình thường. Ông Kiều Hữu Dũng, nguyên Vụ trưởng Vụ các ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, vào thời điểm kinh tế ổn định, nợ xấu trong mảng tín dụng tiêu dùng chỉ là 5 - 7%. Nhưng khi kinh tế khủng hoảng, tỷ lệ này có thể lên đến 15 - 20%, nên sẽ là nguy cơ lớn đối với hệ thống ngân hàng.
Nhìn chung, CVTD tại Việt Nam hiện vẫn còn nằm trong ngưỡng an toàn. Tuy nhiên, để nó thật sự là công cụ hiệu quả thúc đẩy kinh tế, bảo đảm trật tự xã hội là bài toán không đơn giản. Sự đổ vỡ thị trường tài chính Mỹ năm 2009 là bài học nhãn tiền.
PHÙNG HIẾU