Đường về Minh Thạnh hôm nay được mở rộng thênh thang, nối miền quê này gần hơn với phố thị... Và, Minh Thạnh thực sự đã khoác lên mình màu áo mới.
Một ngày giữa tháng chạp, chúng tôi về thăm Minh Thạnh và ngạc nhiên với những đổi thay ở nơi đây. Minh Thạnh cũng đã được công nhận là xã nông thôn mới từ năm 2016. Đạt được những tiêu chí từ công cuộc xây dựng nông thôn mới, diện mạo của Minh Thạnh hôm nay thay đổi hơn trước nhiều... Ông Đinh Quốc Hiệu, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Thạnh, cho biết xã có diện tích hơn 6.000 ha, 2.500 hộ với hơn 9.000 nhân khẩu. Người dân ở Minh Thạnh hơn 80% sống bằng nghề nông, chủ yếu trồng cây cao su. Toàn xã hiện còn 30 hộ nghèo theo tiêu chí của tỉnh. Đời sống kinh tế, an ninh, trật tự xã hội luôn được ổn định. Xã có 85 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là đồng bào Khơ-me.
Anh Đỗ Văn Son (phải) đang trao đổi về kỹ thuật trồng cây kiểng
Năm nay, việc chăm lo tết cho người nghèo cũng được các cấp quan tâm. Xã sẽ trao tặng 285 phần quà và còn khoảng 100 phần từ các nhà hảo tâm trao tặng đến các đối tượng từ nay đến Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Đây sẽ là những món quà làm ấm lòng bà con khi tết đến xuân về. Cũng trong dịp này, 3 căn nhà đại đoàn kết đã được bàn giao cho bà con khó khăn về nhà ở. Tất cả đều cố gắng để giúp những hộ khó khăn không còn thiếu thốn và đón một mùa xuân an lành. Tính đến cuối năm 2018, tổng giá trị sản xuất đạt hơn 1.137 tỷ đồng, tăng 23,9% so với năm 2017 và đạt 104,8% so với nghị quyết. Thu nhập bình quân đầu người trong năm 2018 đạt 51,3 triệu đồng/người/năm, đạt hơn 102% so với nghị quyết...
Đến với người dân ở các ấp trong xã, chúng tôi mới thấy được rõ nét hơn sự đổi thay ở Minh Thạnh hôm nay. Ẩn mình trong những lô cao su là các vườn cây kiểng xanh mướt, vườn mai đang được bà con nhặt lá chờ đón một mùa mai vàng cho thu nhập cao khi cây kiểng ngày càng có giá. Trao đổi với chúng tôi, anh Đỗ Văn Son, trưởng ấp Căm Xe, cho biết những năm trước, khi cao su rớt giá thì bà con nông dân ở Minh Thạnh “tự cứu lấy mình” bằng cách về các làng hoa ở miền Tây như Sa Đéc (Đồng Tháp) hay các vùng khác ở Long An, Tiền Giang để học nghề trồng cây kiểng, trồng cây thuốc cá (tên dân gian) để bán ra thị trường. Ở đây cũng có hợp tác xã trồng cây kiểng thành lập với hơn 30 hộ dân. Có hộ nhờ vào nghề trồng cây kiểng cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/ năm. Việc làm này được bà con cho rằng là cách “lấy ngắn nuôi dài” rất hiệu quả.
Một trong những điểm đổi mới nữa của Minh Thạnh hôm nay là những con đường dẫn về thôn ấp đã được đổ nhựa sạch đẹp, tiện lợi. Có thể kể đến là con đường Nhà nước và nhân dân cùng làm dẫn vào Xóm Huế (bởi có nhiều người đến từ Thừa Thiên - Huế, lập thành xóm, ấp từ những năm của thập niên 80, 90 thế kỷ trước). Con đường trị giá 2 tỷ đồng được bà con ủng hộ hơn 200 triệu đồng. Nhờ những con đường này, giao thông nông thôn ở đây ngày một tiện lợi hơn.
Cũng theo ông Đinh Quốc Hiệu, chủ trương của xã là luôn đoàn kết chăm lo xây dựng đời sống nông thôn, không để có người nghèo. Công tác tôn giáo, dân tộc ở đây cũng được thực hiện tốt. Hàng năm, vào dịp Tết Nguyên đán, xã đã tổ chức thăm, tặng quà và chúc tết các cơ sở tôn giáo, phối hợp với Phòng Dân tộc UBND tỉnh để tặng quà cho các hộ người đồng bào dân tộc thiểu số Khơ-me có cuộc sống khó khăn. Bên cạnh đó, xã cũng đã phổ biến kỹ thuật trồng cây kiểng, cây có múi cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số với 70 lượt người tham dự để giúp họ có điều kiện trồng trọt, sản xuất nâng cao thu nhập, ổn định kinh tế của gia đình.
Hy vọng rằng, cuộc sống của bà con nơi đây ngày một đổi thay và văn minh hiện đại hơn nữa.
QUỲNH NHƯ