Vén màn bí ẩn ngày 10-10 lịch sử trên địa đạo tam giác sắt

Cập nhật: 05-10-2013 | 00:00:00

 LTS: Trong kháng chiến chống Mỹ, khi đội quân viễn chinh hùng mạnh nhất thế giới đặt chân đến Việt Nam, trực tiếp tham chiến trên chiến trường và chuốc lấy những thất bại nhục nhã. Cùng với những chiến thắng Núi Thành, Vạn Tường, Bình Giã, quân và dân Bình Dương đã góp một chiến thắng cũng hiển hách không kém. Đó là chiến thắng An Điền, hay còn gọi là trận đánh ngày 10-10-1965. Chỉ với một tổ du kích gồm 4 người do ông Nguyễn Văn Mỏi (Tư Mỏi) chỉ huy đã tiêu diệt và làm bị thương 150 tên Mỹ tại địa bàn xã An Điền, huyện Bến Cát.

Xung quanh chiến thắng này vẫn còn nhiều điều bí ẩn, như làm thế nào mà chỉ 4 người với vũ khí, trang bị hạn chế lại đánh thắng 150 tên Mỹ với hỏa lực hùng hậu; vì sao đến giờ người chỉ huy trận đánh gây chấn động dư luận lúc bấy giờ lại chưa được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân…? Từ số báo này, báo Bình Dương sẽ khởi đăng loạt bài viết về trận đánh kỳ diệu ngày 10-10-1965.

 Luôn tự xem mình là số 1, ngang tàng, hống hách, đội quân viễn chinh Mỹ và một số nước chư hầu xem lực lượng kháng chiến quân và dân miền Nam chỉ là những kẻ nổi loạn theo kiểu “giặc cỏ”, dễ dàng nhổ sạch. Họ tự cho mình đang thực thi sứ mệnh quan trọng là “nhổ cỏ”, dẹp loạn để bảo hộ cho chính quyền ngụy quyền tay sai. Và họ đã trả giá cho những ý nghĩ ngu xuẩn này trong những ngày đầu đặt chân lên chiến trường Đông Nam bộ, mà cụ thể là địa bàn 3 xã An Điền, An Tây, Phú An, huyện Bến Cát, cách thủ phủ Sài Gòn chừng 30km.

 Ảo tưởng ban đầu

Ba xã Tây Nam huyện Bến Cát là An Điền, An Tây, Phú An hợp thành địa bàn có hình tam giác do 2 con sông Sài Gòn và Thị Tính bao bọc 3 mặt: Đông, Tây, Nam; còn phía Bắc là Hương lộ 7 chạy từ Chánh Phú Hòa đến thị trấn Mỹ Phước qua xã An Điền, nối vào đường liên Tỉnh lộ 14 tại ngã ba Rạch Bắp, xã An Tây. Trong kháng chiến chống Pháp, cả 3 xã đều là căn cứ địa cách mạng của huyện và tỉnh. Từ năm 1961 đến năm 1964, Mỹ - ngụy đã thực hiện cuộc càn quét cấp tiểu đoàn, trung đoàn đánh phá địa bàn 3 xã, nhưng vẫn không đánh bật được “Việt cộng” ra khỏi mảnh đất này. 3 xã An Điền, An Tây, Phú An trở thành “thánh địa của Việt cộng”, là vùng đất đáng sợ và luôn nguy hiểm đối với chúng mỗi khi đặt chân đến vùng đất này.    Lính dù Mỹ bị thương được đồng đội dìu đến trực thăng tải thương trong một trận đánh vào đầu tháng 10-1965

Ngay sau khi đặt chân đến chiến trường Đông Nam bộ vào tháng 5-1965, Mỹ triển khai Sư đoàn Bộ binh số 1 - còn gọi là Sư đoàn Anh Cả Đỏ gồm 3 lữ đoàn. Lữ đoàn 3 đóng tại Lai Khê, xã Lai Hưng ngày nay, 2 lữ đoàn còn lại đóng tại Hớn Quản - Chơn Thành (tỉnh Bình Phước) ngày nay và Phước Vĩnh, huyện Phú Giáo (Bình Dương). Sứ mệnh của các lữ đoàn này vừa làm nhiệm vụ bảo vệ Sài Gòn, vừa làm bàn đạp tấn công các căn cứ kháng chiến của ta, trong đó Tam Giác Sắt là mục tiêu lớn. Bởi vậy, ngay khi đổ quân, Lữ đoàn 1 căn cứ Lai Khê bắt đầu phô diễn sức mạnh quân sự, đe dọa cách mạng bằng những đợt dùng B.52 ném bom rải thảm, địa bàn đầu tiên là ấp Trảng Lớn, Bờ Cảng, xã Long Nguyên. Sau đó lan rộng ra các địa bàn khác như Hóc Măng, Phú Bình, Kiến An...

Lầm tưởng sức mạnh khí tài hùng hậu có thể làm nhụt ý chí người dân Bến Cát, ngược lại, tầng tầng lớp lớp người dân từ vùng giải phóng đến vùng địch kiểm soát đóng góp sức người, sức của ủng hộ cách mạng. Được sự hướng dẫn của cán bộ, bộ đội, nhân dân âm thầm làm hầm bí mật, cất giấu lương thực, nhất là du kích các xã dù mỗi ấp chỉ có 1, 2 tiểu đội nhưng họ là những người thợ có thể tự sản xuất vũ khí, hàng loạt trái mìn tự tạo, bàn chông được làm ra kết hợp với những vũ khí được xưởng quân giới cung cấp như đầu Pan, thủ pháo, mìn chống tăng, ĐH8, ĐH10. Tất cả hầm hào, ô, ụ chiến đấu, hầm chống phi pháo ở các nơi công cộng và từng gia đình được chuẩn bị chu đáo sẵn sàng đối đầu với lính Mỹ.

Ngày 10-10 lịch sử

Đúng như nhận định của Huyện ủy Bến Cát, 3 xã Tây Nam của huyện vẫn là tâm điểm của những cuộc càn quét, với mục tiêu tìm diệt lực lượng vũ trang, phá hủy căn cứ kháng chiến của ta và lập tuyến an ninh cho căn cứ Lai Khê. Ngày 8-10-1965, Mỹ - ngụy mở cuộc càn quét lớn lần thứ 2 vào địa bàn An Điền, An Tây, Phú An với lực lượng hùng hậu gồm cả thủy - lục - không quân với khoảng 12.000 quân. Trong đó có 8.000 lính Mỹ thuộc Sư đoàn Anh Cả Đỏ và một trung đoàn thuộc Sư 5 Bộ binh ngụy, cùng máy bay, phi pháo và tàu chiến yểm trợ, mở cuộc càn quét dài ngày hòng tiêu diệt cho được căn cứ kháng chiến vùng Tam Giác Sắt.

Để đạt được ý đồ, trong vòng một tuần lễ càn quét vào Bến Cát, tính từ ngày 8-10-1965 đến ngày 13- 10-1965, tâm điểm là Tam Giác Sắt, Mỹ và quân chư hầu đã sử dụng cả máy bay chiến lược B.52 để ném bom rải thảm. Chúng đã sử dụng 2.700 tấn bom đạn, 126.000 trái đạn pháo, cối các loại, trong đó tập trung ném xuống An Điền khoảng 2.000 tấn bom và một nửa số đạn pháo nói trên. Chia đều, mỗi người dân An Điền phải hứng chịu nửa tấn bom và 10 trái đạn pháo.

Nhưng trong cuộc chiến không cân sức đó, với phương pháp đấu tranh dũng cảm, mưu lược, chưa đầy một tuần lễ những ngày đầu tháng 10-1965, du kích 3 xã Tây Nam đã tiêu diệt 516 tên giặc Mỹ, bắn rơi 3 máy bay và phá hủy nhiều phương tiện quân sự. Tâm điểm là ngày 10- 10, sau hơn 2 ngày càn quét 3 xã Tây Nam không thu được kết quả như mong đợi, tiểu đoàn lính Mỹ đóng trên đường số 7, sau khí bắn dọn đường hơn 1 giờ liền, chúng kéo xuống phối hợp với cánh quân ở Đồng Trai, chia ra nhiều mũi càn vào sở Ông Kho và ấp 1, xã An Điền. Ở đây, bọn chúng gặp phải tổ du kích xã An Điền chỉ với 4 đồng chí: Tư Mỏi, Bảy Lỗ, Năm Ne, Tư Đạo do đồng chí Nguyễn Văn Mỏi phụ trách. Tổ du kích được trang bị 2 cạc bin, 2 bá đỏ, 4 trái 105 ly, 1 cối 81, 1 trái DH 10, cùng một số lựu đạn do chính tay ông Mỏi tự chế tạo. Số mìn và trái nổ trên được bố trí quanh các ụ chiến đấu, khi đội hình địch lọt vào trận địa, các chiến sĩ du kích đã tiêu diệt 150 tên Mỹ (Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Dương có ghi nhận). Hãng tin UPI của Mỹ cay đắng loan tin thú nhận “cuộc hành quân lớn nhất của Sư đoàn Bộ binh số 1 của Mỹ ở 3 xã Tây Nam Bến Cát hoàn toàn thất bại”. Tên “Tam Giác Sắt” bắt đầu xuất hiện từ trận càn này.

Từ chiến thắng đến phương châm đánh Mỹ

Chiến thắng của quân, dân An Điền và các xã vùng Tam Giác Sắt làm nức lòng quân dân trong cả nước. Chiến thắng này cho thấy một thực tế là lực lượng vũ trang địa phương nếu được chuẩn bị tốt cũng có khả năng đánh thắng Mỹ.

Sự kiện ngày 10-10-1965 tưởng chừng chỉ còn là vài dòng lịch sử ít ỏi, nhưng người dân An Điền thì không như thế. Họ luôn đau đáu câu hỏi trong đầu: ông Tư Mỏi đánh Mỹ giỏi, ai cũng biết; sử sách đều có ghi lại chiến công cùng với 3 đồng đội trong tổ du kích An Điền làm chết và bị thương 150 tên Mỹ chỉ trong vòng hơn 3 giờ chạm trán. Nhưng sao ông ấy không được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Nhưng dẫu sao, trong lòng người dân An Điền vẫn ẩn hiện niềm kiêu hãnh: Vùng đất anh hùng đã sản sinh một anh hùng dũng cảm, mưu lược, đánh Mỹ giỏi, giúp Bình Dương có chiến công sánh cùng với những chiến thắng Vạn Tường, Bình Giã, Núi Thành. Xa hơn, cách đánh thắng Mỹ của ông Mỏi giúp Bộ Chỉ huy Miền hình thành phương châm đánh thắng Mỹ: “Nắm thắt lưng địch mà đánh”.

Câu chuyện du kích An Điền đánh Mỹ và thắng lớn bắt đầu được Khu ủy miền Đông Nam bộ phát động học tập cho du kích các địa phương khác. Ông Huỳnh Văn Thu, nguyên Bí thư Huyện ủy Bến Cát, lúc bấy giờ là người được cấp trên cử lên Trung ương Cục miền Nam báo cáo kinh nghiệm đánh Mỹ của quân và dân Bến Cát tại Hội nghị lần thứ 4 vào tháng 3-1966, nhớ lại: Hội nghị bàn về cách đánh Mỹ này do Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (Bí thư Trung ương Cục miền Nam kiêm Chính ủy Quân Giải phóng miền Nam) và nữ tướng Nguyễn Thị Định (Phó Tổng Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam giai đoạn từ 1965 đến 1975) chủ trì. Tại hội nghị, một câu hỏi đặt ra cho chỉ huy các đơn vị bộ đội chủ lực là, làm thế nào đánh thắng Mỹ? Lúc đó phần đông ý kiến đều cho rằng chưa có nhiều kinh nghiệm đụng độ trực tiếp với lính Mỹ nên có phần e ngại, “chưa biết thế nào”. Bà Nguyễn Thị Định lấy du kích An Điền và trận đánh do ông Tư Mỏi chỉ huy tiêu diệt và làm bị thương 150 tên Mỹ ra làm điển hình để phân tích và đúc kết: “Hãy nắm thắt lưng địch mà đánh”. Ngay sau đó, Bộ Chỉ huy Miền B2 phát động phong trào thi đua giành danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ” và “đơn vị diệt Mỹ” với khí thế “tìm Mỹ mà đánh”, tìm ngụy mà diệt”. Phương châm này rút ra từ trận đánh và giành chiến thắng vô cùng kỳ diệu của du kích An Điền mà cụ thể là “mô hình” diệt Mỹ của ông Nguyễn Văn Mỏi và đồng đội.

 Kỳ 2: Gặp gỡ nhân chứng lịch sử

 CHÍ THANH - HÒA NHÂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=749
Quay lên trên